Hồng không hạt Bắc Kạn - Đặc sản miền sơn cước
Cứ vào dịp Tết Trung thu, người ta lại háo hức được thưởng thức loại trái cây đặc biệt "hồng không hạt” Bắc Kạn. Hồng không hạt theo tiếng của dân tộc Tày còn được gọi là mác hồng, còn người đa số thực khách hay gọi là hồng ngâm do trước khi ăn, phải ngâm qua nước để khử chát.
Hồng không hạt từ lâu là loại trái cây đặc sản của đồng bào miền núi Bắc Kạn với vị giòn, thơm ngon ít nơi nào có được. Những năm gần đây, hồng không hạt đã không chỉ còn là quà quê dịp Tết Trung thu mà đã trở thành loại cây trồng thế mạnh, giúp thúc đẩy kinh tế cho bà con tại Bắc Kạn.
Vùng hồ Ba Bể là nơi xuất xứ của cây hồng không hạt. Cũng chính vì vậy, huyện Ba Bể và một số xã ven hồ trở thành vùng trọng điểm trồng hồng không hạt tại tỉnh Bắc Kạn. Trước đây, mỗi nhà có chỉ trồng 1 vài cây trong vườn, cũng chẳng mấy ai nghĩ có ngày sẽ trở thành đặc sản của vùng miền.
Quả hồng chín rộ đúng mùa Trung thu trở nên đắt hàng khi những tuyến giao thông được nối liền từ bản nọ, làng kia đến thành phố, quả hồng theo chân du khách đi xa hơn tới các phố thị miền xuôi. Quả hồng thường chín rộ vào dịp tháng 8 âm lịch, màu vàng đỏ, thơm giòn, vị ngọt dịu và có cát đường sau lớp vỏ mỏng.
Thứ quà quê này chiều lòng được tất cả những thực khách khó tính nhất. Anh Vy Công Tuấn, một du khách ở thành phố Hà Nội chia sẻ: "Tôi thích ăn hồng Bắc Kạn vì quả ngon, giòn. Thường cứ độ đến Trung thu tôi hay nhờ người quen trên ấy mua rồi gửi về để làm quà cho anh em, họ hàng. Hoặc dịp đi công tác trên ấy thấy bà con bán dọc đường tôi vẫn mua về làm quà".
Cùng với những loại như cây chè, mơ, cam quýt, dong giềng… cây hồng không hạt đang trở thành cây trồng thế mạnh của đồng bào vùng cao Bắc Kạn. Thứ quà quê mộc mạc này ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường và vị trí trong lòng thực khách./.