Giải trí

Trung Quốc: Cô gái tốt nghiệp đại học trở thành người mẫu chuyên thử tang phục cho người đã khuất

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản lý nghĩa trang, một cô gái trẻ đã chọn "đầu quân" cho một tiệm vải chuyên bán tang phục với công việc mặc thử quần áo dành cho người chết.

04/07/2021 15:31

Fang Fang, 30 tuổi, đến từ thành phố cảng Đại Liên, thuộc tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc, đang làm việc tại một cửa hàng bán tang phục với vị trí làm mẫu mặc thử các trang phục mai táng. Công việc này khiến Fang nhận được cả sự thán phục và chỉ trích vì chạm vào những điều cấm kỵ trong văn hóa Trung Quốc.

59a70ea8-d896-11eb-8921-c363d46ef7af-image-hires-130223-1625380721292237708970-0-0-686-1098-crop-16253807357622104138889.jpg

Fang Fang, 30 tuổi, sống tại Liêu Ninh (Trung Quốc) quyết định trở thành mẫu mặc thử tang phục dành cho người đã khuất. Ảnh: SCMP

Đối với nhiều người, 2 loại trang phục quan trọng nhất trong cuộc đời là lễ phục mặc lúc kết hôn và tang phục mặc lúc rời xa cõi đời. Tuy nhiên, không mấy ai lựa chọn được loại trang phục thứ hai bởi lẽ còn nhiều điều cấm kỵ trong văn hóa.

5afe99f6-d896-11eb-8921-c363d46ef7af_1320x770_130223.jpg

Fang Fang tư vấn chọn tang phục cho khách hàng. Ảnh: SCMP

Tốt nghiệp đại học nhưng chọn công việc ở cửa hàng tang phục

Tốt nghiệp đại học vào năm 2013 với chuyên ngành quản lý nghĩa trang, Fang chọn làm việc tại một cửa hàng bán vải liệm thay vì tìm một công việc "ngồi mát ăn bát vàng" đúng với chuyên ngành đại học của mình.

Kể từ đó, Fang đảm nhận công việc trang điểm cho xác chết trong tang lễ của họ. Sau này, Fang bắt đầu thử tất cả các loại tang phục dành cho người đã khuất để giúp người nhà của họ chọn một bộ ưng ý nhất. Thậm chí, Fang còn đăng chúng lên mạng xã hội TikTok hoặc Douyin để nhiều người biết đến cửa hàng và dịch vụ mà cô cung cấp.

Chia sẻ với phóng viên, Fang cho biết vì muốn những người đã khuất cũng được đối xử công bằng hệt như lúc họ còn sống, cô đã mặc lên các loại tang phục để giúp người thân của họ dễ dàng lựa chọn.

"Nhiều khách đến cửa hàng chúng tôi thậm chí sẽ không chạm vào tang phục cho người chết vì đó là một điều cấm kỵ. Phải có người mặc thử để có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp cũng như xem xét điều gì cần sửa chữa hoặc thay đổi ở những bộ tang phục", Fang chia sẻ về lý do chọn công việc "kỳ lạ" này.

Không giống nhiều nhân viên khác, buộc phải làm công việc này vì không tìm được một công việc bình thường nào, Fang tự lựa chọn và hài lòng khi trở thành mẫu thử tang phục. Sau khi nghe hướng đi của Fang, cha cô khuyên "Đừng hối hận". Fang dứt khoát "sẽ không hối hận và chọn theo đuổi hướng đi riêng của mình". Thực tế cho thấy, Fang chưa một lần có ý định từ bỏ.

Một ngày bình thường của Fang thường bao gồm làm sạch cơ thể người đã khuất, trang điểm cho họ và mặc tang phục. Cô cho biết, công việc này dường như mang lại sự thoải mái cho người đã khuất trước khi họ rời khỏi thế gian.

5a654ddc-d896-11eb-8921-c363d46ef7af_972x_130223.jpg

Fang Fang giúp khách hàng làm mẫu và mặc thử tang phục cho người đã khuất. Ảnh: SCMP

Vấp phải chỉ trích khi trở thành mẫu thử tang phục cho người đã khuất

Tuy nhiên, hành động giúp người thân của những người đã khuất mặc thử tang phục của Fang đã nhận được nhiều chỉ trích gần đây. Nhiều người cho rằng Fang đã chạm vào những điều cấm kỵ trong phong tục Trung Quốc. Một số người cho rằng nếu Fang thử nằm vào một quan tài trong lúc mặc thử tang phục, cô sẽ hệt như một xác chết.

Đáp lại những ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng, Fang cho biết: "Mọi người có thể nói bất cứ điều gì. Tôi vẫn sẽ là chính tôi".

Định kiến này bắt nguồn từ phong tục lâu đời của quốc gia cho rằng những điều liên quan đến tang sự thường đem đến vận xui cho mọi người. Chia sẻ về điều này, Fang cho biết, thoạt đầu cô cũng rất sợ và áp lực khi đối mặt với những xác chết. Tuy nhiên, nỗi sợ đã biến mất khi Fang càng ngày càng yêu công việc của mình.

Trong những năm gần đây, sự kỳ thị của xã hội Trung Quốc về công việc liên quan đến tang lễ đã giảm dần. Ngoài ra, ngày càng có nhiều người trẻ tham gia đảm nhận công việc truyền thống này. Các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển mạnh mẽ cũng giúp nhiều người biết đến giá trị thực sự của các công việc liên quan đến tang sự cũng như có cái nhìn đổi mới hơn.

Ngoài ra, số người chết hàng năm ở Trung Quốc đã tăng lên kể từ năm 2013 khi dân số đất nước già đi nhanh chóng. Theo số liệu chính thức, số người chết hàng năm đã tăng từ 9,72 triệu người mỗi năm vào năm 2013 lên 9,98 triệu người vào năm 2019.

Do đó, thị trường dịch vụ tang lễ đã mở rộng. Tổng doanh thu trong ngành tăng gần gấp đôi, từ 139,5 tỷ nhân dân tệ (21,6 tỷ USD) năm 2013 lên 263,8 tỷ nhân dân tệ (40,8 tỷ USD) vào năm 2020, theo công ty nghiên cứu Qianzhan có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận