Xung đột tại Ukraine và hệ luỵ đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022
(VOVTV) - Trong tuần qua, 8 ứng cử viên lớn nhất, bao gồm cả Tổng thống Emmanuel Macron đã cùng xuất hiện trên truyền hình để trả lời câu hỏi "Nước Pháp đối mặt ra sao với cuộc chiến tại Ukraine".
Chỉ còn hơn 3 tuần nữa nước Pháp sẽ bước vào vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine đang có những tác động rất lớn đến tâm lý cử tri, xu hướng bỏ phiếu cũng như làm lu mờ nhiều chủ đề đáng quan tâm khác, dẫn đến thay đổi tương quan lực lượng giữa các ứng cử viên. Trong tuần qua, 8 ứng cử viên lớn nhất, bao gồm cả Tổng thống Emmanuel Macron đã cùng xuất hiện trên truyền hình để trả lời câu hỏi “Nước Pháp đối mặt ra sao với cuộc chiến tại Ukraine”.
Cuộc bầu cử Pháp năm 2022 trở nên đặc biệt trong bối cảnh nước Pháp và châu Âu đang trải qua thời điểm lịch sử với cuộc xung đột tại Ukraine, một cuộc chiến có thể xắp xếp lại trật tự địa chính trị và kinh tế mới với nguy cơ khốc liệt hơn cả thời kỳ Chiến tranh lạnh. Xung đột tại Ukraine và sức mua tiêu dùng trước sự tăng giá năng lượng và nguyên liệu trở thành những mối bận tâm chính của cử tri Pháp, vượt qua các chủ đề khác như môi trường, nhập cư, y tế, bất bình đẳng xã hội hay Covid-19.
Nỗi lo chung về năng lượng
Những tác động tiêu cực của cuộc xung đột, nhất là từ các lệnh trừng phạt lẫn nhau giữa Mỹ và EU với Nga, đang dần đè nặng lên kinh tế Pháp. Một tuần sau diễn biến “bước ngoặt” tại Ukraine, giá năng lượng tại Pháp lập đỉnh cao nhất từ trước đến nay với trung bình hơn 2 euro/lít nhiên liệu dù khí đốt và dầu mỏ của Nga chỉ chiếm lần lượt chưa đến 20% và 10% lượng năng lượng tiêu thụ tại Pháp.
“Giảm thuế VAT đối với xăng xuống còn 5,5%” là chủ trương của ứng cử đảng Xã hội bà Anne Hidalgo, Thị trưởng thành phố Paris. “Sốc” là tuyên bố của ông Yannick Jadot về mức hỗ trợ 15 cent cho mỗi lít nhiên liệu được Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo ngày 12/3. Theo ứng cử viên của đảng Sinh thái, mức hỗ trợ này là không công bằng với thu nhập của người nghèo so với người giàu và nó cần được áp dụng ngay lập tức thay vì phải chờ đến ngày 1/4, thời điểm chỉ còn 10 ngày nữa sẽ diễn ra vòng 1 bầu cử Tổng thống, để thu lợi về số phiếu.
Với hai ứng cử viên cực hữu, ông Eric Zemmour cho rằng cần đóng băng giá nhiên liệu ở mức cố định 1,8 euro/lít, buộc các tập đoàn năng lượng phải cắt giảm lợi nhuận, trong khi bà Marine Le Pen yêu cầu mở cuộc điều tra khả năng đầu cơ giá. Ứng cử viên đảng Cộng sản Fabien Roussel thậm chí hài ước ví von cảm giác “bị cướp và cần mang theo súng” mỗi khi phải buộc phải ghé qua các trạm xăng.
“Việc tăng giá dầu, khí đốt và nguyên liệu đầu vào đã và sẽ gây ra những hậu quả đối với sức mua của chúng ta: giá một bình gas đầy, hóa đơn sưởi ấm hay giá thành của một số sản phẩm có thể chênh lệch cao hơn nữa vào ngày mai”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận.
Trong báo cáo công bố ngày 16/3, Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE) dự báo sức mua tại Pháp sẽ giảm 0,5 điểm trong quý I và sẽ là 1 điểm trong 6 tháng đầu 2022 nhưng “từ chối” dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Pháp trong năm 2022. “Hậu quả về kinh tế do chiến tranh có khả năng dẫn đến thái độ chờ đợi trong các quyết định đầu tư, đặc biệt sẽ càng khó khăn hơn do sự gia tăng giá nguyên liệu, nhất là năng lượng”, Viện INSEE nhấn mạnh.
“Tôi không muốn là giá khí đốt tăng gấp tám lần hay giá dầu tăng gấp đôi. Tôi không muốn người Pháp tự huỷ diệt mình bởi các lệnh trừng phạt từ các nhà lãnh đạo không màng đến cuộc sống hàng ngày của người dân”, ứng cử viên đang đứng thứ 2 trong các cuộc thăm dò trước bầu cử, bà Marine Le Pen nhấn mạnh.
Theo cuộc thăm dò mới đây của Viện Ipsos-Sopra Steria, 89% người Pháp khẳng định quan tâm đến những gì đang xảy ra tại Ukraine, trong đó hơn 50% cho biết diễn biến tại Ukraine sẽ ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn ứng cử viên trong cuộc bầu cử sắp tới.
Ai đang nắm lợi thế?
Pháp tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên của EU đúng thời điểm châu Âu và rất có thể là cả thế giới sẽ phải chứng kiến sự thay đổi lịch sử về địa chính trị toàn cầu. Xung đột giữa Nga - Ukraine, một cuộc chiến giữa lòng châu Âu, chắc chắn là điều mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chưa tính tới trong quá trình chuẩn bị cho nhiệm kỳ chủ tịch EU của Pháp.
Hơn một chục cuộc điện đàm cùng với lần gặp mặt trực tiếp với người đứng đầu nước Nga Vladimir Putin, chưa kể các hoạt động ngoại giao dày đặc trong EU hay với nhà lãnh đạo Mỹ hay Trung Quốc chỉ trong hơn 2 tháng qua đã giúp hình ảnh của ông Emmanuel Macron xuất hiện dày đặc trên các trang báo. Tổng thống Pháp đến nay vẫn là lãnh đạo EU tích cực và duy trì liên lạc nhiều nhất với người đồng nhiệm Nga trong nỗ lực tìm kiếm một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.
Tuyên bố tái tranh cử của ông Macron cũng được đánh giá khá đặc biệt, được “khẳng định” qua một bức thư gửi đến báo chí Pháp chỉ một ngày trước hạn đăng ký cuối cùng. “Đây là điều khác biệt so với những người tiền nhiệm với những bài diễn văn và những địa điểm trang trọng như tại phủ Tổng thống, trước hàng chục nghìn người ủng hộ hay được truyền hình trực tiếp”, nhật báo Le Monde nhận định.
Đương kim Tổng thống Pháp thừa nhận cuộc bầu cử năm nay sẽ không giống như các cuộc bầu cử khác do tình hình căng thẳng tại Ukraine, đồng thời cho biết “không thể thực hiện chiến dịch tranh cử như mong muốn”. Buổi vận động tranh cử chính thức đầu tiên và cũng có thể là cuối cùng của ông Emmanuel Macron được ấn định ngày 2/4, một tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử.
Bất chấp điều đó, tỷ lệ ủng hộ ông Emmanuel Macron tái cử Tổng thống Pháp qua các cuộc thăm dò đang không ngừng tăng lên hơn 31% so với con số 25% ghi nhận trước thời điểm xung đột Ukraina diễn ra và tiếp tục bỏ xa người đứng thứ hai hơn 10 điểm. Những vấn đề từng được coi là nhân tố quyết định khả năng tái cử của ông Macron như dịch bệnh Covid-19, chống nhập cư hay thành tích nhiệm kỳ không thực sự nổi bật không còn là những mối quan tâm, ưu tiên hàng đầu của cử tri Pháp.
“Đương kim Tổng thống có thể tái cử ngay cả khi chưa bao giờ là một ứng cử viên thực sự, không vận động tranh cử, không tranh luận, không đối đầu... Tất cả các ứng cử viên đang tranh luận ngoại trừ Tổng thống. Đó là một nghịch lý!”, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher nhận định.
Nhìn nhận ra sao về Nga?
“Tổng thống Putin không phải là lãnh đạo độc tài” - Đây là đánh giá của 6/8 ứng cử viên trong buổi diễn thuyết ngày 14/3, trong đó có Tổng thống Emmanuel Macron. Quan điểm này khác biệt với nhận định “ông Putin là nhà độc tài” cùng thái độ đầy giận dữ của Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian trong ngày 24/2, khi Nga bắt đầu chiến dịch đặc biệt tại Ukraine. Các quan điểm này chính là những yếu tố khiến 2 ƯCV cực hữu là bà Marine Le Pen và ông Eric Zemmour vào thế khó bởi hai ƯCV này được xem là có quan điểm thân Nga trong quá khứ.
Dù công khai không đồng tình với quyết định của nhà lãnh đạo nước Nga nhưng tất cả đều cho rằng sự so sánh trên không có lợi cho các cuộc đàm phán với Nga cũng như đặt Pháp vào thế khó. “Gọi ông Putin là nhà độc tài có thể làm nhiều người hài lòng nhưng sẽ đặt nước Pháp vào nguy hiểm”, ông Jean-Luc Mélenchon nhận định. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định “quy kết hay xúc phạm không phải là cách làm hiệu quả và ưu tiên trên hết của nước Pháp là ngăn chặn một cuộc chiến mà không phải tham chiến”.
Châu Âu và nước Pháp đang ở nút thắt lịch sử. Những lo ngại an ninh và tác động tiêu cực kinh tế trước một cuộc xung đột có thể kéo dài tại Ukraina đang và sẽ chi phối ngày càng lớn đối với tâm lý cử tri Pháp, trở thành nhân tố chủ chốt ảnh hưởng kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2022 sắp tới?
Tin nổi bật
Tin Video