Giải trí

Trào lưu 'review phim': Nặng về tiền, thiếu khách quan và ngược đãi cảm xúc người xem!

(VOVTV) - Chỉ dành 5 phút thôi mà bạn đã có thể xem trọn vẹn bộ phim dài mấy tiếng đồng hồ hay dài mấy mùa. Nghe khó tin nhưng sự lên ngôi của "review phim" sẽ giúp bạn thực hiện được điều đó.

Tác giả Nguyệt Hà / VOVTV
29/12/2020 17:02

Trào lưu review phim đang là nỗi nhức nhối đối với những fan điện ảnh chân chính

"Xin chào các bạn, mình là ... hôm nay mình sẽ review một bộ phim kinh điển mang tên A."

"Chào mọi người, mình lại xuất hiện rồi đây. Hôm nay mình sẽ giới thiệu một bộ phim kinh dị."

Những dòng giới thiệu ngắn gọn ấy nằm trong các đoạn clip xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội dạo thời gian gần đây. Với thời lượng khoảng tầm từ 5 - 7 phút, clip "review phim" đang thu hút được lượng người xem "khủng". Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là các clip này đang lấy danh nghĩa của việc "review" để làm những nội dung mang tính định hướng sai trái.

Đằng sau trào lưu "review phim",  - Ảnh 1.

Trào lưu tóm tắt phim đang khiến nhiều người ném đá

Thử nghĩ xem, việc bạn bỏ ra thời gian và tiền bạc để tận hưởng giây phút xem một bộ phim chiếu rạp đích thực nhưng sau đó khi về nhà, bạn lại thấy nó xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội. Đã thế lại còn nói sai nội dung, đương nhiên với những ai là tín đồ phim ảnh chắc hẳn họ sẽ cảm thấy vô cùng bất bình. Chưa kể đến đạo diễn hay diễn viên của các bộ phim này hẳn sẽ "khóc thét" khi thấy bộ phim tâm huyết dài một vài tiếng của mình bỗng chốc thu bé lại còn 5 phút với video “review phim".

1. Review hay recap?

Đầu tiên, khán giả chúng ta đang hiểu sai ý nghĩa của chủ đề “review phim”. Trên thực tế, review được định nghĩa là những cảm nhận, đánh giá của người từng trải nghiệm một dịch vụ, theo quan điểm cá nhân hoặc có sự tham khảo từ những người khác. Về lĩnh vực phim ảnh, review là quan điểm, góc nhìn hay cảm nhận của người xem trước một tác phẩm. Người viết có thể là bất cứ ai, từ khán giả đại chúng cho đến nhà phê bình có chuyên môn. Điều cần thiết cho một bài review là nên giải thích cách câu chuyện xây dựng mà không cần thiết phải "spoil" và nêu ra những cú "plot twist".

Đằng sau trào lưu "review phim", lợi nhuận hàng đầu mặc kệ cảm nhận người xem - Ảnh 2.

Dường như, nhiều khán giả đang hiểu sai nghĩa "review"

Trở lại với sự lên ngôi của "review phim 5 phút", khán giả vô cùng bất bình với những clip "biến chất", bởi nó không chỉ tóm gọn sai nội dung, sai tên nhân vật, sai chính tả, thậm chí là sai cả nội dung phim. Còn chưa đề cập đến giọng đọc rất vô cảm đến từ phía chị "Google". Nhiều người xem xong, hoàn toàn không còn cảm nhận được tinh hoa của bộ phim, những gì đọng lại trong đầu chỉ là giọng nói liến thoắng của người kể chuyện. Đặc biệt hơn, có một số bộ phim dài tập mà nhà đài đã cất công phát sóng mấy tháng trời dằng dẵng cũng có thể tóm ngắn thành vài phút được. 

2. Công thức cho một video review triệu view

Có thể thấy, đằng sau một đoạn clip ngắn trông có vẻ sơ sài là cả một sự đầu tư về mặt ê-kíp. Trước hết, họ cần một người bỏ ra thời gian để lựa chọn và nghiền ngẫm các bộ phim. Sau khi xem hết phim, thì họ sẽ tiến hành dựng nội dung và biên tập. Những cảnh quay đắt giá, những cú "plot twist" sẽ được người biên tập lưu ý để đề xuất với người dựng. 

Đằng sau trào lưu "review phim", lợi nhuận hàng đầu mặc kệ cảm nhận người xem - Ảnh 3.

Để sản xuất một clip ngắn với thời lượng vài phút, những người mang mác review phim có hẳn một ê kíp thực hiện đứng đằng sau

Tiếp đến là công đoạn làm video, người dựng dựa trên nội dung được xây dựng sẵn làm thành sản phẩm. Một điểm chú ý trong một số clip review chính là giọng đọc. Bên cạnh giọng đọc kinh điển của “chị Google” thì đa số các trang phim hiện nay đang sử dụng giọng nói nhân tạo từ các web. Đơn giản là chỉ cần mua một gói giọng đọc, sau đó có thể tùy ý lựa chọn giọng nam - nữ hay Bắc - Trung - Nam để chèn vào video. Tuy nhiên, cũng có một số trang đầu tư hơn họ sẽ lấy giọng của chính mình nếu cảm thấy phù hợp và từ đó tiến hành xây dựng thương hiệu riêng.

Đằng sau trào lưu "review phim", lợi nhuận hàng đầu mặc kệ cảm nhận người xem - Ảnh 4.

Tràn lan các video tóm tắt phim trên mạng xã hội

Sau cùng, là một đội ngũ đi seeding tiếp cận người xem và đó là lý do giải thích vì sao chúng ta thấy nó xuất hiện nhiều đến như vậy.

3. Kiếm được tiền "khủng" từ review phim

Không tự nhiên mà “các nhà review phim” này lại có sự đầu tư và sản xuất lớn một loạt các clip như vậy. Đơn giản chỉ tóm gọn trong 2 chữ “lợi nhuận”.

Từ góc nhìn của những người kiếm tiền từ mạng xã hội, đây lại là một miếng mồi béo bở mà mà họ đang muốn nhắm đến, đặc biệt là trên nền tảng Ads Breaks của Facebook và TikTok.

Ad Breaks (quảng cáo trong luồng) là nền tảng cho phép người sáng tạo video trên Facebook đủ điều kiện có thể kiếm tiền nhờ hiển thị quảng cáo ngắn khi phát video.

Đằng sau trào lưu "review phim",  - Ảnh 2.

Các điều kiện để có thể bật tính năng kiếm tiền trên Facebook. Ảnh: Internet

Điều kiện để kiếm tiền từ Facebook Ad Breaks là fanpage đạt 10.000 lượt theo dõi. Đồng thời, trang phải có 30.000 lượt xem ít nhất 1 phút đối với video có thời lượng ít nhất 3 phút. Các video trên đồng thời phải phù hợp tiêu chuẩn cộng đồng. Những video tương tác cao sẽ được Facebook xét duyệt kiếm tiền từ quảng cáo. Doanh thu mỗi fanpage đăng video đều đặn có thể lên đến 100.000 USD/tháng.

Đằng sau trào lưu "review phim",  - Ảnh 3.

Kiếm được tiền khủng từ review phim. Ảnh: Internet

Đối chiếu vào những con số mà các clip review đạt được, có thể khẳng định rằng doanh thu của họ là không hề nhỏ. Điều này vô hình chung, Facebook đang "tiếp tay" cho những nhà sáng tạo nội dung "nhảm". Sự quản lý còn lỏng lẻo, chính sách bản quyền còn sơ sài thậm chí "lờ" đi bản quyền video để mạng xã hội video của Facebook trở nên phong phú hơn đang là mặt xấu của nền tảng kiếm tiền online hiện nay. 

Mặt khác, vấn đề bản quyền cho các bộ phim cũng được đặt ra. Việc sử dụng các bộ phim này để thương mại hóa mà không được sự cho phép của thương hiệu thì chính là phim lậu hay nói các khác đây là một hình thức "tiến hoá" của phim lậu vốn là một vấn đề nan giải của ngành giải trí.

4. Khán giả nói gì?

Sự tồn tại và phát triển của trào lưu này đều phụ thuộc vào thị hiếu của con người. Chừng nào còn có người xem thì chừng đó những "nhà sản xuất" vẫn cứ phát hành video review đều đều.

Đằng sau trào lưu "review phim", lợi nhuận hàng đầu mặc kệ cảm nhận người xem - Ảnh 7.

Review phim mang đến cho người xem một trải nghiệm mới, người phê phán vẫn có...

Đằng sau trào lưu "review phim", lợi nhuận hàng đầu mặc kệ cảm nhận người xem - Ảnh 8.

... mà người ủng hộ cũng không thiếu

"Tôi đã luôn luôn bị cuốn hút bởi những câu hỏi: 'Điều gì tạo nên sự thật và điều gì cấu thành nên chân lý'. Tôi luôn tìm kiếm chân lý sâu sắc trong những hình ảnh trong điện ảnh" là những gì Werner Herzog, đạo diễn điện ảnh nổi tiếng người Đức nói về điện ảnh. Và thật đáng tiếc, nếu những chân lý ấy bị lướt qua một cách mờ nhạt trong các đoạn review phim, sau tất cả những gì khán giả cảm nhận được chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận