Tin tức

EU tính tung vũ khí đối phó Trung Quốc 'cưỡng ép kinh tế'

Liên minh châu Âu (EU) được cho sắp tung một "vũ khí thương mại mới, uy lực" có thể khiến Trung Quốc và các quốc gia bị cáo buộc "bắt nạt về kinh tế" không thể tiếp cận một phần thị trường EU.

07/12/2021 09:30

SCMP dẫn một bản dự thảo đề xuất mà tờ báo này tiếp cận được cho biết, EU dự kiến sẽ giới thiệu công cụ thương mại nhằm chống lại việc Trung Quốc "bắt nạt về kinh tế".

Cụ thể, "công cụ chống cưỡng ép" sẽ nhằm vào các quốc gia cố gắng "can thiệp vào các lựa chọn chủ quyền hợp pháp" của EU hoặc một trong 27 quốc gia thành viên "bằng cách áp dụng hoặc đe dọa áp dụng các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại hoặc đầu tư".

Dự thảo liệt kê một loạt các hành động trừng phạt mà EU có thể thực hiện khi họ xác định rằng hành động cưỡng ép đang diễn ra, bao gồm các biện pháp thuế quan, đình chỉ tiếp cận thị trường thông qua việc sử dụng hạn ngạch hoặc giấy phép kinh doanh, và hạn chế tiếp cận các chương trình mua sắm công và thị trường đầu tư.

EU tính tung vũ khí đối phó Trung Quốc 'cưỡng ép kinh tế' - Ảnh 1.

Đề xuất mới của EU có thể ảnh hưởng tới quan hệ thương mại giữa khối và Trung Quốc. Ảnh minh họa: Reuters

Động thái này diễn ra trong bối cảnh vấn đề cưỡng ép kinh tế đã trở thành chủ đề EU quan ngại, sau căng thẳng giữa Lithuania và Trung Quốc gần đây. Bắc Kinh bị cáo buộc chặn xuất khẩu của Lithuania sau khi quốc gia Baltic cho phép đảo Đài Loan lập "Văn phòng đại diện Đài Loan", động thái khiến Trung Quốc "nóng mặt" vì Bắc Kinh luôn coi hòn đảo là lãnh thổ phải thống nhất bằng mọi giá, kể cả dùng vũ lực.

Theo bản dự thảo, các nước bị xác định là có hành vi cưỡng ép kinh tế có thể phải đối mặt với hàng loạt các biện pháp đáp trả của EU như chặn khỏi nguồn cung ứng hàng hóa do các hướng dẫn kiểm soát xuất khẩu của EU điều chỉnh, bị loại ra khỏi các lĩnh vực dịch vụ tài chính hoặc hóa chất quy mô lớn của khối, hoặc phải đối mặt với rào cản khi khai thác thị trường thực phẩm của EU.

Trong bản dự thảo, EU coi đây là biện pháp răn đe và sẽ là phương án cuối cùng, chỉ được sử dụng khi các nỗ lực ngăn chặn hành động bắt nạt đều thất bại.

Đề xuất trên dự kiến được công bố vào ngày 8/12 và được cho là sẽ phải trải qua một quy trình lập pháp kéo dài thông qua Hội đồng châu Âu, các lãnh đạo 27 nước thành viên và Nghị viện châu Âu để được ký thành luật.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận