Bộ trưởng Phan Văn Giang lý giải quy định cấp Tướng quân đội nghỉ hưu ở tuổi 60
Chiều 28/10, sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (dự Luật), các ĐBQH thảo luận tại tổ về dự Luật này.
Phát biểu trong cuộc thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang làm rõ những băn khoăn về đề xuất nâng hạn tuổi nghỉ hưu với sĩ quan theo dự thảo luật.
Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, việc nâng hạn tuổi phục vụ sẽ cho phép sĩ quan là cấp Trung tá trở xuống khi nghỉ hưu, có đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu mức tối đa 75%, phù hợp với Luật Bảo hiểm Xã hội.
Bộ trưởng cũng cho biết, theo luật này, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75%.
Về ý kiến nên phân chia tuổi nghỉ hưu ở cấp Tướng đối với nam - nữ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: "Chúng tôi cân nhắc việc cho phép nữ quân nhân nghỉ sớm vì rất vất vả. Nhưng tính đến nay, hiếm lắm mới có thời kỳ có 3 sĩ quan nữ làm Tướng... Cuối cùng, chúng tôi quyết định không tách riêng tuổi nghỉ hưu đối tượng nam - nữ".
Với ý kiến băn khoăn vì sao ở cấp Tướng quy định nghỉ hưu ở tuổi 60, thay vì lên tới 62 như Luật Công an sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, công việc của sĩ quan quân đội có tính chất đặc biệt nên khó có thể nâng tuổi lên.
Có ý kiến đề nghị xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của sĩ quan nữ cấp bậc quân hàm Đại tá để phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, đảm bảo bình đẳng giới và tận dụng nguồn nhân lực nữ có trình độ, kinh nghiệm trong quân đội.
Chính phủ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội ở hầu hết cấp bậc quân hàm, từ 1 - 5 tuổi. Theo dự thảo, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm là: Cấp úy 50 tuổi, Thiếu tá 52, Trung tá 54; Thượng tá 56, Đại tá 58 và cấp Tướng là 60.