Giãn dân phố cổ: Đi hay ở đều phải là nơi đáng sống
(VOVTV) - Hà Nội đã công bố đồ án quy hoạch nội đô lịch sử, trong đó, Hoàn Kiếm là vùng lõi của quy hoạch. Liệu rằng lần quy hoạch này, việc giãn dân có được thực hiện đúng kế hoạch để kịp thời bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử đang xuống cấp ngày càng nghiêm trọng hay không?
Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có gần 150.000 hộ dân, đã giảm cơ học được 20.000 hộ so với thời điểm năm 2019. Cùng với những giải pháp mà UBND quận Hoàn Kiếm đang triển khai thì nhiều hộ dân đã tự chuyển nhượng nhà cho nhau hoặc bán cho “chủ thầu” mua gom các hộ cùng số nhà. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tình thế.
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội cho biết: "Điều kiện kinh tế của quận Hoàn Kiếm đang phát triển rất ổn định, việc phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ đang có thay đổi rất lớn, các hộ kinh doanh buôn bán có điều kiện mở rộng diện tích bằng việc mua lại diện tích của các hộ dân liền kề. Các giải pháp như vậy cũng đã làm dân số quận Hoàn Kiếm giảm so với những năm 2000 trở lại đây".
Thực tế vấn đề giãn dân phố cổ không phải bây giờ mới được thực hiện. Từ hơn 2 thập kỷ trước, Hà Nội đã công bố dự án di dân phố cổ. Năm 1995, Hà Nội đã có một đề án giãn dân phố cổ với kinh phí rất lớn, trong đó đã xác định được một số khu vực để người dân giãn ra như ở Việt Hưng, Ngọc Thụy. Nhưng kết quả sau cùng vẫn không đạt được như yêu cầu đã đặt ra.
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội: "Giãn dân ở đây không phải chỉ là di cái nơi họ ở đi, mà phải tạo ra một môi trường sống mới, có mối quan hệ kĩ thuật hạ tầng, xã hội rất thuận lợi. Đặc biệt, quan trọng phải tạo cho người ta điều kiện có thu nhập để tiếp tục sống, đấy là bài học của những lần giãn dân chưa thành công vừa qua".
"Môi trường sống quan trọng, cho nên bên cạnh giãn dân cần phải tăng cường điều kiện sống, chất lượng sống thì sẽ giải quyết được chất lượng sống cho người ở tại chỗ cũng như cho người đi nơi khác. Tôi cảm thấy giãn dân của ta cũng như là giãn dân của các quy hoạch kinh tế khác vẫn mang tính chất ban cho nhiều hơn là quan tâm đến họ", nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm.
Theo đồ án quy hoạch mới, dân số Hà Nội tới năm 2030 và 2050 chỉ còn 672.000 người, tức sẽ giảm khoảng 215.000 dân. Như vậy vấn đề giãn dân phố cổ là yêu cầu bắt buộc. Quy hoạch được đánh giá là quyết định đúng đắn của Thủ đô, bởi nếu không có quy hoạch thì Hà Nội không thể giãn được dân phố cổ.
Tuy nhiên để Hà Nội văn minh, hiện đại không phải chỉ là vẻ đẹp bên ngoài, mà cốt lõi là nâng cao đời sống của người dân. Chính vì vậy, dù là nơi cũ hay nơi mới, Thành phố đều cần xây dựng thành những nơi thực sự “đáng sống”.
Tin nổi bật
Tin Video