9 bộ trang phục dân tộc từng được người đẹp Việt Nam mang đến Miss Grand International
"National Costume - Trang phục dân tộc" là một phần thi hấp dẫn, đầy màu sắc được khán giả thích thú và mong chờ tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế nói chung và Miss Grand International - Hoa hậu Hòa bình Quốc tế nói riêng.
Tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế nói chung và Miss Grand International - Hoa hậu Hòa bình Quốc tế nói riêng, "National Costume - Trang phục dân tộc" là một phần thi hấp dẫn, đầy màu sắc được khán giả thích thú và mong chờ nhất bởi các thí sinh sẽ trình diễn những trang phục được thiết kế, sáng tạo, cách điệu dựa vào những nét truyền thống, văn hóa của dân tộc mình.
Bích Khanh - 2013
Miss Grand International - Hoa hậu Hòa bình Quốc tế được tổ chức lần đầu tiên tại Thái Lan vào năm 2013. Bích Khanh là đại diện đầu tiên của Việt Nam "chinh chiến" tại sân chơi này. Hình ảnh đại diện Việt Nam với trang phục áo dài thướt tha và chiếc nón lá truyền thống đã để lại hình ảnh đẹp trong lòng khán giả.
Trang phục áo dài của Bích Khanh được NTK Thuận Việt may từ chất liệu lụa. Phần thân áo có những họa tiết hoa sen, lá sen thêu tay vô cùng tỉ mỉ. Trang phục dân tộc của Bích Khanh mang tính dân tộc, giản dị và toát lên được cái hồn dân tộc.
Cao Thùy Linh - 2014
Trang phục dân tộc “Áo dài Cửu Long” của NTK Tuấn Hải do Cao Thùy Linh mang đến cuộc thi Miss Grand International 2014 đã đạt được giải thưởng Trang phục dân tộc đẹp nhất – Best National Costume lúc bấy giờ.
"Bộ cánh" được thiết kế cầu kỳ với họa tiết rồng, trống đồng, hoa văn cung đình được thêu tay tỉ mỉ, ấn tượng. Phần tà gồm 9 sắc màu lộng lẫy với tông màu đỏ, đen, vàng chủ đạo, tượng trưng cho dòng sông Cửu Long, mang ý nghĩa 9 con rồng vươn ra biển lớn.
Có thể nói với danh hiệu cao quý đạt được ở một giải trưởng quan trọng tại cuộc thi, Cao Thùy Linh không chỉ mang về niềm vui cho người hâm mộ, mà còn làm rạng danh vẻ đẹp của hồn dân tộc qua chiếc áo dài mang đậm bản sắc văn hóa.
Lệ Quyên - 2015
Tại đấu trường sắc đẹp Miss Grand International 2015, Lệ Quyên chọn trang phục truyền thống được lấy cảm hứng từ phục trang của dân tộc Dao.
Đặt tên bộ trang phục là “Màu Dao đỏ”, NTK Võ Việt Chung mang đến một sự gắn kết về truyền thống cùng với những tinh hoa của dân tộc.
“Màu Dao đỏ” thể hiện trang phục Việt Nam qua một số giai đoạn, từ dải lụa dệt họa tiết hoa trước thân áo tái hiện lại chiếc khố của người Việt cổ, được thể hiện lại một cách tinh tế hơn với họa tiết hoa phảng phất hình ảnh thiên nhiên của vùng núi phía Bắc, đến chiếc yếm đào mặc với váy của người Bắc Bộ và hai sắc màu đỏ - đen của trang phục là màu sắc đặc trưng trong trang phục của người Dao.
Sự kết hợp của ngọc phỉ thúy lên trang sức đi cùng cũng là nét “chấm phá” tinh tế cho bộ trang phục. NTK Võ Việt Chung đã dùng loại ngọc này kết hợp thành trang sức đeo ở cổ và điểm trên khăn vấn đầu. Đó cũng là một sự kết hợp giữa khăn mỏ quạ cùng với khăn đội đầu của người Dao.
Nguyễn Thị Loan - 2016
Nguyễn Thị Loan là cái tên được thay thế Yến Nhi dự Miss Grand International 2016. Tại cuộc thi, Nguyễn Thị Loan mang đến bộ trang phục cách tân từ áo tứ thân của phụ nữ Bắc Bộ xưa, đã lọt vào Top 10 trang phục dân tộc đẹp nhất.
Trang phục dân tộc của Nguyễn Thị Loan được làm vỏn vẹn chỉ trong vòng 5 ngày nhưng vẫn mang đủ hồn cốt của dân tộc và đủ sức tỏa sáng tại Miss Grand International 2016. NTK Vũ Việt Hà đã đem thông điệp hòa bình, sự bình an, nhân hậu vào trong chính trang phục dân tộc do mình thiết kế.
Trong trang phục cách tân áo tứ thân của Bắc Bộ cùng nón quai thao dịu dàng, tập trung vào chi tiết chim bồ câu, hoa sen để làm nổi bật thông điệp đẹp đúng nghĩa và phù hợp với cuộc thi mà Nguyễn Thị Loan tham gia.
Nguyễn Trần Huyền My - 2017
Năm 2017, Việt Nam là nước đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế tại Phú Quốc, và show trình diễn trang phục dân tộc diễn ra tại tỉnh Quảng Bình. Trong năm đó, đại diện nước chủ nhà – Nguyễn Trần Huyền My mặc áo dài đỏ, lấy ý tưởng từ hoa văn và nghệ thuật cung đình Huế. Bộ Trang phục cũng được bình chọn vào Top 10 trang phục dân tộc đẹp nhất.
Những hoa văn thời Nguyễn được thêu chỉ vàng một cách khéo léo, lồng ghép phối cùng chất liệu gấm làm cho chiếc áo dài thêm kiêu sa và quý tộc.
Để thực hiện trang phục này từ bản phác thảo đầu tay, rồi chọn chất liệu qua khâu xử lý nhuộm vải cho ra một chất liệu khá đặc biệt mang phong cách hoàng gia, cuối cùng lên phom dáng dựng và ráp thì NTK Ngô Nhật Huy mất hơn 3 tháng để hoàn tất.
Bùi Phương Nga - 2018
Bộ quốc phục được Á hậu Phương Nga lựa chọn mang đến Miss Grand International có tên gọi “Ngũ Phụng Tề Phi”, tông chủ đạo của bộ trang phục là màu vàng cung đình, được sử dụng với chất liệu gấm kết hợp với lụa truyền thống ấn tượng.
"Ngũ Phụng Tề Phi" được lấy cảm hứng từ chim phụng, một loài chim trong tứ linh của văn hóa Phương Đông. Chim phụng là loài chim tượng trưng cho những người phụ nữ quyền quý ngày xưa với đức hạnh, duyên dáng và thanh nhã. Với hình ảnh 5 con phụng hay còn gọi là ngũ phụng còn mang ý nghĩa về những điều tốt đẹp nhất với sự mạnh mẽ, quyền lực và đầy khí chất trong văn hóa Việt Nam triều Nguyễn.
Sự kết hợp giữa ngũ phụng và pháp lam Huế trên áo dài chính là sự kết hợp độc đáo không chỉ thể hiện sự uy quyền, mạnh mẽ mà còn giúp Á hậu Phương Nga giới thiệu văn hóa Việt Nam với nét văn hóa đặc trưng triều Nguyễn đến với bạn bè quốc tế. Bộ trang phục đã được lựa chọn vào Top 12 Trang phục dân tộc đẹp nhất.
Kiều Loan - 2019
Trang phục dân tộc của Kiều Loan tại đấu trường sắc đẹp Miss Grand International được lấy cảm hứng từ Chùa Cầu và đêm Hội An huyền diệu. Đây cũng chính là quê hương của Á hậu Kiều Loan - Quảng Nam, và cũng là một trong những danh thắng nổi bật, giàu giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Bộ trang phục được đính kết bằng pha lê tạo hiệu ứng bắt sáng, cùng các chi tiết như mấn và cầu vai được mạ ánh vàng.
Điều đặc biệt hơn là hơn 2.000 bóng đèn led được đính vào thân áo, nhằm tái dựng hình ảnh Hội An về đêm sống động, lung linh, huyền ảo.
Bộ trang phục tiếp tục lọt vào Top 10 trang phục dân tộc ấn tượng nhất.
Ngọc Thảo - 2020
Đại diện của Việt Nam tại Miss Grand International 2020 – Á hậu Nguyễn Lê Ngọc Thảo gây ấn tượng trong phần thi trang phục dân tộc với bộ trang phục mang tên “Lá ngọc cành vàng” của NTK Tín Thái.
Trang phục bao gồm phần mấn, boots, bodysuit và phần cánh. Chiếc mấn được cách điệu bởi hình tượng nhành cây và rừng hoa mang ý nghĩa khởi sắc và lan tỏa. Phần boots được đính bởi hàng nghìn chiếc lá óng ánh. Vì tính chất và cảm hứng lộng lẫy của bộ trang phục, hiệu ứng sân khấu và thị giác sẽ được khai thác triệt để. Để thiết kế lên bộ trang phục, NTK đã sử dụng nguyên liệu gốc và truyền thống là các cành vàng, lá ngọc mang yếu tố bắt sáng tốt trên phần cánh.
Bên cạnh đó, NTK Tín Thái còn đính kết hơn hàng trăm mảnh gương vàng, hàng nghìn mảnh kim sa và pha lê trên thân áo bodysuit để không những mang hiệu ứng ánh sáng tốt về hình ảnh, mà còn góp phần tăng hiệu ứng thị giác tại sân khấu trực tiếp. Được biết bộ quốc phục được thực hiện chỉ trong vòng 5 ngày và có sức nặng lên đến gần 30kg.
Thùy Tiên - 2021
Trên trang cá nhân mới đây, Nguyễn Thúc Thùy Tiên vừa chia sẻ về ý tưởng của trang phục dân tộc mà cô và ekip đang lựa chọn để mang tới Miss Grand International 2021.
Với trang phục "Thiên thần", đây là thiết kế hình tượng hóa những "chiến binh xanh" trong trang phục bảo hộ chống Covid-19. Không chỉ riêng Việt Nam, mà "Thiên thần" còn là lời biểu dương và tri ân sâu sắc nhất đến ngành y học thế giới trong trận chiến không chút ngơi nghỉ suốt hơn 1 năm qua.
Điểm nổi bật của thiết kế này chính là chiếc mấn tựa như ánh hào quang, đôi cánh dang rộng như những thiên thần cứu thế cùng găng tay boxing, sẵn sàng "knock down" đại dịch. Bên cạnh đó, phía sau bộ trang phục là đôi rắn mạ vàng quấn quanh ống tiêm Vaccine tạo thành biểu tượng của ngành y.
Nhiều người kỳ vọng Thùy Tiên sẽ tỏa sáng trên đấu trường sắc đẹp quốc tế này diễn ra vào cuối năm nay tại Thái Lan.
Tin nổi bật
Tin Video