Văn hóa - Du lịch

Người Tày gói 'bánh chưng bố mẹ', lấy nước mừng năm mới

(VOVTV) - Ngày xuân của người Tày ở vùng cao Bình Liêu (Quảng Ninh) là những ngày rét ngọt, người tất bật dán giấy đỏ lên cửa nhà, người quây quần gói "bánh chưng bố", "bánh chưng mẹ" hay xuống suối lấy nước... trong lời then tiếng tính mong tài lộc, bình an.

Tác giả CTV Hoàng La/VOV Đông Bắc
09/02/2024 06:15
Người Tày gói 'bánh chưng bố mẹ', lấy nước mừng năm mới- Ảnh 1.

Khi những nụ đào phớt hồng e ấp, hoa mận trắng bung nở khắp triền non đón xuân về cũng là lúc người Tày ở huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Chiếm trên 50% dân số huyện, cùng với các dân tộc anh em, người Tày nơi đây vẫn giữ gìn được bản sắc và nét văn hóa truyền thống độc đáo.

Người Tày gói 'bánh chưng bố mẹ', lấy nước mừng năm mới- Ảnh 2.

Tết Nguyên đán trong tiếng Tày gọi là “bươn chiêng pi mâu”, “nèn bươn chiêng” là tháng khởi đầu của năm mới. Sáng sớm ngày 30 Tết, các gia đình quét dọn nhà cửa, cất máy móc, nông cụ để nghỉ ngơi ăn Tết và dán giấy đỏ tại bàn thờ, cửa chính, cửa bếp, chuồng trại, vật dụng, cây cối… với mong muốn đón những điều may mắn, tài lộc. Mỗi nhà cũng dựng một cây nêu trước cửa, loại trừ ma quỷ, giữ đất, giữ nhà.

Người Tày gói 'bánh chưng bố mẹ', lấy nước mừng năm mới- Ảnh 3.

Việc gói bánh chưng đã được chuẩn bị từ sớm. Anh em họ hàng tụ họp gói bánh chưng và bánh coóc mò. Từ trẻ con tới người lớn, ai cũng có việc, rửa cắt lá dong, vo gạo, ướp nhân thịt…

Người Tày gói 'bánh chưng bố mẹ', lấy nước mừng năm mới- Ảnh 4.

Gạo để gói bánh chưng chính là gạo từ mùa cơm mới tháng 10 được giữ lại để dành ăn Tết nên chiếc bánh luôn dẻo thơm mùi gạo mới.

Người Tày gói 'bánh chưng bố mẹ', lấy nước mừng năm mới- Ảnh 5.

Người Tày gói bánh chưng dài có nhân thịt lợn với lá cơm lông, giúp chiếc bánh có màu tím đậm đặc trưng. Trong đó đặc biệt có 2 chiếc "bánh chưng bố", "bánh chưng mẹ". Bánh chưng bố là bánh dài nhân cá, biểu tượng cho nguồn nước và sự no đủ, thịnh vượng. Bánh chưng mẹ là bánh tròn nhân trứng, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở.

Người Tày gói 'bánh chưng bố mẹ', lấy nước mừng năm mới- Ảnh 6.

Việc gói bánh chưng bố, bánh chưng mẹ đòi hỏi kĩ thuật cao và khéo léo hơn, như bánh chưng mẹ phải gói bằng khuôn tròn đan bằng lạt. Việc này thường do những người có kinh nghiệm gói bánh lâu năm thực hiện. Đến ngày 30 Tết, gia chủ sẽ đặt bánh chưng bố, bánh chưng mẹ lên bàn thờ để cúng tổ tiên.

Người Tày gói 'bánh chưng bố mẹ', lấy nước mừng năm mới- Ảnh 7.

Mọi công việc đều được làm nhanh chóng cho lễ cúng tất niên tiễn đưa năm cũ, đón năm mới và mời tổ tiên về cùng ăn Tết. Các gia đình quây quần bên bếp lửa, trò chuyện về những dự định, kế hoạch mới, chờ đón những niềm vui, hạnh phúc, an lành trước thềm năm mới. Các bà, các mẹ còn tranh thủ cắt gọt cành hoa dâu, chuẩn bị xôi vàng để chuẩn bị cho nghi lễ quan trọng nhất vào sáng Mùng 1.

Người Tày gói 'bánh chưng bố mẹ', lấy nước mừng năm mới- Ảnh 8.

Sớm Mùng 1, đường làng ngõ xóm rộn ràng, không ai bảo ai đều dậy sớm, xuống suối để thực hiện nghi lễ lấy nước mang về nhà.

Người Tày gói 'bánh chưng bố mẹ', lấy nước mừng năm mới- Ảnh 9.

Bà Hoàng Thị Ninh (thôn Cốc Lồng, xã Lục Hồn) kể: Tại điểm lấy nước, sau khi chọn được hướng nước chảy, cắm cành hoa dâu, cắm hương, người lấy nước sẽ nói “Lấy nước hướng Nam không làm cũng giàu có, lấy nước hướng Đông ăn sung mặc sướng”, rồi múc lấy nước để gánh về dùng.

Người Tày gói 'bánh chưng bố mẹ', lấy nước mừng năm mới- Ảnh 10.

Người ta lấy vỏ cây dâu buộc lấy một số hòn đá, mang về theo mong ước nuôi được trâu bò đầy chuồng, lợn gà chật sân và xin một vài cành lộc nho nhỏ. Mọi người tin rằng tiền của sẽ theo đó mà về dồi dào.

Người Tày gói 'bánh chưng bố mẹ', lấy nước mừng năm mới- Ảnh 11.

Người Tày quan niệm nước suối là thứ nước mát lành, trong sạch, đem về rửa mặt, chân tay thì cả năm sẽ được mát mẻ như suối đầu nguồn. Ngày Mùng 1 tết, người Tày kiêng đến nhà người khác để tránh mọi rủi ro song có thể đi lễ ở đình, đến các nhà văn hóa thôn, bản cùng chơi tung còn, đánh quay, kéo co, đẩy gậy…

Người Tày gói 'bánh chưng bố mẹ', lấy nước mừng năm mới- Ảnh 12.

Mâm cỗ Tết của người Tày đầy đủ các sản vật của địa phương. Trong không khí rộn ràng đón năm mới còn có niềm tự hào nhìn quê hương đổi mới từng ngày. Huyện Bình Liêu đã trở thành huyện miền núi biên giới đầu tiên của cả nước về đích chương trình xây dựng Nông thôn mới. Du lịch hiện đang phát triển gắn với khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ... giúp Bình Liêu trở thành điểm đến hấp dẫn.

Người Tày gói 'bánh chưng bố mẹ', lấy nước mừng năm mới- Ảnh 13.

Giữa sắc xuân tràn ngập khắp các bản làng, lời hát Then, tiếng đàn Tính ngọt ngào, đắm say như lời tâm tình của người Tày, gửi gắm tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình, quê hương và mong ước những điều tốt đẹp, cùng góp sức làm nên những đổi thay tươi đẹp hơn, phát triển hơn trên dải đất biên cương Bình Liêu.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận