Bộ sách kể những nền văn minh thế giới
Gần mười dịch giả trong nước chuyển ngữ bộ "Lịch sử Văn minh Thế giới", hơn 50 tập, của Will và Ariel Durant.
Gần mười dịch giả trong nước chuyển ngữ bộ "Lịch sử Văn minh Thế giới", hơn 50 tập, của Will và Ariel Durant.
Tác giả mở đầu bộ sách với khái niệm cơ bản về nền văn minh - một trật tự xã hội thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa. Vì thế, văn minh gắn liền với khai phóng trí óc, sự tự do của con người - hướng nhân loại đến việc hiểu, phát triển cuộc sống. Để thiết lập nền văn minh, Will Durant nhắc đến yếu tố tinh thần như chữ viết, yếu tố đạo đức như tôn giáo, yếu tố chính trị về nhà nước, pháp luật.
Mỗi tập khái quát một vùng đất, hay thời đại trong lịch sử. Như khi nói về vùng Cận Đông trước công nguyên, ông điểm qua lối sống, cách giao thương của vùng đất Sumeria, Babylon, Assyria, Judea, Ba Tư - những nơi đặt nền móng cho nền văn minh châu Âu và châu Mỹ. Nhắc đến Trung Quốc, Will Durant nhận định người dân đón nhận nền văn hóa phương Tây để hợp với xu thế của thời đại, sau khi triều đình phong kiến cuối cùng sụp đổ vào năm 1912. Họ đành phải "kỹ nghệ hóa" như nghe nhạc giao hưởng, kèn saxophone, sưu tầm tranh sơn dầu, xây nhà như các tòa cao ốc. Các giá trị triết lý xưa được thay bằng chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa Phục Hưng của châu Âu. Vì thế, người dân chối bỏ các đạo lý của Khổng Tử - người được tác giả xem như là triết gia Aristotle của phương Đông.
Trung Quốc đối mặt nhiều vấn nạn - môi trường sống ô nhiễm, nạn tham nhũng, đánh mất bản sắc dân tộc, nhưng sở hữu khoáng sản dồi dào, có tiềm năng để trở thành cường quốc công nghiệp. Ông viết: "Có thể Trung Quốc đạt được sự cường thịnh mà ngay cả nước Mỹ cũng chưa từng biết đến". Dịch giả thán phục vì tuy chứng kiến xã hội Trung Quốc "rệu rã", Durant đủ tầm nhìn xa, dự đoán khá đúng tương lai phát triển của cường quốc này.
Will và Ariel Durant nhìn nhận văn minh dưới góc nhìn văn hóa, nghệ thuật và đời sống. Theo Newyorktimes, Will Durant cho rằng nhà sử học thường chỉ quan tâm chiến tranh, ghi lại các chiến công của những vị vua, ca ngợi anh hùng có công đánh đuổi quân thù. Còn đối với ông, văn minh là cách con người sinh sống, xây dựng gia đình, ca hát nhảy múa, làm thơ, đẽo gỗ...
Will Durant khắc họa Nhật Bản chi tiết ở mảng văn học, nghệ thuật. Văn xuôi phát triển sớm, nổi bật là cuốn tiểu thuyết về phu nhân góa chồng - Chuyện gẫu về Genji. Tác giả còn ngưỡng mộ võ sĩ Basho thời Edo dùng những vần thơ ngắn Haiku diễn đạt triết lý ở đời: "Ao cũ/ Tiếng ếch nhảy vào/ vũng nước xao". Ông đánh giá cao triết gia Nhật Bản "vô cùng minh triết khi theo đuổi sự sáng tạo cái đẹp". Mỹ thuật của Nhật Bản ảnh hưởng đến phương Tây nhiều hơn các nước phương Đông khác, như tranh in trên gỗ - chủ đề núi Phú Sĩ của họa sĩ Hokusai gây ấn tượng tại châu Âu những năm sau 1869.
Bộ sách gồm 11 phần, mỗi phần có từ ba đến năm tập. Thành quả này là nhờ công sức của những dịch giả như Phạm Viêm Phương, Mai Sơn, Phan Thanh Lưu, Huỳnh Ngọc Chiến, Bùi Xuân Linh, cùng nhiều người. Phần đầu - kể về phương Đông, và hai phần cuối cùng có niên đại gần nhất, được xuất bản vào tháng 10.
Will Durant và vợ - Ariel Durant - đều đặn ra mắt Lịch sử Văn minh Thế giới trong 46 năm (1935-1975). Ông bà đi quan sát nhiều nơi: châu Âu năm 1927, Ai Cập, Trung Quốc, Nhật Bản năm 1930. Hai năm sau, hai người đặt chân đến Siberia, Nga và Ba Lan. Những chuyến đi đem lại cho tác giả nhiều tư liệu để viết phần đầu tiên về phương Đông. Vợ chồng làm việc bảy ngày một tuần, từ 8 giờ sáng đến tận 22h. Trung bình, cặp đôi tốn khoảng bốn năm để soạn thảo và biên tập một tập sách.
Will Durant sinh năm 1885, xuất bản sách đầu tay Philosophy and the Social Problem năm 1917. Quyển thứ hai viết về triết học The Story of Philosophy (1926), bán được hơn hai triệu bản trong gần 30 năm, chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng - giúp ông có vốn để cùng vợ - Ariel Durant đi du lịch, tìm tư liệu cho cuốn Lịch sử Văn minh Thế giới. Bắt đầu từ phần thứ bảy Mở đầu thời đại của Lý Trí (1961), vợ ông, sinh năm 1898, là đồng tác giả. Phần thứ 10 Rousseau và Cách Mạng được trao giải Pulitzer năm 1968.
Các phần khác của Lịch sử văn minh thế giới (The Story of Civilization) chưa xuất bản ở Việt Nam là Đời sống Hy Lạp (1939), Caesar và Giê-su (1944), Thời đại của niềm tin (1950), Thời Phục Hưng (1953), Thời Cải cách (1957), Mở đầu thời đại của Lý Trí (1961), Thời đại của Louis XIV (1963), Thời đại Voltaire (1965).
Tin nổi bật
Tin Video