Kinh tế và Phát triển

Hạ Hòa trên con đường giảm nghèo bền vững

(VOVTV) - Ở huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ), Ấm Hạ là một trong những xã tiêu biểu đạt được những khởi sắc lớn trong công tác giảm nghèo.

Tác giả Đàm Trượng
29/09/2024 13:26

Qua nhiều năm kể từ khi thực hiện Chương trình giảm nghèo, công tác truyền thông được xã Ấm Hạ thực hiện tích cực, có nhiều sáng tạo về hình thức và phương pháp tuyên truyền sâu rộng, kịp thời và hiệu quả qua nhiều hình thức như hội nghị, lớp tập huấn, phát hành tờ rơi, kẻ vẽ pano, khẩu hiệu..., qua đó, tạo ra sự chuyển biến về nhận thức, phát huy việc tham gia tích cực của các ngành, các cấp và nhân dân đối với công tác giảm nghèo.

Hạ Hòa trên con đường giảm nghèo bền vững- Ảnh 1.

Sản phẩm ván ép nội thất đạt tiêu chuẩn quản lý môi trường, quản lý chất lượng ISO 9001-2015 ở Công ty TNHH Trúc Mai Phú Thọ (Khu 2 xã Ấm Hạ)

Trở lại năm 2021, tổng số hộ nghèo tại Ấm Hạ là 118 hộ (chiếm 9,35%), hộ cận nghèo là 94 hộ (tỷ lệ 7,45%), số hộ thoát nghèo 13 hộ, thoát cận nghèo 28 hộ.

Tuy nhiên sang đến năm 2022 đã có chuyển biến. Số hộ nghèo ghi nhận 106 hộ (giảm 1,17% về còn 8,18%). Tổng số hộ cận nghèo là 87 hộ (tỷ lệ 6,71%, giảm 0,73%). Số hộ thoát nghèo là 21 hộ, số hộ thoát cận nghèo là 25 hộ.

Trong năm ngoái, tiếp đà tích cực, tổng số hộ nghèo ở Ấm Hạ giảm còn 93 hộ (tỷ lệ 7,1%, giảm 1%). Tổng số hộ cận nghèo cũng giảm xuống còn 85 hộ (tỷ lệ 6,49%, giảm 0,22%). Năm 2023 cũng đã có thêm 24 hộ thoát nghèo và 28 hộ thoát cận nghèo.

Để có được những chuyển biến đó, chế độ chính sách do người nghèo là một trong những mục tiêu được Ấm Hạ quan tâm. Chế độ chính sách cho người nghèo được đáp ứng đầy đủ hàng năm, thông qua các mức hỗ trợ về tiền điện, hỗ trợ giáo dục đào tạo, hỗ trợ trong dịp Tết Nguyên đán cũng như hỗ trợ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội. Qua đó, tạo thêm điều kiện cho người dân cải thiện đời sống kinh tế.

Bên cạnh đó, UBND xã Ấm Hạ đã triển khai nhiều mô hình dự án như hỗ trợ phân bón của huyện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023, dự án nuôi bò cái sinh sản năm 2024 cũng như dự án xóa nhà tạm cho các hộ nghèo (từ năm 2021 đến hết tháng 6/2024 là 13 nhà với tổng kinh phí 407 triệu đồng).

Nói đến phát triển kinh tế tại Ấm Hạ, không thể không nhắc đến sự phát triển của các làng nghề, doanh nghiệp. Trên địa bàn xã hiện có trên địa bàn toàn xã có 17 công ty, doanh nghiệp và hơn 38 cơ sở sản xuất ván bóc, xẻ thanh, ngoài ra còn các cơ sở sản xuất như gia công cơ khí, sửa chữa ô tô, sản xuất đồ mộc, đồ dân dụng, may mặc và các ngành nghề phụ. Nhưng cơ sở này đã đóng góp một phần đáng kể làm tăng thu nhập bình quân đầu người của địa phương, tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn xã năm 2023 (ước thực hiện trên 60 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp chiếm trên 60%).

Có thể thấy, với Ấm Hạ, các chỉ tiêu cơ bản về giảm nghèo đều đạt và vượt kế hoạch. Kết quả thực hiện đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực phục vụ cho nhiệm vụ giảm nghèo đã được thực hiện tích cực, góp phần đáng kể vào việc giảm nghèo trên địa bàn xã.

Dù vậy, xã vẫn còn gặp một số khó khăn trong quá trình giảm nghèo. Nguyên nhân do hộ nghèo chủ yếu là người cao tuổi ở một mình, hết tuổi lao động. Ngoài ra, một bộ phận người dân còn có tư tưởng ỷ lại, dựa vào hỗ trợ của Nhà nước, không chủ động, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Ông Phạm Quốc Đại, Chủ tịch UBND xã Ấm Hạ, cho biết: "Chúng tôi đang đề xuất huyện thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ thêm cho cán bộ cơ sở, các cấp có thẩm quyền tăng thêm vốn đầu tư hàng năm như vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh phí dự án giảm nghèo. Ngoài ra, còn cần bổ sung thêm các nguồn vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ sản xuất hay xuất khẩu lao động để đẩy mạnh phát triển kinh tế".

Ý kiến của bạn