Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới
Năm 2024, tiếp đà tăng trưởng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong thu hút vốn Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo đó Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới.
Đây là kết quả của sự nỗ lực trong quá trình hoàn thiện chính sách thu hút vốn, công tác xúc tiến thương mại thời gian qua.
Trong bối cảnh đầu tư thế giới đều suy giảm, Việt Nam lại "ngược dòng" trong thu hút vốn đầu tư FDI . Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 01 bậc so với năm 2023.
Có được kết quả này là do môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta tiếp tục được cải thiện, góp phần củng cố niềm tin, tâm lý cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương nhấn mạnh, nước ta đã và đang thu hút được những luồng vốn FDI một cách có chất lượng: "Nghị quyết 50 về Chiến lược thu hút FDI trong giai đoạn mới, chúng ta đặt mục tiêu không chỉ thu về số lượng và hướng đến FDI chất lượng từ các công ty đa quốc gia nằm trong top 500, từ những nước phát triển. Chúng ta chỉ làm được việc đấy khi kiên định mục tiêu của mình và đặt mục tiêu phát triển ổn định và phát triển bền vững lên cao".
Còn theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, có được những bước tiến này là những kết quả xứng đáng, phản ánh đúng sự cố gắng, nỗ lực của Việt Nam trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kêu gọi và xúc tiến đầu tư trong thời gian qua. Tuy nhiên nếu muốn thu hút FDI mạnh hơn nữa, cần nhất là giải quyết vấn đề tiêu chí trong thu hút FDI bền vững, xây dựng công nghiệp xanh.
"FDI hiện nay chủ yếu đầu tư vào các khu công nghiệp dưới dạng đầu tư công nghiệp sinh thái, tôi thấy cũng bắt đầu manh nha. Tuy nhiên thì họ cũng đang thiếu các tiêu chí khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam. Một vấn đề nữa là quan tâm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, xây dựng- bây giờ cũng yêu cầu là phải công trình xanh. Vừa rồi Luật Nhà ở cũng đã ban hành các tiêu chí liên quan đến công trình xanh" - ông Lực cho biết.
Các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, để đón đầu các dự án FDI thế hệ mới, các khu công nghiệp cần chú trọng phát triển môi trường xanh, quan tâm đến ESG, giảm phát thải carbon… Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra là việc phát triển khu công nghiệp xanh, hạ tầng xanh không chỉ là yêu cầu để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường mà còn trở thành lợi thế cạnh tranh.
Tin nổi bật
Tin Video