Cựu cảnh sát 2 lần bị lừa tình trên mạng, mất gần 16 tỷ đồng
Từng là cảnh sát đặc nhiệm nhưng bà Anne vẫn bị lừa tình, lừa tiền trên mạng xã hội, khiến toàn bộ tiền tiết kiệm 500 nghìn bảng Anh (gần 16 tỷ đồng) "bốc hơi".
Bà Anne, 55 tuổi, cựu cảnh sát đặc nhiệm người Anh, góa chồng năm 2019, ông để lại khoản chu cấp đáng kể. Bà sở hữu căn hộ bốn phòng ngủ trị giá 170 nghìn bảng (tương đương 5,4 tỷ đồng) ở Hornsea, và khoảng 500 nghìn bảng Anh tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, phần lớn tài sản của bà đã rơi vào tay 2 kẻ lừa tình trên mạng.
Kẻ lừa đảo đầu tiên tự giới thiệu là Clinton, quân y của Mỹ, đến từ New Jersey và đang phục vụ tại Yemen. Hắn tiếp cận bà Anne qua trang web về nhiếp ảnh của bà. Nhờ cách trò chuyện khéo léo, quan tâm, Clinton nhanh chóng giành được sự tin tưởng của cựu cảnh sát đặc nhiệm.
Clinton nói rằng mình đã mất vợ và con gái trong vụ tai nạn xe hơi cách đây 5 năm và đang cần tiền để bắt đầu cuộc sống mới với người con cả sống tại Mỹ. Hắn nhiều lần dùng những câu chuyện cảm động để "vay" tiền bà Anne.
Kẻ lừa đảo thứ hai là "G", tiếp cận bà Anne trên mạng xã hội. G tự nhận mình là diễn viên tham gia hoạt động từ thiện ở Mỹ và rất cần tiền để giúp đỡ trẻ em nghèo khó. Câu chuyện làm bà Anne nhớ tới 6 người cháu đã lâu không gặp do giãn cách xã hội. Một lần nữa, bà lại bị kẻ lừa đảo làm cho cảm động và gửi tiền cho G.
Cựu cảnh sát cho biết bà có vấn đề về sức khỏe tinh thần. Nỗi cô đơn vì mất chồng và phải tuân theo các biện pháp giãn cách chống COVID-19 khiến bà dễ dàng tin vào lời dụ dỗ của những kẻ lừa đảo.
“Những người này bắt đầu bằng việc trở thành bạn bè. Sau khi giành được sự tin tưởng của bạn, họ sẽ chỉ yêu cầu một số tiền nhỏ. Sau nhiều lần lặp lại, bạn sẽ nhận ra rằng mình chẳng còn gì cả”, bà Anne nói về thủ đoạn của những kẻ lừa đảo trên mạng.
Khi số tiền hai “người bạn trên mạng” vay mượn ngày càng nhiều, bà Anne bắt đầu nghi ngờ. Lúc này, kẻ lừa đảo thứ nhất tung chiêu hứa hẹn đám cưới.
"Một trong số họ bắt đầu bày tỏ ý muốn kết hôn với tôi, hắn hứa sẽ tổ chức một đám cưới lớn với 100 khách mời”, bà Anne kể. Do cảm thấy hành vi của Clinton đáng ngờ nên bà chặn hắn trên mạng.
Nhưng chỉ đến khi G khuyên Anne bán nhà và xe sau khi "vay" hết tiền tiết kiệm, bà mới nhận ra mình đã bị cả hai “người bạn trên mạng” lừa. Ngay sau đó, bà kiểm tra bảng sao kê tài khoản ngân hàng và nhận ra mình đã chuyển tiền cho Clinton và G quá nhiều lần, mỗi lần lên đến 20 nghìn bảng Anh (tương đương 640 triệu đồng).
“Tôi không thể tin nổi”, bà Anne bàng hoàng trước số tiền mình đã gửi cho Clinton và G.
Bà không thể nhớ chính xác thời điểm những kẻ lừa đảo bắt đầu đòi tiền. Nhưng các báo cáo của ngân hàng cho thấy việc chuyển tiền bắt đầu vào cuối tháng 1/2020, thời điểm nơi bà sống tăng cường giãn cách để chống dịch COVID-19, sau đó giảm dần vào tháng 11, khi số tiền tiết kiệm cuối cùng của bà bị rút hết. Hiện bà không còn hy vọng lấy lại tiền và phải làm thêm để trang trải cuộc sống.
Bà Anne tin rằng Cliton và G là thành viên của mạng lưới tội phạm quốc tế lớn chuyên lừa đảo trên mạng. Đơn vị phụ trách tội phạm kinh tế thuộc sở cảnh sát Humberside đang điều tra vụ việc.
“Những tên tội phạm chuyên nghiệp này là bậc thầy thao túng để lừa gạt nạn nhân. Một khi tiền được chuyển ra khỏi Vương quốc Anh, rất khó để lần theo dấu vết và tìm ra thủ phạm, vì vậy hầu như không có cơ hội đưa chúng ra trước công lý”, sĩ quan cảnh sát Ben Robinson cho biết.
Theo Action Fraud, Anh đã ghi nhận 6.758 báo cáo về các vụ lừa tình, với tổng thiệt hại lên tớ 68,2 triệu bảng Anh chỉ trong năm 2020. Trong hai tháng đầu năm 2021, có 1.381 báo cáo về các vụ việc tương tự, thiệt hại các của nạn nhân là 12,2 triệu bảng Anh.
Thống kê cho thấy nạn nhân của các vụ lừa tình tăng 18% trong thời gian Anh phong tỏa vì dịch COVID-19.
Tin nổi bật
Tin Video