Quảng Ninh: Khai thác văn hoá bản địa phục vụ du lịch bền vững
(VOVTV) - Văn hoá bản địa luôn là một trong những tài nguyên quý để phát triển du lịch đối với mỗi địa phương. Với một trung tâm du lịch vốn quen thuộc nhờ cảnh quan thiên nhiên ấn tượng như Quảng Ninh, các giá trị văn hoá, truyền thống lịch sử đang được định hướng khai thác tốt hơn với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Đã có thời gian dài sống và làm việc tại Quảng Ninh, từng đến các điểm tham quan nổi tiếng như vịnh Hạ Long hay núi Yên Tử, anh Simon Tantey (người Anh) vẫn rất ngạc nhiên khi tới thăm huyện biên giới Bình Liêu.
Không chỉ có thác suối thơ mộng, núi rừng hùng vĩ, điều khiến anh hào hứng nhất là các trận đấu bóng đá của các cô gái Sán Chỉ trong trang phục váy áo truyền thống, các trò chơi đánh quay, kỳ cáy trong Hội hát Soóng cọ rằm tháng Ba Âm lịch...
Bình Liêu là huyện có tới 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, khi mảnh đất được ví như “sơn nữ của núi rừng Đông Bắc” dần được “đánh thức”; những nét đẹp đa dạng trong văn hóa của người Tày, Dao Thanh Phán, Dao Thanh Y, Sán Chỉ trở thành thế mạnh để phát triển du lịch gắn với văn hoá.
Các lễ hội độc đáo như Hội hát Soóng cọ tháng Ba của người Sán Chỉ, Hội Kiêng gió tháng Tư của người Dao, Hội mùa vàng khi thu sang, Hội hoa sở khi đông về,… đều trở thành điểm hẹn của du khách, bước đầu định hình thương hiệu cho du lịch Bình Liêu.
Nhiều địa phương lân cận ở khu vực miền đông Quảng Ninh như Tiên Yên, Đầm Hà, TP Móng Cái có nhiều nét tương đồng trong văn hóa các dân tộc cũng định hướng phát triển du lịch cộng đồng với sự tham gia của người dân địa phương.
Bắt đầu từ những hoạt động đơn giản như khuyến khích học sinh trong các trường phổ thông, cán bộ viên chức mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình vào một số ngày trong tuần; tổ chức các lớp học và CLB để nghệ nhân truyền lại các điệu hát, nghề thủ công cho thế hệ trẻ...
Hơn 600 di tích lịch sử, văn hoá, hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 6 Khu di tích Quốc gia đặc biệt (Vịnh Hạ Long, Khu di tích Yên Tử, Di tích lịch sử Đền Cửa Ông, Di tích lịch sử Bạch Đằng, Khu di tích Nhà Trần tại Đông Triều và gần đây nhất được công nhận là Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô) là “tài sản” vô giá của Quảng Ninh.
Mỗi năm vào dịp lễ hội xuân, có đến hàng triệu lượt khách tìm về các điểm đến văn hoá, tâm linh, các di tích lịch sử trên địa bàn. Mặc dù việc khai thác lợi thế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhưng việc cải thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa tại Quảng Ninh đang dần trở nên rõ nét hơn.
Như tại danh sơn Yên Tử, không chỉ hành hương mùa lễ hội, du khách trong nước và quốc tế đã tìm đến đây để trải nghiệm các đêm hội làng, làm nón lá, tranh Đông Hồ, tham gia các khóa thiền, chăm sóc sức khoẻ, ẩm thực… trong không gian đậm nét kiến trúc thời Trần và cảm hứng từ thiền phái Trúc Lâm.
Giai đoạn sau đại dịch Covid-19, các xu hướng tìm về du lịch trải nghiệm, văn hóa đòi hỏi sự đầu tư ngày càng sâu hơn để phát huy giá trị văn hóa của từng sản phẩm, tạo thương hiệu đặc trưng cho từng địa phương.
Bên cạnh các trung tâm du lịch biển, sinh thái, nghỉ dưỡng như Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Ninh cũng định hướng phát triển khu vực Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên trở thành trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh - sinh thái; khu vực Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái phát triển du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc...
Đây là cơ sở để tiếp tục mở rộng các sản phẩm du lịch, tăng trải nghiệm đa dạng cho du khách, nâng tầm du lịch Quảng Ninh, trước mắt là đạt được mục tiêu đón hơn 9,5 triệu lượt khách trong năm 2022.
Tin nổi bật
Tin Video