Đọc - Nghe - Xem

Họa sĩ Đặng Quang Tiến và 'Sự di cư của cái tôi'

(VOVTV) - Xuất hiện trong triển lãm “Đa điểm” tại 22 Gallery (22 Phạm Cự Lượng, quận Tân Bình, TP.HCM, tác phẩm của Họa sĩ Đặng Quang Tiến như một cú chạm vào tâm tư của nhiều công chúng - những người còn đang loay hoay tìm mình giữa đám đông huyên náo.

Tác giả PV/VOV TP.HCM
11/11/2024 14:19
Họa sĩ Đặng Quang Tiến và 'Sự di cư của cái tôi'- Ảnh 1.

Bộ tác phẩm Chạy đồng 19, 20

Triển lãm Đa điểm kéo dài từ nay đến ngày 22/11, trưng bày 15 tác phẩm của 4 họa sĩ trẻ.

Họa sĩ Nguyễn Việt Cường đưa người xem về với những họa tiết chạm khắc trên đình chùa cổ nhưng thay vì màu sắc thì anh dùng những vệt nhang (hương) để sáng tác.

Họa sĩ Bảo Nguyễn tìm cách kết hợp giữa hoạ tiết xưa với các vật dụng, màu sắc hiện đại.

Họa sĩ Nguyễn Hữu Tăng lại nổi bật với lối vẽ siêu thực để thể hiện nội tâm nhân vật.

Hoạ sĩ Đặng Quang Tiến mang đến triển lãm một bức tranh màu nước dài hơn 7 mét khiến người xem thấy choáng ngợp trước độ hoành tráng. 

Họa sĩ Đặng Quang Tiến và 'Sự di cư của cái tôi'- Ảnh 2.

Hoạ sĩ Đặng Quang Tiến bên tác phẩm "Sự di cư của cái tôi"

Thoạt nhìn, tác phẩm vẽ một đàn vịt đang chạy đồng này có vẽ chẳng ăn nhập gì đến triển lãm mang hơi hướng đương đại. Thế nhưng, với bức "Sự di cư của cái tôi", Đặng Quang Tiến đã khéo léo lồng ghép các hình ảnh ẩn dụ về thế giới con người.

Nhiều năm đi thực tế ở khắp miền Tây Nam bộ để tìm tư liệu vẽ, Đặng Quang Tiến đã bị thu hút trước cảnh hàng ngàn con vịt rong ruổi từ cánh đồng này đến cánh đồng khác.

Đặng Quang Tiến tâm sự: "Nhiều lần tôi đã tự hỏi mình điều gì ở những đàn vịt này khiến tâm trí tôi bị cuốn hút tới nỗi có thể đứng hàng giờ chỉ để ngắm nhìn chúng. Thế rồi một ngày tôi nhận ra cuộc di cư của bầy vịt cũng giống như xã hội thu nhỏ của chúng ta ngày nay, náo động và ồn ào.".

Họa sĩ Đặng Quang Tiến và 'Sự di cư của cái tôi'- Ảnh 3.

Người xem choáng ngợp trước tác phẩm dài hơn 7 mét

Trong cái nhìn của Đặng Quang Tiến, con người đang đứng trước một thời đại của sự xao nhãng với hàng loạt thông tin va đập mỗi ngày. Giống như bầy vịt, khi có một "hiệu lệnh" nào đó về cuộc sống, thị trường… chúng ta sợ mình không bắt kịp đám đông, sợ bị bỏ lại đằng sau và sợ đơn độc. Điều đó khiến ta bị lẫn vào đám đông hỗn loạn và mãi không tìm được chính mình.

Thế nhưng, cái nhìn của anh không hề tiêu cực, tâm điểm trong tranh Quang Tiến là những chú vịt hồng nổi bật lên như sự khẳng định về sự đa dạng, cái riêng trong tập thể. Chúng không tách rời khỏi đàn mà vẫn hòa nhập, tượng trưng cho những người dám sống thật với bản thân, cá tính nhưng không lạc lõng. Đó chính là lý do anh đặt tên tác phẩm là "Sự di cư của cái tôi".

So với những tác phẩm trước đây, Đặng Quang Tiến đã dũng cảm bước ra khuôn khổ, gỡ cái mác thơ thẩn đồng quê, miệt vườn để khoác lên tác phẩm mới tính hiện đại. Những dấu chấm dát vàng, một con vịt bong bóng và những đường kẻ lấp lánh ẩn hiện trong tranh càng làm cho tác phẩm của anh thú vị ở từng chi tiết. Bản lĩnh của người họa sĩ trẻ còn được thể hiện ở chỗ anh dám thử nghiệm trên một bức tranh với khổ rất lớn. Tổng thể hài hòa của tác phẩm cho thấy sự dày công kiểm soát của Đặng Quang Tiến từ hình họa cho đến màu sắc, sắc độ.

Họa sĩ Đặng Quang Tiến và 'Sự di cư của cái tôi'- Ảnh 4.

Tác phẩm Chạy đồng 18

Họa sĩ Đặng Quang Tiến cho biết sắp tới anh sẽ liên tục thử nghiệm với chuỗi đề tài này, như một xã hội cứ phát triển không ngừng với các biến số xảy đến, họa sĩ cũng phải liên tục thách thức chính mình để có cái nhìn rộng hơn về thế giới chúng ta đang sống.

Ý kiến của bạn