Quốc tế

Bầu cử Mỹ 2024 với chặng đua nước rút

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang nỗ lực không ngừng trong chặng đua nước rút để giành được lá phiếu tại các bang chiến địa. Cuộc bầu cử tháng 11/2024 được xem là mùa bầu cử kịch tính nhất trong lịch sử hiện đại nước Mỹ với kết quả được dự báo sẽ rất sít sao giữa hai ứng cử viên.

Tác giả Phạm Huân/VOV Washington
25/10/2024 08:48

Hai ứng viên bám đuổi quyết liệt

Kết quả thăm dò công bố ngày 22/10 của Reuters/Ipsos cho thấy, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dẫn trước cựu Tổng thống Donald Trump 3 điểm trên toàn quốc. Theo kết quả trên, bà Harris giành được 46% ủng hộ và ông Trump giành được 43%. Khoảng cách dẫn trước của ứng cử viên đảng Dân chủ không thay đổi so với cuộc thăm dò được tiến hành vào tuần trước, trong đó bà Harris giành được 45% ủng hộ so với 42% của ứng cử viên đảng Cộng hòa. Kết quả thăm dò cũng chỉ ra rằng vấn đề nhập cư, kinh tế và các mối đe dọa đối với nền dân chủ là những vấn đề quan tâm hàng đầu đối với những cử tri tiềm năng. Cựu tổng thống Trump dẫn trước trong vấn đề nhập cư và kinh tế, với khoảng cách lần lượt là 48% - 35% và 46% - 38% so với bà Harris. Đương kim Phó Tổng thống dẫn trước trong vấn đề các mối đe dọa đối với nền dân chủ cũng như chăm sóc sức khỏe và phá thai, với tỷ lệ ủng hộ 42% so với 35% của đối thủ.

Bầu cử Mỹ 2024 với chặng đua nước rút- Ảnh 1.

Hai ứng viên bám đuổi quyết liệt. Ảnh: Reuters

Vấn đề nhập cư là vấn đề hàng đầu mà cử tri mong muốn người chiến thắng dành thời gian trong 100 ngày đầu tiên tại Phòng Bầu dục, với 35% ủng hộ. Các vấn đề quan tâm khác là bất bình đẳng thu nhập - 11%, thuế và chăm sóc sức khỏe - 10%. Khoảng 70% cử tri đã đăng ký cho biết chi phí sinh hoạt đang đi chệch hướng, trong khi 65% trả lời tương tự về nhập cư và 60% là về nền kinh tế.

Trong khi đó, cuối tuần vừa qua, ông Trump đã vượt qua bà Harris trong dự báo bầu cử của The Hill/Decision Desk HQ lần đầu tiên, với mô hình cho thấy ứng cử viên đảng Cộng hòa có 52% cơ hội chiến thắng so với 48% của bà Harris.

Còn theo cuộc thăm dò của Morning Consult, Phó Tổng thống Harris dẫn trước cựu Tổng thống Trump 4 điểm phần trăm (50% so với 46%), trong số những cử tri có khả năng bỏ phiếu trước ngày bầu cử chưa đầy hai tuần. Bà Harris cũng dẫn trước trong số những cử tri độc lập, với tỷ lệ 47% so với 43%. Cuộc thăm dò cho thấy cả hai ứng cử viên đều có sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhóm cử tri gốc trong Đảng.

Kết quả của các cuộc khảo sát cho thấy cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay cũng rất khó đoán định với hai ứng viên bám đuổi quyết liệt và mỗi người lại có ưu thế trong từng lĩnh vực cụ thể mà cử tri quan tâm.

Cử tri  bỏ phiếu sớm tăng kỷ lục 

47 tiểu bang, cũng như Đặc khu Columbia, cho phép bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu qua thư cho tất cả cử tri đã đăng ký và mỗi tiểu bang tự quyết định ngày bỏ phiếu sớm. Theo số liệu thống kê của trường Đại học Florida thì số cử tri bỏ phiếu sớm ở Mỹ đang gia tăng nhanh chóng hàng ngày. Tới thời điểm hiện tại đã có 62,6 triệu người đăng ký bỏ phiếu sớm qua hình thức bỏ phiếu trực tiếp hoặc bỏ phiếu qua bưu điện. Hiện đã có hơn 28 triệu cử tri bỏ phiếu sớm bao gồm hơn 12 triệu người bỏ phiếu trực tiếp và hơn 16 triệu người bỏ phiếu qua bưu điện. Đúng là số cử tri bỏ phiếu sớm năm nay hơn hẳn năm 2020 và điều này có thể hiểu là ở thời điểm năm 2020 lúc đó đang diễn ra đại dịch Covid-19 nên người dân Mỹ tránh tiếp xúc chỗ đông người. Có một điểm khác trong vấn đề bỏ phiếu sớm năm nay đó là số lượng cử tri đảng Cộng hòa tham gia bầu cử sớm tăng đáng kể so với mọi năm, có thể là do lời kêu gọi từ ứng viên tổng thống Donald Trump. Xu hướng này cho thấy sự đảo chiều về quan điểm của đảng Cộng hòa về cách bỏ phiếu so với mùa bầu cử năm 2020. Đại dịch Covid-19 khi đó đã tác động đến cách cử tri Mỹ bỏ phiếu. Các bang tạo điều kiện để cử tri bỏ phiếu vắng mặt và qua thư, nhưng ông Trump chỉ trích mọi hình thức khác ngoài bỏ phiếu trực tiếp. Cựu tổng thống cho rằng bỏ phiếu qua thư "tạo ra hỗn loạn" và sẽ dẫn đến "sự can thiệp từ các quốc gia bên ngoài", nhưng không đưa ra bằng chứng và nhiều người ủng hộ đã tin ông. Ông Trump sau đó thất bại trước đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden, nhờ số lượng cử tri Dân chủ áp đảo trong bỏ phiếu sớm và qua thư.

Trong khi đó, đảng Dân chủ đã kêu gọi cử tri bỏ phiếu sớm suốt nhiều năm qua. Việc này giúp họ ít phụ thuộc vào ngày bầu cử hơn, bởi cử tri trong ngày đó có thể bị ảnh hưởng bởi lịch trình cá nhân, thời tiết hoặc sức khỏe khiến họ không thể đến hòm phiếu.

Bỏ phiếu sớm còn giúp chiến dịch tranh cử các bên sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, bởi họ chỉ cần nhắm đến nhóm cử tri chưa tham gia bầu cử. Do đó, nhiều quan chức đảng Cộng hòa đã thúc đẩy ông Trump thay đổi quan điểm về bỏ phiếu sớm và qua thư, nhằm cân bằng cuộc chơi với phe Dân chủ.

Cựu tổng thống bắt đầu thay đổi quan điểm khi đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Florida hồi tháng 8. Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, với con dâu của ông Trump là Lara Trump đang giữ ghế đồng chủ tịch, đã dồn nguồn lực cho các chương trình thúc đẩy cử tri Cộng hòa bỏ phiếu sớm.

Theo các cuộc thăm dò sơ bộ, Phó Tổng thống Kamala Harris hiện đang dẫn trước cựu Tổng thống Donald Trump trong số những cử tri đi bỏ phiếu sớm, nhưng nói chung, sự dẫn trước này khó có thể chứng tỏ ai đang hơn ai.

Việc bỏ phiếu sớm không có nhiều tác động đến cuộc đua vào Nhà Trắng nhưng là cơ sở để các ứng viên có thể theo dõi những người đã bỏ phiếu. Từ đó, các ứng cử viên có thể tập trung vận động nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định. Điều này giúp cả hai nâng cao tiềm năng chiến thắng trong một một cuộc đua sít sao mà kết quả cuối cùng có thể được định đoạt chỉ với vài lá phiếu.

Cuộc đua kịch tính và ẩn chứa bất ngờ 

Không khác so với các cuộc bầu cử trước đây, cuộc bầu cử năm nay tại Mỹ cũng khá gay cấn và kịch tính và chỉ còn 2 tuần nữa là đến ngày bầu cử trong khi cuộc đối đầu giữa bà Kamala Harris và ông Donald Trump vẫn đang diễn ra quyết liệt, kể cả tại các bang "chiến trường" có ý nghĩa quyết định đến kết quả cuối cùng. 

Bầu cử Mỹ 2024 với chặng đua nước rút- Ảnh 2.

Bà Kamala Harris và ông Donald Trump. Ảnh: Reuters

Khi nói tới các yếu tố có thể tác động tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, người ta thường nói tới “bất ngờ tháng 10”. Trên thực tế, cụm từ "bất ngờ tháng 10" đã trở thành một phần không thể thiếu trong từ điển chính trị Mỹ trong gần 50 năm qua, khiến các chiến dịch tranh cử của ứng viên nào cũng thường lo sợ về những tin tức hay cuộc khủng hoảng bất ngờ xuất hiện có thể làm thay đổi lộ trình và kết quả cuộc đua. Yếu tố này thường có ba kiểu: diễn biến ngoại giao của Mỹ trên trường quốc tế, bê bối chính trị từ quá khứ được phơi bày dưới dạng rò rỉ hoặc sự kiện nghiêm trọng trong nước, như thảm họa thiên nhiên, đại dịch, điều tra hình sự. Những yếu tố này hoàn toàn có thể làm lệch cán cân giữa hai ứng viên. 

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, không như mong đợi của các ứng viên, nhất là bà Harris, "bất ngờ tháng 10" đã lại diễn ra ở mức không thể bất ngờ, toàn diện và rộng khắp hơn. Điều đó khiến cả 2 ứng viên phải điều chỉnh rất nhiều chiến thuật vận động để tận dụng/thích nghi một cách hiệu quả nhất có thể, trước hết là tại các bang chiến trường, bởi khoảng cách giữa chiến thắng và thua cuộc tại đó có lẽ chỉ là vài chục ngàn phiếu nhưng lại quyết định kết cục của toàn bộ chiến dịch trên toàn quốc.

Ngoài yếu tố “bất ngờ tháng 10” như tôi vừa nêu thì khả năng ứng phó với các vấn đề nội địa cấp bách và các thách thức quốc tế cấp bách mới nổi lên sẽ là yếu tố quyết định trong việc thu hút sự ủng hộ của cử tri trong những tuần cuối cùng của chiến dịch. Cả bà Harris và ông Trump đều cần phải thể hiện rõ ràng tầm nhìn và kế hoạch cụ thể của mình để giải quyết những vấn đề mà cử tri quan tâm nhất nếu muốn giành chiến thắng trong cuộc đua này. 

Ý kiến của bạn