Sách về lịch sử đen tối của cà phê
Cuốn sách "Lịch sử cà phê - Vàng đen hay những cuộc du hành tăm tối" của tác giả Antony Wild lần về hành trình bi hùng của thức uống được nhiều người ưa chuộng.
Trong sách gồm 18 mục, dài 345 trang, tác giả Antony Wild không đơn thuần viết về nguồn gốc cà phê mà còn đưa độc giả tìm về cội nguồn nhân loại. Tác phẩm ghi lại "vết loang" của cà phê mang theo bóng tối của những cuộc tranh đoạt, thống trị ở Tây bán cầu (Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nam Mỹ và các đảo vùng Caribe).
Wild bắt đầu cuốn sách bằng việc miêu tả nền thương mại cà phê toàn cầu đầy sôi động, theo đó, Ngân hàng Thế giới từng ước tính con số "500 triệu người trên toàn cầu có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến ngành thương mại cà phê", và đầy phi lý "khi giá cà phê thu mua trên thị trường vẫn tiếp tục thấp hơn giá sản xuất, các tá điền và người nông dân phải trợ cấp cho người tiêu dùng cà phê". Từ đó, tác giả khai thác triệt để các nguồn tư liệu ở nhiều lĩnh vực để làm rõ điều gì tạo nên sức hút của thức uống toàn cầu này.
Từ năm 1502, tại Yemen ở miền Nam Ả Rập, lần đầu tiên một loại đồ uống mới được làm từ quả của một loại cây có nguồn gốc từ Ethiopia xuất hiện. Sự phổ biến của cà phê đã nhanh chóng lan rộng khắp thế giới Hồi giáo và được sử dụng khá rộng rãi. Cà phê dần lan tỏa ra thế giới đến các vùng thị trường châu Âu theo các tàu buôn, sang Trung Quốc theo Con đường Tơ lụa...
Nước Mỹ vốn có sản lượng tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 25%) "với tầm nhìn kinh tế không chê vào đâu được". Tuy nhiên, quốc gia này vẫn muốn có quyền bá chủ kinh tế ở Trung và Nam Mỹ.
Vào cuối thế kỷ 19, nhiều nước trồng cà phê trở thành các quốc gia gần như nô lệ. Panama là một ví dụ. Nhắc đến nước này, người ta thường nghĩ ngay tới kênh đào Panama, một kênh đào có vị trí đắc địa, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Nhiều người sẽ bất ngờ khi biết phần lớn quang cảnh ở Panama là đồi núi. Song, cà phê ở đây dần trở thành nguồn gốc phổ biến cho loại cà phê hảo hạng tại Mỹ. Năm 1989, Mỹ xâm lược Panama. Tổng thống nước này, Tướng Manuel Noriega, nhanh chóng trở thành đồng minh của Mỹ. Điều này khiến cho nhiều người dân vô tội thiệt mạng hoặc bị thương. "Ngành công nghiệp cà phê vẫn đóng một vai trò quan trọng, là phương tiện làm giàu cho giới thượng lưu, trái lại là nỗi thống khổ cho người nông dân nghèo bị truất quyền sở hữu", tác giả viết.
Trải năm thế kỷ, qua nhiều vùng miền, quốc gia, châu lục... câu chuyện lịch sử cà phê còn hàm chứa nhiều tri thức về nhân học, thơ ca, khoa học, chính trị... và cả một ngành công nghiệp thời toàn cầu hóa.
Cha đẻ sách, Antony Wild, sinh năm 1955, từng là giám đốc thu mua cho nhà rang xay cà phê nổi tiếng ở Anh. Sau đó, ông làm việc như một nhà tư vấn, nhà báo và nhà văn, chuyên gia nghiên cứu về chế độ thực dân. Tác giả còn có hai tác phẩm khác là The East India Company (2000) và Remains of the Raj (2001).
Tin nổi bật
Tin Video