Khám phá

Ngọn núi thiêng có 117 ngôi đền ở Nhật Bản

Đến núi Koya (tỉnh Wakayama), du khách được tận hưởng không khí tĩnh lặng, yên bình tại vùng núi linh thiêng nhất "đất nước Mặt trời mọc".

26/08/2021 10:34
Ngọn núi thiêng có 117 ngôi đền ở Nhật Bản - Ảnh 1.

Năm 816, một nhà sư tên là Kukai (Không Hải Đại Sư) đã đến vùng núi Koya với hy vọng tìm địa điểm thích hợp cho việc tu hành của Chân Ngôn Tông (Shingon). Cuối cùng, ông đã chọn được thung lũng sâu 800m, được bao quanh bởi 8 đỉnh núi giống như cánh hoa sen tám cánh. Hiện nay, núi Koya là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Nhật Bản với mùi hương trầm thoang thoảng, tiếng tụng kinh của các nhà sư và nghĩa trang lạnh lẽo trong những cánh rừng già. Vùng núi thiêng của Nhật Bản được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2004. Ảnh: Dreamstime

Ngọn núi thiêng có 117 ngôi đền ở Nhật Bản - Ảnh 2.

Núi Koya là một phần trong tuyến đường hành hương cổ xưa gọi là Kumano Kodo. Du khách sẽ đi bộ xuyên những rừng cây tuyết tùng, cây bách cao chót vót, vượt qua thác nước tung bọt trắng xóa và tham quan các ngôi đền lơ lửng trong biển mây. Tuyến đường dài 307 km nối ba ngôi đền Kumano lớn (Hongu Taisha, Nachi Taisha, Hayatama Taisha) với vùng núi Koya. Trong Thần Đạo Nhật Bản, rừng và đá là những vật chứa linh hồn các vị thần (kami) và mọi yếu tố tự nhiên đều mang ý nghĩa thần thánh. Ảnh: BBC

Ngọn núi thiêng có 117 ngôi đền ở Nhật Bản - Ảnh 3.

Nhờ ảnh hưởng của Thiên hoàng Saga, vùng núi Koya bắt đầu nổi tiếng trên lãnh thổ Nhật Bản. Trong thời đại Edo (1603-1868), có khoảng 1.000 đền thờ được xây dựng tại núi Koya. Bấy giờ, các lãnh chúa, samurai và thường dân rất kính trọng Không Hải Đại Sư nên thường xuyên thăm mộ của ngài, mong muốn được chôn cất tại nghĩa trang Okunoin sau khi họ qua đời. Du khách có thể trải nghiệm cảm giác đi bộ dưới hàng cây tuyết tùng, tham quan 200.000 bia mộ, bảo tháp phủ đầy rêu xanh và những bức tường jizo nhỏ đeo yếm đỏ tại Okunoin. Ảnh: iFly Magazine

Ngọn núi thiêng có 117 ngôi đền ở Nhật Bản - Ảnh 4.

Vùng núi Koya thu hút khoảng 2 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Hiện nay, du khách thường sử dụng phương tiện như xe khách, tàu hỏa hoặc đi cáp treo dài 900 m từ chân núi lên thị trấn Koya, sau đó đi qua Daimon cao hai tầng được bảo vệ bởi những bức tượng thần Kongorikishi oai nghiêm. Một số người hành hương vẫn đi bộ trên đường mòn Choishimichi dài 21 km đến núi Koya như truyền thống. Trước năm 1872, phụ nữ không được đặt chân vào thị trấn Koya vì đây là vùng đất thiêng của samurai, thay vào đó họ sẽ cầu nguyện tại hội trường Nyonin-do dưới chân núi. Ảnh: Japan Guide

Ngọn núi thiêng có 117 ngôi đền ở Nhật Bản - Ảnh 5.

Danjo Garan (Đàn Thượng Già Lam) là điểm tham quan được nhiều du khách yêu thích ở vùng núi Koya. Ngay kế bên Danjo Garan là ngôi chùa hai tầng Konpon Daito cao 47 m. Tại đây, du khách có thể thanh lọc tâm hồn bằng cách thoa hương liệu lên tay và cầu nguyện trước bức tượng đồng Dainichi Nyorai (Đại Nhật Như Lai), tác phẩm nghệ thuật biểu tượng của Kim Cương thừa. Bức tượng được che chắn bởi 4 bức tượng và 16 cột sơn tạo nên bản đồ ba chiều của vũ trụ, nữ tu ở Konpon Daito giải thích. Ảnh: Lonely Planet

Ngọn núi thiêng có 117 ngôi đền ở Nhật Bản - Ảnh 6.

Kongobuji là ngôi đền đứng đầu trong hệ phái Chân Ngôn Tông ở Nhật Bản. Công trình được Toyotomi Hideyoshi xây dựng vào năm 1593 để tưởng nhớ người mẹ đã mất của ông. Trong đền còn lưu giữ những cánh cửa được trang trí hình ảnh chim diệc đậu trên cành liễu phủ tuyết, thể hiện sự giàu có và quyền lực của người cai trị Nhật Bản cuối thế kỷ 16. Ngoài ra, Banryutei - vườn đá lớn nhất Nhật Bản - có khoảng 140 tảng đá hoa cương trên nền cát biểu trưng hai con rồng đang trồi lên giữa đám mây để bảo vệ ngôi đền Kongobuji. Ảnh: depositphotos

Ngọn núi thiêng có 117 ngôi đền ở Nhật Bản - Ảnh 7.

Một trong những trải nghiệm độc đáo du khách không nên bỏ qua khi đến núi Koya là ngủ tại shukubo. Ở shukubo, khách du lịch được tận hưởng những tiện nghi gần giống ryokan (nhà trọ kiểu Nhật), với gian phòng trải chiếu tatami và nệm futon. Nhưng điểm khác biệt ở shukubo là du khách được phục vụ đồ ăn chay sử dụng những nguyên liệu như rau núi, đậu phụ... do các nhà sư trẻ nấu. Thực phẩm đã tinh chế giúp du khách cảm nhận hương vị tinh tế của món ăn. Ảnh: japanvisitor

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận