Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến lược 'zero Covid' và tự cách ly phòng dịch đến khi nào?
Cho tới nay, Trung Quốc vẫn kiên định theo đuổi chiến lược "zero Covid" dù họ đã kiểm soát tốt dịch bệnh và tiêm chủng cho gần hết dân số của mình. Liệu Trung Quốc sắp tới có thay đổi cách tiếp cận trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đã từ bỏ chiến lược đó?
Trong vài tháng qua, một số nước châu Á-Thái Bình Dương từng theo đuổi thành công chiến lược "zero Covid" (tức cố gắng đưa số ca mắc Covid-19 về 0) trong một thời gian dài chống đại dịch này, như New Zealand, Australia, và Singapore, đã có dấu hiệu chuyển đổi quan điểm sang "sống chung với virus SARS-CoV-2".
Bối cảnh này khiến người ta chú ý đến việc liệu Trung Quốc có thay đổi cách tiếp cận của mình trong chống dịch. Trung Quốc bấy lâu nay theo đuổi chiến lược "zero Covid" và được coi là nước áp dụng các biện pháp cứng rắn nhất để kiểm soát dịch bệnh này. Đến nay, Trung Quốc đã gần đạt mục tiêu tiêm chủng ngừa Covid-19 đầy đủ các mũi cho 80% dân số nước này. Liệu nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này sẽ mở cửa trở lại các tuyến biên giới quốc tế của mình?
Trung Quốc chống dịch hiệu quả nhưng vẫn rất thận trọng
Trong một video phỏng vấn được đăng tải trực tuyến gần đây, Gao Fu - giám đốc Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc bày tỏ hy vọng nước này sẽ xem xét mở cửa biên giới vào đầu năm 2022 khi Trung Quốc dự kiến sẽ tiêm chủng đầy đủ cho 85% dân số nước này.
Chung Nam Sơn - chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về các bệnh hô hấp, trong một phỏng vấn riêng rẽ gần đây cho biết: Trung Quốc sẽ không nới lỏng hạn chế biên giới cho tới khi nào phần còn lại của thế giới có tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở mức thấp, số ca nhiễm ít hơn và tỷ lệ tiêm phòng cao, đặc biệt là ở các nước lớn.
Quyết định nới lỏng hay không sẽ phụ thuộc vào việc liệu Trung Quốc đã sẵn sàng thay đổi cách tiếp cận. Việc các nước khác vẫn phải vật lộn với biến thể Delta có mức độ lây lan cao cho thấy virus SARS-CoV-2 vẫn rất khó khống chế và có thể sẽ tiếp tục lây nhiễm trong thời gian dài phía trước.
Có lẽ vào lúc này chính phủ Trung Quốc chưa tính đến phương án sống chung với virus gây bệnh Covid-19.
Năm 2020, Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên kiểm soát được dịch Covid-19 thông qua phong tỏa nghiêm ngặt, cách ly bắt buộc, xét nghiệm diện rộng, truy vết gắt gao, và kiểm soát chặt chẽ biên giới. Kể từ đó, cuộc sống thường nhật đã cơ bản trở lại bình thường, các nhà máy bắt đầu đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường toàn cầu trong bối cảnh hoạt động sản xuất bị đình trệ ở các nơi khác trên thế giới do đại dịch viêm đường hô hấp cấp.
Vào tháng 9, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước, vượt lên kỳ vọng, trong khi nhập khẩu giảm từ 33,1% tháng trước xuống còn 17,6% - đây vẫn là mức tăng khỏe mạnh.
Ban lãnh đạo Trung Quốc đã từ lâu ca ngợi thành công của họ trong việc khống chế dịch Covid-19 là do sức mạnh của thể chế chính trị của mình, tương phản với các nỗ lực lóng ngóng bên phương Tây.
Khác với tâm lý chống phong tỏa và biểu tình ở nhiều nước phương Tây, hầu hết công dân Trung Quốc dường như tự hào về chiến lược zero Covid của chính phủ nước này và họ ủng hộ hết mình cho chiến lược đó.
Hiện có nhận định cho rằng Trung Quốc sẽ không mở cửa biên giới cho tới sau Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh - dự kiến được tổ chức vào tháng 2/2022 và có khả năng sẽ áp dụng các giao thức xét nghiệm và cách ly chặt chẽ nhất đối với các vận động viên và quan chức nước ngoài được thấy có mặt tại Thế vận hội Tokyo diễn ra vừa qua. Một số nhà quan sát cho rằng các lệnh hạn chế còn được kéo dài hơn nữa, có thể tới sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2022.
Trung Quốc cần tinh chỉnh chiến lược zero Covid để tạo thêm sự linh hoạt?
Thành công trong chống dịch ở Trung Quốc đồng thời làm tăng mức độ kỳ vọng của người dân, đến mức chỉ một ca lây nhiễm mới trong cộng đồng cũng có thể gây ra báo động toàn quốc, khiến giới chức địa phương phải thực hiện các hành động nghiêm ngặt nhất để ứng phó.
Một ví dụ gần đây là khi thành phố Erenhot (gần biên giới với Mông Cổ) ghi nhận một ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, cả thành phố đã bị phong tỏa, các trường học, trụ sở chính quyền, và các doanh nghiệp đóng cửa ngày hôm sau, còn các cư dân được tức tốc xét nghiệm trong đêm.
Nhưng khi phần còn lại của thế giới tái mở cửa và hướng tới việc coi virus SARS-CoV-2 như yếu tố gây bệnh đặc hữu, liệu Trung Quốc có khả năng tiếp tục ở lại trong nhóm những nước cuối cùng gắn kết trở lại với cộng đồng quốc tế sau đại dịch?
Trên mặt trận ngoại giao, cả Chủ tịch Tập Cận Bình lẫn 6 vị ủy viên thường trực Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đều chưa xuất cảnh khỏi nước này trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và ít có khả năng sẽ xuất ngoại trong tương lai gần.
Đầu tháng 10/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý về mặt nguyên tắc tổ chức một cuộc họp trực tuyến trước cuối năm 2021. Hội nghị trực tuyến đã trở thành điều bình thường mới trong thời Covid-19 nhưng họp theo cách đó thường không mang lại nhiều cơ hội tương tác và xây dựng lòng tin thông qua các cuộc nói chuyện trực tiếp.
Việc đi sang Trung Quốc bị hạn chế cao độ, việc nhập cảnh được giới hạn chủ yếu vào các công dân Trung Quốc đại lục và những người nước ngoài có giấy phép cư trú còn hiệu lực. Tất cả những người nhập cảnh đều phải thực hiện các cuộc xét nghiệm các loại trước khi đi, phải xử lý một núi giấy tờ hành chính phức tạp, và trải qua ít nhất 3 tuần cách ly khi đặt chân lên Trung Quốc.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu cho phép một số nhân sự nước ngoài được cho là đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Trung Quốc được nhập cảnh, có thông tin cho hay nước này vẫn từ chối cấp thị thực (visa) cho vợ/chồng và con cái của họ.
Chính sách visa như vậy có thể hơi quá đà và cần được xem xét lại. Làm việc ở nước ngoài đã là điều khó khăn, trong thời buổi dịch bệnh mà lại thiếu vắng người thân yêu bên cạnh thì lại càng căng thẳng hơn nữa.
Tháng 9/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì hội nghị 2 ngày gồm các quan chức hàng đầu của Trung Quốc để bàn về cách xây dựng Trung Quốc thành một trung tâm tài năng của thế giới vào năm 2035. Ông Tập nói rằng Trung Quốc "háo hức hơn khi nào hết" trong việc mở rộng đội ngũ tài năng của mình bằng việc thu hút các nhân sự chuyên nghiệp của nước ngoài. Nhưng để đạt được điều đó, Trung Quốc trước tiên cần tạo thêm điều kiện thuận lợi cho những nhân sự đó và người thân của họ nhập cảnh vào nước này.
Tin nổi bật
Tin Video