"Hội anti Hải Tú Trà Xanh" chiếm lượng anti-fan khủng, vượt mặt Hương Giang
Hải Tú là sao có lượng anti-fan "khủng” nhất trên mạng xã hội. Vấn đề pháp lý đối với các hội, nhóm anti vẫn chưa thể giải quyết triệt để.
Những ngày gần đây, 3 cái tên Sơn Tùng M-TP, Thiều Bảo Trâm và Hải Tú "trà xanh" đang chiếm lĩnh thứ hạng tìm kiếm cao nhất trên mạng xã hội. Theo đó, Sơn Tùng M-TP và Thiều Bảo Trâm được cho là đã “đường ai nấy đi" vì người thứ ba.
Ngay lập tức, hàng chục nhóm anti Hải Tú với lượng thành viên "khủng". Thậm chí, nhóm có tên "Hội atnti Hải Tú Trà Xanh" đạt kỷ lục với 264,1 nghìn thành viên, "vượt mặt" Hương Giang 101.000 người và trở thành nghệ sĩ có lượng anti-fan đông đảo nhất thời gian gần đây. Hiện, con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Lượng anti-fan Hải Tú nhiều áp đảo so với Hương Giang
Nội dung các bài viết trong group này ném đá nữ diễn viên sau khi Sơn Tùng M-TP và Thiều Bảo Trâm vướng nghi vấn chia tay. Hầu hết các bài viết đều xoay quanh chuyện đả kích Hải Tú. Họ đăng tải hình ảnh cô thân mật với giọng ca gốc Thái Bình và cho rằng chính nữ diễn viên là người xen vào mối quan hệ tình cảm của Thiều Bảo Trâm.
Ngoài ra, một số tài khoản còn đăng tải một số bức ảnh hở bạo được cho là của Hải Tú và kêu gọi mọi người báo cáo trang cá nhân của người đẹp sinh năm 1997.
Hải Tú tên đầy đủ là Lê Quang Hải Tú, sinh năm 1997. Cô được công chúng chú ý nhiều hơn khi trở thành nữ diễn viên độc quyền đầu tiên thuộc công ty của Sơn Tùng M-TP. Kể từ khi trở thành “gà cưng” của giọng ca "Em của ngày hôm qua", cô xoá sạch các khoảnh khắc trước đó và chỉ để lại hình ảnh sau khi tham gia vào công ty.
Trước khi vướng ồn ào là người thứ ba, Hải Tú cũng từng bị phản ứng vì thái độ ngôi sao. Cụ thể, khi xuất hiện trong một họp báo, hot girl sinh năm 1997 giữ gương mặt lạnh lùng, có phần thờ ơ với báo chí. Cô cũng không tỏ ra thân thiện và hiếm khi cười trong suốt quá trình dự sự kiện. Hiện, Hải Tú cũng như Sơn Tùng vẫn chưa phản hồi về ồn ào nói trên.
Cách đây vài tháng, trào lưu antifan bùng nổ mạnh mẽ tại Việt Nam. Trong đó, Hương Giang, Lâm Vỹ Dạ, Trấn Thành, Ninh Dương Lan Ngọc… là các nghệ sĩ Việt từng bị lập group anti. Trong đó, Hương Giang từng tuyên bố mời công an đến làm việc với antifan.
Đáng nói, các nhóm anti còn tinh vi hơn khi không nhắc đích danh mà chỉ sử dụng từ lóng, viết tắt hoặc nickname họ tự đặt cho nghệ sĩ, ví dụ như "nữ hoàng đạo lý", "nhà văn X", "anh tối", "chị Dậm"… để nói xấu. Vì vậy, đến hiện tại, những nền tảng như Facebook vẫn chưa thể kiểm soát được loại nội dung này, dù các hội, nhóm anti xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội.
Trong khi đó, trào lưu antifan ở US-UK đã xuất hiện nhiều từ những năm 2000 - Mỹ khi một nhóm người tuyên bố tuyệt thực để kêu gọi chương trình American Idol loại thí sinh họ căm ghét là Sanjaya Malakar ra khỏi cuộc thi.
Sau đó, hàng loạt các nhóm anti người nổi tiếng như: Rachael Ray Sucks (anti các đầu bếp truyền hình Mỹ), Wretched Beast (anti Elizabeth Swann, nhân vật của Keira Knightley trong phim Cướp biển vùng Caribbean) và Jodiemush (anti VĐV, người mẫu Jodie Marsh)… liên tục được tạo lập.
Khác Việt Nam, trên thế giới cuộc đối đầu giữa nghệ sĩ và các nhóm anti từng được xử lý theo pháp luật. Còn nhớ, tháng 5/2020, Bruce Goldberg, một nghệ sĩ lồng tiếng người Australia, đã được bồi thường 35.000 USD tiền thiệt hại sau khi bị bôi nhọ tên tuổi bởi một bài đăng trong nhóm Facebook cộng đồng có tên Rose Bay ở Sydney.
Năm 2018, Alice Voigt, quản trị viên của nhóm kín Rose Bay, đã đăng bài nói rằng Goldberg là một "kẻ bám đuôi tâm thần" và là "mối nguy đối với phụ nữ". Goldberg cho biết anh đã rất sốc khi đọc bài viết này vì hầu hết dẫn chứng trong đó là bịa đặt.
“Trong vài tuần sau đó, mọi người trên đường phố xì xào và la mắng tôi. Bạn bè, người thân bắt tôi giải thích về sự việc. Tôi nghĩ rằng danh tiếng, uy tín của mình sẽ bị tổn hại hoàn toàn”.
Vụ kiện đã được rất nhiều trang tin, tờ báo đăng tải vì đó có thể là trường hợp đầu tiên một cá nhân kiện nhóm antifan trên mạng xã hội và đòi bồi thường thành công.
Trên thực tế, những cuộc chiến pháp lý tương tự để chống lại việc nói xấu, bôi nhọ trên mạng xã hội phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều. Luật chống phỉ báng, làm tổn hại danh tiếng của người khác được nhiều quốc gia đưa ra. Tuy nhiên để áp dụng cho các nhóm antifan trên mạng lại không dễ dàng.