Áp lực phải gầy đe dọa phụ nữ Trung Quốc
"Với phụ nữ, không có gì gọi là quá gầy. Tiêu chuẩn cái đẹp ngày nay là một cơ thể mảnh dẻ", Lou Wenjun, một cô gái Trung Quốc, chia sẻ với VICE.
Lou Wenjun (26 tuổi), nhân viên văn phòng sống ở Trung Quốc, luôn ví cơ thể mình như một trái lê. Cô cảm thấy tự ti vì chỉ cao 165 cm, nặng 55 kg, đùi và bắp chân không thon thả.
"Một cô gái đẹp không nặng quá 50 kg", cô nói với VICE.
Trong thời gian ở nhà tránh dịch, Lou dốc sức giảm cân, cải thiện vóc dáng. Mỗi ngày, cô chỉ ăn 2 bữa, tập thể dục theo ngôi sao thể hình người Đức Pamela Reif 3 tiếng và bước lên cân mỗi khi vào phòng tắm.
Sau 3 tháng, cô giảm được 5 kg, nhận nhiều lời khen ngợi từ người thân và đồng nghiệp. Dù thế, Lou không có ý định dừng lại ở mốc 50 kg.
"Với phụ nữ, không có gì gọi là 'quá gầy'. Tiêu chuẩn cái đẹp ngày nay là một cơ thể mảnh dẻ mà", cô chia sẻ.
Trẻ, trắng, gầy
Khi phong trào tôn vinh sự đa dạng về hình thể đang được quan tâm ở nhiều nơi trên thế giới, thân hình mảnh dẻ vẫn là mơ ước của phần lớn phụ nữ Đông Á.
Ở xứ tỷ dân, một cô gái đẹp cần đáp ứng đủ 3 tiêu chí: trẻ, trắng, gầy. Xu hướng làm đẹp trên được truyền thông, ngành công nghiệp giải trí và thời trang lan tỏa tới hàng triệu người trẻ.
Trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, những nội dung về thực phẩm chức năng, cách giảm cân nhanh chóng thường được phái nữ đặc biệt quan tâm.
Điển hình cho tình trạng trên là hàng loạt quảng cáo sử dụng người mẫu thon thả, video chọn kiểu tóc giúp mặt nhỏ hơn, giới thiệu thủ thuật thẩm mỹ thu nhỏ đùi, hút mỡ và hàng loạt thực đơn giúp giữ dáng.
Ngoài ra, nhiều người nổi tiếng và sao mạng cũng tham gia các thử thách khoe cơ thể "lý tưởng" như đo vòng eo bằng giấy A4, đặt tiền xu lên xương quai xanh hay mặc thử đồ trẻ em.
Với Lou, mỗi lần lướt Internet, cô lại bắt gặp những bài đăng khuyến khích giảm cân với khẩu hiệu "Nhịn đói để có lối sống tích cực", "Làm sao có thể làm chủ cuộc sống khi bạn không thể kiểm soát cân nặng của mình?".
Mới đây, Brandy Melville, một thương hiệu thời trang từ Italy, đã tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội toàn cầu nhờ những bộ đồ có kích cỡ siêu nhỏ.
Những phụ nữ có thể mặc vừa trang phục từ thương hiệu này được tạo thành một cộng đồng có tên "các cô gái BM".
Sau một lần ghé thăm chi nhánh Brandy Melville ở Thượng Hải, Li Fan (25 tuổi, đến từ Giang Tô) quyết định giảm cân vì không thể mua bất cứ bộ đồ nào.
"Tôi yêu thích phong cách ngây thơ và gợi cảm nên muốn mua đồ tại BM. Thế nhưng, tôi khó chọn trang phục ở đây. Không phải vì đồ quá nhỏ, mà do tôi quá cỡ", cô tự trách.
Không hài lòng với chiều cao 158 cm và cân nặng 50 kg, cô quyết tâm giảm còn 45 kg để có vóc dáng thanh mảnh như các "cô gái BM" trên tạp chí và mạng xã hội.
Nhịn ăn để "được gầy"
Năm ngoái, Wang Yiting, một sinh viên ở tỉnh Chiết Giang, cũng bị cuốn theo xu hướng trang phục siêu nhỏ của hãng Brandy Melville. Giống như nhiều người khác, cô cũng thấy bản thân "quá béo" để mặc vừa đồ BM.
Dù cao 166 cm và nặng 50 kg, được xếp vào nhóm thiếu cân theo thang đo từ WHO, cô vẫn bị xem như thừa 3 kg để có thể trở thành một "cô gái BM".
Wang bắt đầu hạn chế lượng calo tiêu thụ hàng ngày ở mức 800 calo để giảm cân. Song, áp lực từ việc duy trì vóc dáng gầy gò khiến cô rơi vào trạng thái lo lắng, mệt mỏi.
Chia sẻ với VICE, cô cho biết mình thường nhìn chằm chằm vào những cô gái khác, tự hỏi vì sao họ có thể gầy như vậy.
Vài tháng sau, cô được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ăn uống và trầm cảm.
"Thực tế, ai cũng đều muốn giảm cân. Khát khao sở hữu thân hình 'trẻ, trắng, gầy' ăn sâu vào tâm trí tôi", cô nói.
Với Lou, sau một thời gian dài ăn kiêng nghiêm ngặt, cô bắt đầu ăn vặt mất kiểm soát vì thèm ăn. Cô có thể một mình ăn sạch chiếc bánh kem 20 cm, tới mức cảm thấy mệt mỏi vì quá no.
Sau đó, Lou gồng mình tập luyện, nhịn ăn, theo dõi sát sao lượng calo nạp vào cơ thể vì cảm thấy tội lỗi và xấu hổ. Thế nhưng, ám ảnh ấy trở thành gánh nặng, khiến cô suy sụp tinh thần.
Mùa hè năm 2020, sức khỏe của Lou yếu đi rõ rệt, mất kinh nguyệt.
"Trong mắt người khác, tôi không có bệnh rối loạn ăn uống. Tôi chỉ gầy thôi", cô nói.
Nhiều người trẻ ở Trung Quốc, nhất là nữ giới, cảm thấy tự ti về ngoại hình. Một khảo sát của năm 2018 thực hiện trên các học sinh 8-12 tuổi ở tỉnh Quảng Châu cho thấy 78% trẻ em thấy bất an về cơ thể.
Một số bé trai tự nhận mình quá gầy, trong khi không ít bé gái cảm thấy mình quá nặng cân.
Một khảo sát khác được thực hiện giữa các sinh viên nữ năm 2016 và 2017 chỉ ra 73% người được hỏi đang cố gắng giảm cân trong vòng 6 tháng qua.
Nỗ lực thoát khỏi "bẫy cân nặng"
Ở Trung Quốc, một số người nổi tiếng với vóc dáng thanh mảnh đang lên tiếng, chia sẻ hàng loạt tác hại về thể chất và tinh thần từ việc kiểm soát cân nặng.
Dù ước tính có hàng chục triệu người đang vật lộn với chứng rối loạn ăn uống, chỉ có 2 cơ sở y tế ở Bắc Kinh và Thượng Hải điều trị vấn đề này, theo giáo sư Jinbo He của ĐH Trung Quốc Hong Kong (Thâm Quyến).
Báo cáo từ China Newsweek, Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải ghi nhận số trường hợp mắc chứng rối loạn ăn uống tăng từ 1 ca vào năm 2002 lên hơn 2.700 ca vào năm 2019.
Tuy nhiên, đa số bệnh nhân đều khó tìm sự trợ giúp từ chuyên gia do sự kỳ thị đối với vấn đề sức khỏe tâm lý.
Ở Trung Quốc, nhiều nhà hoạt động ủng hộ nữ quyền đang nỗ lực đẩy lùi quan điểm thẩm mỹ "trắng, trẻ, gầy" trên mạng xã hội. Song tới nay, 3 tiêu chí trên vẫn chi phối xu hướng làm đẹp của phần lớn phụ nữ trẻ.
Sau khi thành công cải thiện vấn đề ăn uống vào cuối năm 2020, Lou cho biết cô ấy vẫn nhớ rõ trải nghiệm kinh hoàng ngày trước.
Cô đã xóa ứng dụng đo calo trên điện thoại, ngừng đứng lên bàn cân mỗi ngày và cam kết sẽ không bao giờ nỗ lực giảm cân cực đoan nữa.
"Tôi nhớ rõ mình từng nỗ lực tới mức nào để gầy đi, mất bao nhiêu đau đớn để thoát khỏi ám ảnh về cân nặng. Nhưng ngành công nghiệp làm đẹp, truyền thông vẫn đang "tiếp tay" cho xu hướng 'trẻ, trắng, đẹp'. Mỗi ngày đều có những cô gái khác nhảy vào cái bẫy này", cô nói.