Không cần vận động, ông Macron vẫn dẫn đầu cuộc đua bầu cử Tổng thống Pháp
(VOVTV) - Trông mệt mỏi, chưa cạo râu, mặc quần jean và áo hoodie. Đó là những hình ảnh khác lạ về bản thân mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố, mô tả ông trong những ngày làm việc cả đêm và cuối tuần tại Điện Elysee.
Đây là khoảng thời gian nhà lãnh đạo Pháp đang tập trung cho vai trò hòa giải chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine và tránh các hoạt động tranh cử truyền thống.
Nếu đó là một chiến lược tranh cử thì dường như nó đang thành công, củng cố vị trí dẫn đầu của ông Emmanuel Macron trong cuộc đua tái tranh cử tổng thống Pháp và gây khó khăn cho bất cứ ứng cử viên nào có thể thách thức ông.
Ông Macron đã bị các đối thủ chỉ trích vì từ chối tham gia bất kỳ tranh luận nào trên truyền hình trước vòng một cuộc bầu cử, dự kiến diễn ra vào ngày 10/4. Thay vào đó ông hứa sẽ trả lời một loạt câu hỏi của giới phóng viên trong cuộc họp báo vào chiều 17/3 (theo giờ địa phương) - một nỗ lực để chứng tỏ ông không né tránh những vấn đề hóc búa.
Tại sự kiện, nhà lãnh đạo theo đường lối trung tả dự kiến công bố các đề xuất của mình trong 5 năm tới, bao gồm cải cách gây tranh cãi về nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65 tuổi.
Một quan chức chính phủ tham gia chiến dịch tranh cử của ông Macron cho biết tổng thống muốn “đáp lại những lời chỉ trích, ông sẽ vận động tranh cử” trong những ngày tới.
Mặc dù đã chính thức tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào đầu tháng này, đến nay ông Macron vẫn chưa tổ chức bất kỳ cuộc mít tinh vận động nào. Trong những ngày gần đây, lịch trình làm việc của ông chủ Điện Elysee quá bận rộn khi ông nỗ lực thúc đẩy một lệnh ngừng bắn trong các cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và trao đổi gần như hàng ngày với người đồng cấp Ukraine, Volodymyr Zelensky.
Tuần trước, ông Macron đã tập hợp các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại cung điện Versailles ở phía tây Paris, để thảo luận về các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Pháp hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu, nhờ đó ông Macron giữ vai trò chủ chốt trong việc điều phối phản ứng của khối 27 thành viên.
Tuần tới, ông Macron dự kiến sẽ cùng với Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Brussels tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO.
Ông Bernard Sananes, Chủ tịch Viện thăm dò ý kiến Elabe, khẳng định “rõ ràng là tình hình quốc tế đang củng cố tầm vóc của ông ấy”.
Chuyên gia này nhận định trong một cuộc phỏng vấn với tờ L'Opinion của Pháp: “Có ấn tượng rằng Macron vào năm 2017 đã được bầu với lời hứa đổi mới (chính trị) và Macron vào năm 2022 muốn được bầu với lời hứa về kinh nghiệm”.
Các cuộc thăm dò cho thấy đa số người dân Pháp, dù có ý định bỏ phiếu cho Macron hay không, đều coi ông là người phù hợp với vai trò lãnh đạo đất nước.
Ông Macron hiện dẫn trước ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen khoảng 10 điểm phần trăm, và đây là hai ứng cử viên đang dẫn đầu cuộc đua, tái hiện cuộc bầu cử năm 2017. Điều đó cũng nói lên rằng đương kim tổng thống Pháp được nhiều người kỳ vọng sẽ giành chiến thắng.
Một ứng cử viên cực hữu khác là Eric Zemmour, chính trị gia cực tả Jean-Luc Mélenchon, và ứng viên bảo thủ Valérie Pécresse đang đối mặt với những thách thức quan trọng khác. Các đối thủ đều cáo buộc ông Macron tập trung vào tình hình ở Ukraine để tránh nói về các vấn đề trong nước, mà họ cho rằng gai góc hơn với ông.
Bà Le Pen nói rằng ông Macron đang “sử dụng cuộc chiến ở Ukraine để khiến người dân Pháp sợ hãi, bởi vì ông ấy nghĩ rằng sự sợ hãi có thể có lợi cho mình”.
Bà Pécresse nói: “Khi có chiến tranh, có một phản xạ để trở thành người trung thành với chính quyền. Mọi người nghĩ: có một thuyền trưởng đang chỉ huy hoạt động... [Nhưng] Chúng tôi không ngại thay đổi thuyền trưởng vào ngày 11/4”.
Trong khi đó, những người ủng hộ Tổng thống Macron cho rằng tình hình ở Ukraine cũng liên quan đến những vấn đề trong nước quan trọng đang được đưa ra trong chiến dịch tranh cử, như chính sách năng lượng và quốc phòng.
Chuyên gia lịch sử chính trị Jean Garrigues nhấn mạnh tác động "thống nhất" người dân xung quanh nguyên thủ quốc gia trong một tình huống liên quan đến chiến tranh. Ông nhớ lại rằng hiệu ứng tương tự cũng từng xảy ra với một người tiền nhiệm của Macron, Tổng thống Francois Hollande, khi ông phát động một chiến dịch quân sự ở Mali nhằm vào các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Trước Macron, những nhân vật vĩ đại nhất của nước Pháp đều chứng tỏ khả năng lãnh đạo trong các tình huống chiến tranh, từ Napoléon đến Charles de Gaulle. Ông Garrigues nói với AP: “Quan điểm của công chúng Pháp bắt nguồn rất nhiều từ lịch sử đó”.
Do đó, “chúng ta có thể thấy rằng các đối thủ của Macron không có kinh nghiệm tương đương với chức vụ tổng thống, hoặc thậm chí là các bộ trưởng chủ chốt, và trên thực tế đang ở trong thế kém hơn”, ông Garrigues lưu ý.
Các tổ chức thăm dò ý kiến cho rằng thách thức lớn nhất của ông Macron có thể là tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp, những người ủng hộ có thể không đến các điểm bỏ phiếu vì họ tin rằng kiểu gì ông cũng sẽ thắng, trong khi những người phản đối thì tìm cách huy động nhiều người bỏ phiếu hơn nữa.
Bản thân ông Macron cũng thừa nhận rủi ro trong một video hậu trường được đăng trên kênh Youtube của chiến dịch tranh cử. “Đó là điều tôi sẽ nói với người Pháp và những người ủng hộ tôi: Nếu họ nghĩ rằng việc đó đã xong (việc ông Macron sẽ thắng cử), điều đó có nghĩa là chúng tôi đã thua”.
Tin nổi bật
Tin Video