Giải trí

Sách ảnh về tranh tường Khmer Nam bộ

Nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình dành hơn 10 năm để hoàn thành sách ảnh "Tranh tường Khmer Nam bộ".

07/11/2020 11:16

Sách đi sâu vào tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, nội dung, nghệ thuật và đặc điểm, tính chất của tranh tường Khmer. Tác phẩm còn đề cập đến nghề vẽ tranh tường do các thế hệ nghệ nhân Khmer tạo tác nội - ngoại thất ở một số chùa tháp Phật giáo Nam tông Khmer tại tỉnh An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang...

Sách ảnh về tranh tường Khmer Nam bộ - Ảnh 1.

Tập sách Tranh tường Khmer Nam bộ của nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình. Sách được ra mắt trong buổi giao lưu "Tìm về di sản mỹ thuật truyền thống Nam bộ" sáng 1/11, tại Đường sách TP HCM(Ảnh: NXB Văn hóa - Văn nghệ TP HCM)

Bị thu hút bởi vẻ đẹp của kiến trúc mỹ thuật chùa tháp Khmer trong một chuyến du lịch Sóc Trăng, Huỳnh Thanh Bình tìm hiểu về tranh kiếng và tranh tường. Chị cho biết thích lĩnh vực mỹ thuật Phật giáo, nhất là các thần tiên và linh vật ở các chùa chiền. "Tìm hiểu về lai lịch các chư vị là tiền đề để tôi tìm hiểu tranh tượng ở chùa tháp Khmer Nam bộ. Nhờ đó mà tôi đã hoàn thành luận văn Tranh kiếng Khmer và sau đó là bản thảo sách Tranh tường Khmer Nam bộ ra mắt bạn đọc", chị nói.

Để hoàn thành sách, Huỳnh Thanh Bình phỏng vấn nhiều sư thầy và dân địa phương, đồng thời, nghiên cứu thêm kinh sách Tây Tạng, kinh sách của Phật giáo Nam tông. Chị nói: "Các sư thầy và nghệ nhân chỉ dẫn rất nhiệt tình. Ở đâu, tôi cũng có được những cuộc trò chuyện ân cần và tình cảm, là động lực lớn để tôi theo đuổi việc nghiên cứu".

Sách ảnh về tranh tường Khmer Nam bộ - Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và con gái - nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình tại buổi giao lưu sáng ngày 1/11 (Ảnh: NXB Văn hóa - Văn nghệ TP HCM)

Huỳnh Thanh Bình sinh năm 1985, hiện công tác tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, có các sách đã xuất bản: Tranh kiếng Nam bộ (2013); Biểu tượng thần thoại về chư thiên và linh vật Phật giáo (2018)... Chị là con gái của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng – tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về phong tục tập quán, văn hóa dân gian Nam bộ như Hát sắc bùa Phú Lễ, Ông Địa - tín ngưỡng và nghi lễ, Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần... Chị nói: "Bố tôi dành nhiều năm tìm hiểu về văn hóa Khmer Nam bộ, song đối tượng chính của ông là văn học dân gian Khmer và thêm vào đó là các loại hình sân khấu. Vì vậy, ông khuyên tôi nên đi sâu vào lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, vốn bố rất thích nhưng chưa làm được".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận