‘Nền kinh tế bạc’ Trung Quốc: Khi cụ ông, cụ bà tiêu tiền nhiều hơn giới trẻ
Là nước duy nhất trên thế giới có dân số già trên 100 triệu người, Trung Quốc đang tìm cách khai thác tiềm năng ở thị trường "tóc bạc" này.
Tài khoản “Ông ngoại Bối Hải” (Bối Hải gia gia) là một “người dẫn đầu trào lưu” (KOL) trên mạng xã hội Douyin, Trung Quốc. Tự nhận mình là “người đàn ông trẻ 74 tuổi sống cuộc đời mình”, cụ ông này sử dụng nhiều sản phẩm hơn cả các thanh niên – từ dầu thơm, nước hoa, sáp vuốt tóc, đến mặt nạ dưỡng da.
Những quan điểm về cuộc sống của ông thu hút hơn 14 triệu người theo dõi. Trên thế giới mạng Trung Quốc, việc thế hệ lớn tuổi đang ngày càng “trẻ hóa” về mặt tinh thần dường như đã trở thành xu hướng rõ ràng.
Năm 2021, những người trên 50 tuổi chiếm hơn 25% dân số Trung Quốc, điều này cho thấy tiềm năng lớn từ "nền kinh tế bạc". Trung Quốc cũng quốc gia duy nhất trên thế giới có hơn 100 triệu người thuộc bộ phận dân số già.
Theo Equal Ocean, một công ty nghiên cứu đầu tư tại Bắc Kinh, sức tiêu dùng của nhóm “kinh tế bạc” tại đất nước tỷ dân có thể đạt 20 nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 3 nghìn tỷ USD) năm 2030, tăng từ 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 628 tỷ USD) năm 2014.
Những người già thành thị Trung Quốc có cấu trúc thu nhập “hình olive”, với khoảng 71% trong số họ thu nhập từ trung bình đến cao. 41% thu nhập của họ đến từ các nguồn ngoài lương và lương hưu. Dù vậy, các thị trường và thương hiệu lại đang chủ yếu tập trung vào thế hệ trẻ, khiến bộ phận dân số lớn tuổi cảm thấy bị phớt lờ.
Người già chưa hẳn đã không năng động
Với sự phát triển của Internet, sức mua của mọi nhóm đối tượng, trong đó có người cao tuổi ở Trung Quốc, trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhất là khi thói quen tiết kiệm khiến họ đã có một số của cải và giờ họ còn có thêm cả thời gian, khiến nhu cầu tiêu dùng của nhóm này tăng lên.
Theo Trung tâm thông tin mạng internet Trung Quốc, tính đến cuối tháng 6/2021, có 28% cư dân mạng Trung Quốc trên 50 tuổi, tương đương 283 triệu người. Con số này chỉ là 9,4% trong 5 năm trước.
Ngoài ra, trong năm 2020, những người dân trên 60 tuổi ở Trung Quốc sử dụng thời gian trên mạng nhiều hơn khoảng 16 phút mỗi ngày so với những người trên 40 tuổi. Cũng ngày càng nhiều cư dân mạng tóc bạc này chia sẻ về cuộc sống trên mạng xã hội dưới dạng các bài đăng và video hơn.
Internet mở ra tiềm năng tiêu dùng to lớn của nhóm dân số cao tuổi ở Trung Quốc. Hơn 10 triệu người dùng Alipay (một dịch vụ thanh toán online) trên 55 tuổi, trên 30 triệu người dùng Taobao và các nền tảng của T-mall trên 50 tuổi, với mức tiêu dùng hàng năm khoảng 5.000 nhân dân tệ.
Việc sẵn sàng chi tiêu của nhóm dân số già ở Trung Quốc được cho là xuất phát từ hai nguyên nhân: Họ bắt đầu muốn chăm sóc bản thân và họ cũng nhận được sự hỗ trợ của con cái.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã theo đuổi sát sao các mục tiêu để giải quyết tình trạng già hóa dân số. Số người trên 60 tuổi ở nước này rơi vào khoảng 264 triệu, tương đương 18,7% dân số Trung Quốc, theo thống kê năm 2020 được công bố năm 2021, trong khi đó số người từ 65 tuổi trở lên chiếm khoảng 13,5%.
Với quy mô này, năm 2020, thị trường “kinh tế bạc” của Trung Quốc có trị giá 5,4 nghìn tỷ nhân dân tệ - tăng 25,6% từ 4,3 nghìn tỷ nhân dân tệ năm 2019, theo công ty tư vấn Intelligence Research Group có trụ sở tại Bắc Kinh. Và năm 2021, giá trị của nền kinh tế bạc Trung Quốc được dự đoán sẽ mở rộng lên khoảng 5,9 nghìn tỷ nhân dân tệ, sẽ khiến nước này trở thành nơi có thị trường lớn nhất thế giới dành cho người cao tuổi.
Khoảng cách lớn giữa cung và cầu
Các thị trường tại Trung Quốc hiện chủ yếu theo đuổi xu hướng trẻ để phục vụ cho thế hệ Z, khiến cộng đồng người cao tuổi bị bỏ qua ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, sự thật là, nhóm dân số "tóc bạc" ở nước này cũng có nhu cầu đa dạng ở hầu hết các ngành trên thị trường hàng tiêu dùng, chờ được đáp ứng.
Quốc vụ viện Trung Quốc mới đây đã ban hành hướng dẫn nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ tốt hơn cho người già, nằm trong nỗ lực của quốc gia này để giải quyết tình trạng già hóa dân số.
Theo đó, nhằm “nuôi dưỡng tích cực nền kinh tế bạc”, hướng dẫn kêu gọi áp dụng một loạt chính sách hỗ trợ, cải thiện các ngành công nghiệp và dịch vụ để phục vụ nhu cầu đặc biệt của người cao tuổi, cũng như bảo vệ quyền của người cao tuổi.
“Già hóa dân số sẽ là một thực tế lâu dài trong xã hội Trung Quốc, và các ngành công nghiệp đang phát triển chưa phù hợp đối với điều này”, theo Wang Haidong, giám đốc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc.
Theo hướng dẫn này, cơ sở hạ tầng, dịch vụ và chăm sóc sức khỏe cho người già cần được cải thiện, bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế để quản lý hiệu quả hơn các khủng hoảng già hóa dân số toàn cầu. Cung cấp Internet cho người cao tuổi và các dịch vụ liên quan cũng được nhấn mạnh.
Wei Jianguo, Phó Chủ tịch Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, cho biết bất chấp quy mô khổng lồ và nhu cầu cấp thiết của người cao tuổi Trung Quốc, chưa có cơ sở hạ tầng phù hợp cũng như các ngành dịch vụ hỗ trợ để phục vụ họ.
Wei nói: “Những hướng dẫn này được đưa ra vào thời điểm dân số Trung Quốc đang già đi với tốc độ và quy mô chưa từng có. Có thể giải quyết vấn đề già hóa cấp bách hay không và bằng cách nào là chìa khóa cho sự phát triển của toàn xã hội và là nền tảng để có thể xây dựng một quốc gia toàn diện và thịnh vượng”.
Hiện có khoảng 1/5 người từ 60 tuổi trở lên ở Trung Quốc sử dụng thiết bị di động và ứng dụng điện thoại, theo một báo cáo được công bố vào tháng 7.
“Nền kinh tế thông minh, với các sản phẩm và dịch vụ điển hình như trợ lý robot, lái xe không người lái và giám sát tại nhà, cũng sẽ trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế bạc”, báo cáo cho biết.
“Vẫn còn khoảng cách lớn giữa cung và cầu trong các lĩnh vực như dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, giải trí người cao tuổi, tài chính người cao tuổi và giáo dục người cao tuổi. Với mức độ già hóa dân số ngày càng sâu sắc ở Trung Quốc, những khu vực này sẽ trở thành những thị trường phát triển nhanh chóng của nền kinh tế bạc”, theo báo cáo.
Tin nổi bật
Tin Video