'Tây du ký đã nuôi sống một nửa giới giải trí Hoa ngữ'
"Tây du ký" nhiều lần được chuyển thể lên màn ảnh, ở cả điện ảnh và truyền hình, nhưng không thể vượt qua cái bóng quá lớn của bản ra mắt năm 1986.
"Tây du ký nuôi sống nửa giới giải trí" là câu bình luận nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc được QQ trích dẫn lại. Điều này cho thấy việc sản xuất các tác phẩm điện ảnh, truyền hình lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Tây du ký có số lượng nhiều, song chất lượng chưa đạt được như kỳ vọng của khán giả.
Gần nhất, ngày 17/6, tác phẩm Đại Thánh vô song ra mắt, tiếp tục là một thất bại mới của dòng phim này.
Liên tiếp có phim về đề tài Tây du ký
Sina đưa tin Tây du ký bản ra mắt năm 1986 là tác phẩm được chiếu lại nhiều nhất tại Trung Quốc với hơn 3.000 lần. Đối tượng khán giả của bộ phim có cả người già, trẻ em, ở mọi ngành nghề, lứa tuổi. So với ba tác phẩm khác, cũng nằm trong tứ đại danh tác gồm Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử và Hồng lâu mộng, phim chuyển thể từ tác phẩm của Ngô Thừa Ân có sức ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều.
Sina giải thích về lý do khán giả Trung Quốc yêu mến Tây du ký trong suốt hơn 30 năm qua, trong đó, nguyên nhân lớn nhất là tính lạc quan, ý nghĩa nhưng đậm tính giải trí mà phim truyền tải phù hợp với mọi đối tượng khán giả.
Theo khảo sát của CCTV năm 1987, có tới hơn 85% khán giả Trung Quốc đã xem Tây du ký. Trong 30 năm qua, có thêm hàng trăm phiên bản Tây du ký mới được ra mắt. Câu chuyện về hành trình thỉnh kinh, đánh bại yêu quái của thầy trò Đường Tăng trở nên quá quen thuộc với khán giả.
Tuy nhiên, do nhân vật trong Tây du ký có tính đại chúng, nội dung "đánh yêu trừ quái" dễ thu hút khán giả đã khiến các nhà sản xuất liên tục thực hiện các bộ phim thuộc chủ đề này.
Tháng 4, bộ phim hoạt hình Tây du ký: Tái thế yêu vương ra mắ khán giả. Đầu tháng 6, vua hài Hong Kong Châu Tinh Trì cho biết sẽ thực hiện bộ phim Tề Thiên Đại Thánh (The Monkey King) bản hoạt hình cho Netflix. Tác phẩm ra mắt vào năm 2023.
Đây không phải lần đầu Châu Tinh Trì sản xuất các tác phẩm liên quan đến Tây du ký. Vua hài Hong Kong từng thành công với hai phần phim Đại thoại Tây Du (1995), Tây du ký mối tình ngoại truyện 1: Hàng ma thiên (2013) và Tây du ký mối tình ngoại truyện 2 (2017). Các tác phẩm này có doanh thu cao lên tới hàng tỷ NDT.
Vài năm trở lại đây, bên cạnh việc chiếu lại Tây du ký 1986 vào các dịp hè. Năm nào cũng có tác phẩm lấy đề tài liên quan tới Tôn Ngộ Không, Đường Tăng được công chiếu.
Ngày 17/6, iQiYi ra mắt phim điện ảnh Đại Thánh vô song. Năm 2020, đại diễn Hong Kong Vương Tinh cũng thực hiện Tây du ký: Đại chiến động Bàn Tơ. Năm 2018, có tác phẩm Tây du ký: Nữ nhi quốc. Năm 2017 có Ngộ Không truyện.
Đặc biệt, năm 2016, có tới bốn tác phẩm liên quan đến bốn thầy trò Đường Tam Tạng là Đại thoại Tây du 3: Yêu người một vạn năm, Tây Du Ký: Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, Đại Đường Huyền Trang, Ngộ Không (hoạt hình).
Nhiều phiên bản Tôn Ngộ Không khác nhau được thể hiện trên màn ảnh nhưng không ghi được dấu ấn với khán giả
Dù liên tiếp ra mắt các tác phẩm chuyển thể từ Tây du ký nhưng hầu hết đều gây thất vọng, dù được đầu tư mạnh tay về kỹ xảo, các tác phẩm đều bị chê về nội dung, sức sáng tạo bế tắc.
Hơn 30 năm trôi qua, vẫn chưa có bộ phim nào vượt qua được cái bóng lớn của Tây du ký 1986, chưa có phim nào gây ấn tượng mạnh về cách xây dựng hình tượng thầy trò Đường Tăng và hành trình thỉnh kinh đầy sóng gió.
Bế tắc trong sáng tạo
Với sự thất bại của phim hoạt hình Tây du ký: Tái thế Yêu Vương, QQ đánh giá nguyên nhân phim không được đón nhận là những câu chuyện về các nhân vật như Tôn Ngộ Không, Đường Tăng, Na Tra, Bạch Xà đều quá quen thuộc với khán giả, khó tìm được nội dung mới mẻ, sáng tạo khiến công chúng trầm trồ ngạc nhiên. Hiện tại, người xem vẫn chỉ khen ngợi kỹ xảo hoạt hình đẹp mắt là chủ yếu.
Để vượt qua cái bóng của tác phẩm kinh điển năm 1986 rất khó. Khi đầu tư, nhà sản xuất muốn đổi mới nội dung. Song do sức sáng tạo của các biên kịch, đạo diễn hạn chế, dẫn tới những phiên bản gây tranh cãi như Đại Thánh vô song (2021), Tây du ký: Đại chiến động Bàn Tơ (2020), Đại thoại tây du 3 (2016), Tây Du Ký: Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh (2016), Tề Thiên Đại Thánh (2002), Tây du ký hậu truyện (2000)...
Nội dung các tác phẩm này bị cải biên quá mức, gây ra tranh cãi dữ dội như Tôn Ngộ Không phải lòng hồ yêu, Tôn Ngộ Không có mối tình với Bạch Cốt Tinh, Sa Tăng phải lòng yêu tinh nhện, Đường Tăng nói nhiều... Sự bế tắc trong sáng tạo gây ức chế cho khán giả. Nhiều phim bị đánh giá là hài nhảm, chất lượng kém, nhân vật bị bóp méo, không còn giữ được giá trị cốt lõi của tác phẩm.
Một điểm thu hút khác của loạt phim Tây du ký còn là những trận chiến giữa Đại Thánh và yêu quái. Ở phiên bản 1986, khán giả chấp nhận kỹ xảo sơ sài vì vấn đề kinh phí, kỹ thuật. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm, nhiều bộ phim mới về Tây du ký vẫn không có được kỹ xảo như khán giả kỳ vọng.
Theo 163, vẫn có những tác phẩm chuyển thể từ Tây du ký có nội dung hay, cảm động như phim hoạt hình Đại Thánh trở về (2015), nhưng số lượng này ít hơn nhiều so với những "rác phẩm" được ra mắt.
Nhiều năm trôi qua, với quá nhiều sự thất bại và bế tắc trong sáng tạo, đề tài Tây du ký cũng trở nên kém sức hút với khán giả.
"Không thể phủ nhận truyện thần thoại Trung Quốc có sức hấp dẫn với cả người lớn và trẻ nhỏ, Tây du ký tôi có thể xem lại hàng trăm lần không biết chán, nhưng vẫn mong chờ một nội dung mới mẻ hơn, những nhân vật chưa xuất hiện bao giờ như Hồ Ba trong Truy lùng quái yêu hay Đại ngư hải đường", "Phim về Tây du ký ngày càng chán vì những biến thể kỳ quái, xa rời bản gốc và bế tắc trong ý tưởng sáng tạo", là đánh giá của khán giả trên QQ.
Tin nổi bật
Tin Video