Nàng Kiều đã trở thành 'nạn nhân' của phim Việt như thế nào?
Nàng Kiều trong sự truân chuyên của đời mình, đã thành nạn nhân của Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến. Kiều ở màn ảnh Việt lưu lạc và "bị hại" theo cách khác.
Truyện Kiều từ lâu đã được xếp vào hàng tuyệt bút của Nguyễn Du, một đại thi hào. Kiều hàng trăm năm qua cũng đã trở thành một hình tượng văn hóa quá mức nổi tiếng và gắn chặt với đời sống của người Việt.
Theo lẽ đó, Truyện Kiều đúng ra phải là một trong những tác phẩm văn học được chuyển thể nhiều nhất ở Việt Nam như cách các nền văn hóa phương Tây đã đưa Romeo và Juliet hay Hamlet của William Shakespeare lên sân khấu, lên màn ảnh không ngưng nghỉ suốt bao năm qua.
Nhưng quan sát đời sống nghệ thuật Việt, với nhiều hạn chế về điều kiện, Truyện Kiều nổi tiếng nhưng số lượng tác phẩm phóng tác hoặc chuyển thể thành điện ảnh hoặc sân khấu là không nhiều. Và trong số không nhiều đó, bại lại nhiều hơn thành, thảm họa nhiều hơn dấu ấn.
Là Truyện Kiều quá khó để vay mượn, giới làm phim không tìm được hướng đi hay mỗi lần đời Kiều được sử dụng làm chất liệu trên màn ảnh lại là một lần Kiều thêm lưu lạc?
Cái khó của chuyển thể Truyện Kiều
Truyện Kiều hay Đoạn trường tân thanh là sáng tạo đỉnh cao của Nguyễn Du về ngôn ngữ nhưng cốt truyện vốn lấy cảm hứng từ Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, tác giả đời Minh của Trung Quốc. Lấy cảm hứng từ một cuốn tiểu thuyết chương hồi, Nguyễn Du đã viết nên Truyện Kiều thuộc dạng thức truyện thơ, sáng tạo thêm nhiều tình tiết mới đặc sắc và gửi vào đó sự lộng lẫy của tiếng Việt, của hồn Việt muôn thuở.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng nói chuyển thể Truyện Kiều mà chỉ tập trung vào câu truyện thì thành làm lại Kim Vân Kiều nhưng để chuyển tải được áng thơ bất hủ, sâu sắc của Nguyễn Du cũng là vấn đề không hề đơn giản.
Đó chính là cái khó khi chuyển thể hoặc phóng tác Truyện Kiều.
Là truyện thơ, Truyện Kiều đầy tính tự sự (narrativity) - một giá trị mà ngôn ngữ điện ảnh rất cần. Song, Truyện Kiều cũng vẫn là thơ, mà nhà nghiên cứu điện ảnh Timothy Corrigan trong cuốn Film and Literature (Điện ảnh và Văn học) đã quả quyết rằng: “Trong những thể loại văn học khác nhau mà điện ảnh vay mượn hay bị ảnh hưởng, thơ ca là vô hình nhất”. Hiểu theo một nghĩa tương tự, thơ ca cũng là khó chuyển thể nhất.
Song, nếu tìm được cách làm hợp lý lại dễ ghi được dấu ấn do tính thơ cũng là thuộc tính hấp dẫn đối với điện ảnh. Từ những năm 1911, Griffith đã chuyển thể tác phẩm thơ Enoch Arden thành phim cùng tên, để thấy ngay từ thuở sơ khai, giới làm phim cũng đã đặt mình vào những thử thách chuyển thể thơ sang phim và vẫn thành công theo cách riêng.
Quay trở lại với Truyện Kiều, đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng ấp ủ chuyển thể kiệt tác thành một phim truyền hình và một phim điện ảnh, đó cũng là mong ước của cha ông - cố nhà thơ Lưu Trọng Lư. Nhưng từ đó đến nay kế hoạch của đạo diễn vẫn chưa hoàn thành.
Một số nhà làm phim khác cũng từng có ý định chuyển thể, phóng tác Truyện Kiều của Nguyễn Du nhưng cũng chưa làm được.
Chưa từng có phim truyền hình cổ trang nào về nàng Kiều. Trong khi kịch nghệ cũng rất ít tác phẩm về người con gái "Một hai nghiêng nước nghiêng thành / Sắc đành đòi một, tài đành họa hai". Cách đây 4 năm, cố NSND Anh Tú chuyển thể Truyện Kiều thành vở kịch Chuyện nàng Kiều với sự tham gia diễn xuất của dàn nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam. Khi đó, cố đạo diễn từng thật lòng rằng lựa chọn của ông là “sự liều mình”.
Cách xử lý của cố NSND, đạo diễn Anh Tú là tôn trọng nguyên tác. Chuyện nàng Kiều nói về sự truân chuyên của người thiếu nữ tài sắc, đồng thời cũng phản ánh câu chuyện muôn đời là khi đồng tiền và quyền lực không chân chính lên ngôi sẽ đảo lộn tất cả, bao gồm cả những giá trị đạo đức tốt đẹp. Cuối cùng vở Kiều của NSND Anh Tú đọng lại với vẻ đẹp thiện lương của con người. "Sự liều mình” của cố đạo diễn, NSND Anh Tú được đón nhận dù cũng có ý kiến lăn tăn về diễn xuất của nữ chính vai Kiều.
Ngoài Chuyện nàng Kiều, ở mảng sân khấu còn có dự án Nàng K... - Cách tiếp cận mới vào một di sản văn hóa do Viện Goethe khởi xướng vào năm 2017. Đến cuối năm 2019, dự án sân khấu thể nghiệm này ra mắt 4 vở diễn, mỗi vở thời lượng chỉ khoảng 25-30 phút, trong đó có vở khai thác chuyện nàng Kiều nhưng nhìn chung là tập trung vào số phận người phụ nữ nói chung, từ Đông sang Tây.
Khác với sân khấu và truyền hình, loại hình điện ảnh đã có ít nhất là ba bộ phim lấy cảm hứng hoặc phóng tác từ Truyện Kiều, bao gồm Sài Gòn nhật thực, Kiều@ và Kiều. Tuy nhiên, kết quả, tất cả đều thuộc nhóm thảm họa.
Nàng Kiều và 14 năm "đau khổ" vì phim Việt
Điểm chung của Sài Gòn nhật thực, Kiều@ và Kiều là cả ba đều không phải phim chuyển thể đúng nghĩa. Sài Gòn nhật thực và Kiều @ thực chất chỉ là mượn danh hay nói như ngôn ngữ của ê-kíp là “lấy cảm hứng”. Trong khi Kiều của Mai Thu Huyền vừa ra mắt ở một cấp độ cao hơn: Phóng tác.
Thực tế, cảm hứng, phóng tác hay thậm chí là chuyển thể một tác phẩm văn học, khái niệm sáng tạo luôn là vấn đề được đặt ra. Thông thường, việc có tôn trọng nguyên tác hay không, không thể là cơ sở đánh giá chất lượng một bộ phim chuyển thể. Song, thực tâm của ý đồ và bút pháp sáng tạo là điều cần bàn đến.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng nói khi làm Kiều, ông sẽ đi theo hướng cải biên, có câu chuyện ngày nay nhưng cũng bắt buộc phải có Nguyễn Du. “Có Nguyễn Du” được xem là yếu tố quan trọng, bởi có Nguyễn Du mới có Truyện Kiều.
Mà để có Nguyễn Du thì buộc phải hiểu sâu sắc chữ nghĩa mà Nguyễn Du đã viết. Kiều của Mai Thu Huyền thất bại ngay từ kịch bản vì không hiểu chữ nghĩa của Nguyễn Du. Là lý do mà nhiều người bình phẩm đồng suy nghĩ tác phẩm gần như không có bóng dáng Nguyễn Du dù cho phim được giới thiệu để tưởng nhớ đại thi hào trên tinh thần: "Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?" (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa / Người đời ai khóc Tố Như chăng?).
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, chuyện tình của Thúc Sinh và Thúy Kiều vốn có rất nhiều chất liệu tự sự cho điện ảnh. Cả hai từng yêu nhau thật lòng, thương nhớ thật lòng: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi / Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”. Nhưng Thúc Sinh đã có một người vợ quyền thế là Hoạn Thư.
Ý tưởng phát triển câu chuyện Thúc Sinh - Kiều trong Kiều của Mai Thu Huyền vốn không hề tệ. Nhưng phim thành tệ vì biến Kiều thành nhu nhược, Thúc Sinh thành phi logic, bỏ quên cốt tủy của thương nhớ trong khi lạm dụng cảnh ái ân thô thiển, sống sượng. Kết hợp với diễn xuất, kỹ xảo, kỹ thuật dựng, phục trạng kém và chi tiết lộn xộn, phim càng xem càng trở nên không thể cứu vãn được.
Rõ ràng, một ý tưởng và một tinh thần tri âm, tưởng nhớ hoàn toàn có thể phản tác dụng nếu không có đủ một bàn tay phóng tác văn học tài năng.
Tệ hơn cả Kiều là Kiều @ và Sài Gòn nhật thực (2007). Kiều @ thực tế có nội dung không liên quan gì đến Truyện Kiều của Nguyễn Du nhưng vẫn cố bám vào danh nàng Kiều do khai thác chuyện "gái bán hoa".
Trong khi Sài Gòn nhật thực trước đó chọn biến tấu những nhân vật từ Truyện Kiều thành những cái tên nhân vật có nhiều nét tương đồng như Kiều, Kim, Hải, bà Tú. Phim được đạo diễn, tác giả kịch bản công khai "là một tác phẩm phỏng theo cuộc đời của Kiều" và tập trung vào chuyện Kiều (Trương Ngọc Ánh) bán mình để cứu gia đình. Song, tác phẩm bị chỉ trích vì làm quá cẩu thả với góc nhìn lệch lạc về nạn mua bán phụ nữ.
Dù theo những cách khác nhau, Kiều là cái tên ba lần trở thành nạn nhân của phim Việt. Cả ba phim đều thảm họa và là nỗi buồn của thị trường điện ảnh nội địa. Nhiều người thậm chí đồng thuận rằng giá như không dính đến Kiều, các phim có thể bớt bị phản ứng tiêu cực hơn do không bị nhận định là phỉ báng kiệt tác văn học.
Nàng Kiều trong sự truân chuyên của đời mình, đã thành nạn nhân của Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến, đã lưu lạc 15 năm mới tìm được bình yên. Tính từ Sài Gòn nhật thực từ năm 2007 đến nay, nàng Kiều ở phim Việt cũng đã trải qua 3 phim, thành nạn nhân trong những sản phẩm thất bại thê thảm về chất lượng.
Tin nổi bật
Tin Video