Khám phá

Món ăn ngày Tết của người Nùng Phàn Slình ở Lạng Sơn

(VOVTV) - Cũng như các dân tộc anh em khác, người Nùng Phàn Slình ở tỉnh Lạng Sơn rất chú trọng đến việc chuẩn bị các món ăn ngày Tết. Những món ăn ngày Tết của người Nùng Phàn Slình không đơn thuần để cúng gia tiên hay mời bạn bè, người thân mà còn thể hiện nét đẹp truyền thống và mong cầu một năm mới thật nhiều may mắn.

Tác giả Nông Diệp/VOV Đông Bắc
12/02/2024 23:33

Từ ngày 20 tháng Chạp bà con người Nùng Phàn Slình ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn đã chuẩn bị mộc nhĩ, măng khô, chọn những con lợn to để làm thịt treo gác bếp, làm lạp sườn, chuẩn bị lá dong, đỗ xanh và gạo nếp để làm các loại bánh trái... 

Món ăn ngày Tết của người Nùng Phàn Slình ở Lạng Sơn- Ảnh 1.

Quan niệm của người Nùng Phàn Slình ăn thịt vịt ngày cuối năm để xua đi những điều xui xẻo và sang năm mới đón nhận nhiều cái mới. Bởi vậy, bữa cơm tất niên của người Nùng Phàn Slình không thể thiếu được món thịt vịt.

Chị Tô Thị Vỷ ở thôn Bản Chúc, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia (Lạng Sơn) cho biết: "Người Nùng Phàn Slình ở đây từ ngày 25 tháng Chạp sẽ gói bánh gio, đến ngày 28 mọi người trong làng sẽ thịt lợn và gói bánh chưng. Trước đây mỗi nhà thịt một con nhưng hiện nay thì 4, 5 nhà chung nhau thịt một con lợn để đỡ lãng phí."

Chiều 30 Tết, sau khi dọn dẹp nhà cửa tươm tất, bà con sẽ chuẩn bị bữa cơm tất niên và làm món ăn dâng cúng. Người Nùng Phàn Slình ở Lạng Sơn thường có 3 ban thờ: Ban thờ kiêng (thờ các thần linh, được đặt cao nhất), ban thờ tổ tiên và một ban thờ Bà mụ (đặt đối diện và thấp hơn ban thờ tổ tiên). Mâm cúng ban thờ tổ tiên trong ngày 30 Tết thường có nhiều món nhưng không thể thiếu gà thiến luộc, ngoài ra còn có thêm bánh chưng, bánh gio, bánh khảo, các loại hoa quả bánh kẹo khác. Riêng đồ lễ cho ban thờ kiêng là đồ chay như bánh gio và hoa quả, còn ban thờ Bà mụ phải có thêm con gà mái tơ luộc. Nhiều gia đình cũng chuẩn bị mâm cúng bên ngoài nhà vì quan niệm: Ngày Tết, những linh hồn tha phương cũng cần được chăm sóc.

Món ăn ngày Tết của người Nùng Phàn Slình ở Lạng Sơn- Ảnh 2.

Mâm cơm ngày mùng 1 Tết của một gia đình người Phàn Slình (xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn).

Chị Tô Thị Vỷ ở thôn Bản Chúc, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia (Lạng Sơn) cho biết thêm, sau khi mâm cúng được bày lên ban thờ, gia đình sẽ mời các nhà hàng xóm đến cùng ăn bữa cơm tất niên vui vẻ, đầm ấm.

Chị Vỷ chia sẻ: "Mâm cơm cuối năm của bà con người Nùng Phàn Slình nơi đây thường có nhiều món thịt, canh măng, canh miến, rau...và đặc biệt không thể thiếu món thịt vịt. Món thịt vịt có thể chế biến nhiều cách khác nhau như: vịt quay với lá mác mật và mật ong, vịt nấu măng chua, hay vịt om quả mác mật... Dù chế biến theo cách nào thì các món thịt vịt này đều phải được ăn hết và không được để sang năm mới. Vì các cụ bảo ăn thịt vịt để xua đi những điều xui xẻo và sang năm mới đón nhận nhiều cái mới."

Món ăn ngày Tết của người Nùng Phàn Slình ở Lạng Sơn- Ảnh 3.

Thịt treo gác bếp cũng là món được các gia đình Nùng Phàn Slình chuẩn bị để đãi khách dịp Tết...

Vào ngày mùng 1 Tết, người Nùng Phàn Slình thường nấu nhiều món hơn mâm cơm tất niên để đãi khách. Riêng mâm cúng gia tiên ngày mùng 1 Tết phải chọn con gà thiến to nhất, ngoài ra còn có chả nem, cá, bánh chưng, bún, rượu, hoa quả... để cầu mong gia đình gặp nhiều may mắn, bình an, khỏe mạnh. Bên cạnh đó có những món ngọt đãi khách như bánh khảo được gói trong giấy màu, pẻng phạ (hay còn gọi là bánh trời), khẩu sli, chè lam, các loại mứt và bánh rán được các mẹ, các bà làm từ những ngày trước. 

Món ăn ngày Tết của người Nùng Phàn Slình ở Lạng Sơn- Ảnh 4.

Bên cạnh đó còn có món lạp sườn được các mẹ, các bà tự tay chế biến.

Ông Hoàng Văn Xuân ở xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia (Lạng Sơn) cho biết: "Theo tập quán thì phải có thịt gà thiến, bánh chưng, bánh khảo đây là 3 món thiết yếu bắt buộc phải có trong ngày Tết. Gia đình nào có điều kiện thì sẽ có đầy đủ các món đặc sản của Lạng Sơn như lạp sườn, khau nhục, người Nùng Phàn Slình chúng tôi ở đây không gói bánh chưng vuông chỉ gói bánh chưng gù thôi. Bây giờ nhiều gia đình khá giả đến ngày mùng 2 các con gái đã đi lấy chồng ngoài mang gà và các loại bánh thì thường quay một con lợn đem về ngoại làm lễ để tỏ lòng biết ơn công lao dưỡng dục của ông bà, bố mẹ."

Mâm cỗ ngày Tết đầy đủ thể hiện mong ước một năm mới an lành, ấm no. Tết đến xuân về, mọi căn bếp của gia đình người Nùng Phàn Slình luôn luôn ấm lửa, tràn ngập tình yêu thương, nhiều niềm vui, nhiều cảm xúc.

Ý kiến của bạn