Tin tức

Hà Nam: Miền quê nghèo Đức Lý có gì 'đáng sống'?

(VOVTV) - Ở vùng quê thuần nông Đức Lý, một thời "Đồng trũng, nước trong; Chiêm khê, mùa thối", bao đời người dân lam lũ, nghèo khó, nay họ đã làm gì để vươn lên? Làng xóm ở miền quê này có gì "đáng sống"?

Tác giả Trọng Hiếu / VOVTV
14/09/2021 10:06

"Bám đất, bám làng" xây dựng cuộc sống mới

Đến xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, đúng dịp chính quyền, đoàn thể và nhân dân ở một số thôn đang cùng nhau lao động vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, sân vận động, chúng tôi thấy ai cũng phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương.

Bà Nguyễn Thị Thành ở thôn Ngò Báng, năm nay gần 80 tuổi, cho biết: "Trước kia, các thôn chỉ có những con đường độc đạo, nhỏ hẹp và lầy lội, người dân muốn qua lại phải đi đường vòng. Nhưng nay, nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới mà rất nhiều tuyến đường được mở rộng, nâng cấp, làm mới như ô bàn cờ, rất thuận tiện cho việc thông thương hàng hóa, đi lại. Hai bên các tuyến đường còn được trồng cây bóng mát, cây hoa, ai cũng thích".

Hà Nam: Miền quê nghèo Đức Lý có gì 'đáng sống'? - Ảnh 1.

Nhà văn hóa xã được đầu tư xây dựng mới khang trang, hiện đại

Ông Phạm Văn Thọ, trưởng thôn Nội Kiếu, cho biết thêm: "So với trước khi xây dựng nông thôn mới, làng quê nay đã khác hoàn toàn. Không chỉ cảnh quan sạch, đẹp, điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang, tiện ích, mà đời sống tinh thần của người dân cũng được quan tâm hơn trước rất nhiều. Nhà văn hóa các thôn bây giờ không chỉ là nơi để hội họp mà còn là nơi vui chơi cho trẻ em, nơi luyện tập thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ của nhân dân…

Thôn Nội Kiếu chúng tôi có 205 hộ với 625 nhân khẩu. Mỗi tháng, bà con nhân dân tập trung làm vệ sinh môi trường một lần ở khu vực sân vận động, đường trục chính của thôn, còn ngõ xóm nhỏ, các hộ dân tự bảo nhau hàng ngày, hàng tuần dọn dẹp, giữ vệ sinh chung. Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nhân dân của thôn tập trung cải tạo vườn tạp, từng bước xây dựng các khu vườn mẫu với các loại cây ăn quả như, cam, quý, bưởi và nhãn…".

Hà Nam: Miền quê nghèo Đức Lý có gì 'đáng sống'? - Ảnh 2.

Đình Văn Xá, xã Đức Lý là một trong những ngôi đình cổ kính nhất Hà Nam, được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Nhân dân luôn ý thức trùng tu, bảo tồn các giá trị văn hóa, kiến trúc của đình

Như bao miền quê nông thôn, đất và người xã Đức Lý như hòa quyện vào nhau trong từng mái đình, nếp nhà, khu vườn, mảnh ruộng, trong từng gốc lúa, bờ tre. Những làn điệu chèo, dân ca, những luống hoa trên khắp mọi ngả đường làng chính là bí quyết ru cuộc sống của họ thêm rực rỡ, yêu đời. Dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng người dân nơi đây đang cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Diện mạo làng quê của xã mà nhiều năm trước thuộc diện khó khăn, từng đứng tốp cuối của huyện, nay đang khởi sắc bằng sự no ấm, bình yên hiện hữu trong mỗi gia đình và cả tình làng nghĩa xóm đậm sâu. Nhiều ngôi nhà cao tầng, biệt thự kiên cố mới thay cho nếp nhà tranh xưa kia. Những con đường ra đồng, đường làng, ngõ xóm, đường liên thôn, liên xã đã được bê tông khang trang, sạch đẹp. Một số tuyền kênh mương nội đồng được nâng cấp thành đường giao thông nông thôn…

Sự đổi thay, tiến bộ ở vùng quê thuần nông này không chỉ ở những thứ hiện hữu mà còn xuất phát từ trong nếp nghĩ đến cách làm của mỗi người. Nhiều mô hình làm kinh tế mới được người dân đầu tư phát triển hiệu quả, nhân rộng góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương.

Hà Nam: Miền quê nghèo Đức Lý có gì 'đáng sống'? - Ảnh 3.

Mô hình nuôi cá Koi, cá Rồng và cá Hải Tượng giá trị tiền tỷ của anh Trần Thanh Thủy, cũng là cách làm kinh tế mới, cho thu nhập cao ở xã Đức Lý

Anh Trần Thanh Thủy, chủ một trang trại nuôi cá Koi, cá Rồng và cá Hải Tượng ở thôn Ngò Báng, chia sẻ: "Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của địa phương, cuối năm 2020, tôi nhận thầu khoán của xã 9 ao hồ, rộng hơn 8ha, đầu tư gần 30 tỷ đồng để nuôi cá Koi, cá Rồng và cá Hải Tượng.

Nuôi những loại cá này, ngoài việc đầu tư tiền của, công sức, kỹ thuật thì môi trường trong sạch rất quan trọng. Các ao hồ này ở ngoài cánh đồng, vừa rộng lại nằm xa khu dân cư nên rất thuận lợi cho việc nuôi thả cá. Đây cũng là mô hình phát triển kinh tế mới ở địa phương, bước đầu cá phát triển tốt, cho thu nhập cao".

Ngoài mô hình nuôi cá giá trị bạc tỷ này, ở xã Đức Lý còn có nhiều mô hình trồng, nhân giống cây lan thương phẩm cung cấp ra thị trường, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất được chuyển đổi từ những vùng đất ruộng cấy lúa không thuận lợi, hiệu quả thấp sang trồng rau hoa thiên lý, bí xanh, dưa chuột cũng cho thu nhập cao gấp nhiều lần.

Hà Nam: Miền quê nghèo Đức Lý có gì 'đáng sống'? - Ảnh 4.

Chủ tịch UBND xã Đức Lý Nguyễn Đức Ngọc, cho biết: “Năm 2021, xã Đức Lý quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về văn hóa”

Nói về những hộ dân đã thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ các mô hình sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch UBND xã Đức Lý Nguyễn Đức Ngọc, cho biết: Vài năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở địa phương đã có sự áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị kinh tế cao. Chính những người dân đã dám nghĩ, dám làm, năng động trong việc tận dụng lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, làm giàu. Đây cũng chính là cách nghĩ, cách làm của người dân theo hướng xây dựng nông thôn mới.

Đích đến nông thôn mới kiểu mẫu

Hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Đức Lý tập trung huy động mọi nguồn lực, nhân lực tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn. Cơ sở hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, xây dựng đồng bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Vai trò của hệ thống chính trị và chủ thể của nhân dân được phát huy, an ninh trật tự được giữ vững.

Hà Nam: Miền quê nghèo Đức Lý có gì 'đáng sống'? - Ảnh 5.

Cơ sở hạ tầng thiết yếu về điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư, xây dựng đồng bộ, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã

Năm 2019, xã Đức Lý được UBND tỉnh Hà Nam công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Từ đó đến nay, xã luôn giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Vì vậy, ngay sau khi về đích nông thôn mới, xã Đức Lý tiếp tục triển khai đề án xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia tích cực.

Chủ tịch UBND xã Đức Lý Nguyễn Đức Ngọc, cho biết thêm: Xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là cần thiết, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Môi trường sinh thái thêm trong lành, bản sắc văn hóa làng quê được giữ gìn và phát huy, an ninh trật tự được đảm bảo.

Trên cơ sở đó, xã đã khuyến khích phát triển kinh tế, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương, phấn đấu trên 98% lao động của xã có việc làm thường xuyên.

Tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất trường học, nhà văn hóa các thôn, đẩy mạnh việc kiên cố hóa kênh mương, nâng cao chất lượng các tuyến đường giao thông đã được trồng hoa, cây cảnh, cây bóng mát trên địa bàn xã.

Hà Nam: Miền quê nghèo Đức Lý có gì 'đáng sống'? - Ảnh 6.

Tận dụng đất đai và thị trường, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư trang trại trồng, nhân giống cây lan thương phẩm, làm giàu ngay chính trên quê hương mình

Nhân rộng các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập. Phấn đấu hết năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 78,1 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo không có bảo trợ xã hội còn 0%; tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,5%, tiến tới bảo hiểm toàn dân.

Hiện nay, cả 3 trường học ở các cấp học của xã đều đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 100%; tỷ lệ trẻ em 6 tuổi học lớp 1 đạt 100%. Xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

Trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, cùng với cơ chế hỗ trợ linh hoạt, phù hợp, xã đã huy động các nguồn lực xã hội xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hội họp, giao lưu, biểu diễn văn nghệ, tập luyện TDTT của người dân. Điển hình là khuôn viên nhà văn hóa xã rộng 1.000m2, trong đó diện tích xây dựng 550m2 với 350 chỗ ngồi, có phòng kỹ thuật, phòng máy được đầu tư thiết bị đảm bảo hoạt động theo quy định. Xã Đức Lý còn có sân vận động trên 10.000m2, đáp ứng tốt các sự kiện chính trị, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của địa phương.

Toàn xã Đức Lý hiện có 33 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao hoạt động ở các thôn, thu hút gần 72% số người dân tham gia. Đặc biệt, xã có các loại hình văn hóa, văn nghệ điển hình, truyền thống mang tính nghệ thuật cao như, chiếu chèo làng Ngò, đàn hát dân ca các thôn Nội Kiếu, Tế Cát, Tế Xuyên Bến, thôn Ngò Báng.

Hà Nam: Miền quê nghèo Đức Lý có gì 'đáng sống'? - Ảnh 7.

Xã Đức Lý tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa - hình thành vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, áp dụng tiến bộ KHKT, tăng hiệu quả kinh tế cho sản phẩm nông sản

Việc quy hoạch và tổ chức thực hiện vùng sản xuất hàng hóa tập trung với sản phẩm chủ lực đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, kinh doanh hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng được xã Đức Lý chú trọng. Với lợi thế có 621,3 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 442,17 ha đất trồng lúa, 91,94 ha đất, ao hồ nuôi trồng thủy sản, xã đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực.

Riêng vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao có 35,2 ha với các giống lúa Đài thơm số 8, RT -100, RT – 120... cho năng suất lúa bình quân đạt 58,33 tạ/ha, giá trị sản xuất lúa đạt 52,49 triệu đồng/ha.

Vùng sản xuất cây vụ đông có giá trị kinh tế cao như, bí xanh, bí đỏ, dưa bao tử... được sản xuất tập trung ở các thôn Tế Xuyên Bến, Văn Kênh, Tế Cát, với tổng diện tích 23,4 ha. Do quy hoạch gọn vùng, gọn khu nên xã đã chủ động được việc tưới tiêu và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong nông nghiệp, giảm chi phí, tăng năng suất. Giá trị sản xuất cây vụ đông cho thu nhập 62 triệu đồng/ha.

Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã có giá trị kinh tế cao gấp 1,5 đến 2 lần so với đại trà và có tiềm năng mở rộng về quy mô sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Người dân còn được Hợp tác xã nông nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, nhằm tạo ra chuỗi liên kết đầu ra và đầu vào, đảm bảo ổn định giá bán, yên tâm mở rộng sản xuất cây vụ đông, tăng thu nhập.

Thực hiện tiêu chí môi trường, xã đã kiện toàn 7 tổ thu gom rác thải với 23 thành viên, tổ chức thu gom 2 lần/1 tuần. Đồng thời, xã xây dựng 147 bể chứa, thu gom bao bì thuốc trừ sâu, làm sạch đồng ruộng; thành lập 3 câu lạc bộ "Cựu chiến binh bảo vệ môi trường".

Hơn 3.000 hộ gia đình thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn bằng cách đào hố chứa, ủ rác thải hữu cơ trong khuôn viên vườn nhà, tạo nguồn phân bón vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tổ kiểm tra môi trường của xã cũng thường xuyên kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở, phát hiện và nhắc nhở kịp thời các điểm phát sinh rác thải và đôn đốc thực hiện các giải pháp khắc phục vi phạm. Nhờ vậy, tỷ lệ rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã được phân loại và áp dụng biện pháp xử lý phù hợp đạt trên 70%.

Hà Nam: Miền quê nghèo Đức Lý có gì 'đáng sống'? - Ảnh 8.

Nhân dân ở các thôn xóm luôn phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày một phát triển

Xã Đức Lý đã và đang làm rất tốt công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu. Sự năng động, tư duy đột phá của cấp ủy, chính quyền, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên ở đây đã tạo niềm tin vững chắc, khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, kiến tạo nên một "miền quê đáng sống".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận