Tin tức

Những quan chức 'nhúng chàm' nào đã nộp tiền để được giảm án?

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nộp toàn bộ số tiền 25 tỷ đồng khắc phục hậu quả để được giảm án. Trước ông Chung, có quan chức "nhúng chàm" nhờ nộp lại tiền mà thoát án tử hình.

23/06/2022 13:35

Việc các bị cáo trong các vụ án liên quan đến kinh tế, chức vụ hoặc tham ô, tham nhũng… nộp tiền khắc phục hậu quả để hưởng sự khoan hồng của pháp luật thời gian gần đây trở nên khá phổ biến. Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung là một điển hình với 2 lần liên tiếp được giảm án.

Những quan chức 'nhúng chàm' nào đã nộp tiền để được giảm án? - Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại phiên xử phúc thẩm vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C. Ảnh: CTV

Trong vụ án mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C, ông Chung bị truy tố, xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, có khung hình phạt từ 10-15 năm tù.

Tại phiên sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt cựu Chủ tịch Hà Nội từ 10-12 năm tù. Quá trình tranh tụng, gia đình ông Chung đã nộp 10 tỷ đồng nhằm bảo lãnh cho trường hợp ông Chung bị tuyên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Đại diện VKS quyết định thay đổi mức án đề nghị đối với bị cáo Chung xuống còn từ 8-10 năm tù. HĐXX sơ thẩm sau đó tuyên phạt ông Chung 8 năm tù, dưới mức thấp nhất khung hình phạt.

Đến phiên phúc thẩm vừa diễn ra, gia đình cựu Chủ tịch Hà Nội đã nộp toàn bộ số tiền 25 tỷ đồng mà ông Chung bị buộc phải liên đới trách nhiệm bồi thường. Ghi nhận điểm này và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác, tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định giảm án cho bị cáo Chung còn 5 năm tù.

Nộp tiền để thoát án tử

Tháng 11/2021, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) Nguyễn Duy Linh bị đưa ra xét xử về tội "Nhận hối lộ" với định khung hình phạt cao nhất là tử hình. Quá trình tranh tụng, ông Linh đã tác động gia đình nộp đủ số tiền 5 tỷ đồng nhận hối lộ. HĐXX sau đó đã tuyên phạt bị cáo này 14 năm tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Một trường hợp khác, cuối tháng 12/2019, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị đại diện VKS đề nghị tuyên án tử hình về tội "Nhận hối lộ" trong vụ mua bán cổ phần tại AVG. Quá trình phiên tòa diễn ra, gia đình ông Son đã nộp tiền, khắc phục hoàn toàn số tiền 3 triệu USD mà bị cáo Son nhận hối lộ.

Xét tình tiết giảm nhẹ này, HĐXX cho rằng không cần thiết phải áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son. Ông Son sau đó bị tuyên án chung thân ở cả 2 cấp xử sơ thẩm và phúc thẩm.

Những quan chức 'nhúng chàm' nào đã nộp tiền để được giảm án? - Ảnh 2.

Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tại tòa. Ảnh: CTV

Trường hợp đáng chú ý hơn là cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) Nguyễn Xuân Sơn. Ông Sơn đã thoát án tử hình sau khi bị 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên mức án cao nhất.

Tại bản án phúc thẩm vụ án xảy ra tại OceanBank được tuyên ngày 4/5/2018, ông Sơn bị tuyên án tử hình về 3 tội danh: "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" và "Tham ô tài sản".

Ghi nhận việc gia đình, bạn bè ông Sơn cam kết nộp đủ 3/4 số tiền bị cáo bị quy kết tham ô, Tòa phúc thẩm kiến nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét giảm hình phạt cho bị cáo Sơn từ tử hình xuống chung thân sau khi bị cáo Sơn khắc phục ít nhất 3/4 hậu quả.

Sau phiên phúc thẩm, gia đình bị cáo Sơn đã khắc phục hơn 3/4 số tiền được xác định là hậu quả mà ông Sơn gây thiệt hại. Chánh án TAND Tối cao đã có quyết định giảm hình phạt cho cựu Tổng Giám đốc OceanBank xuống mức án chung thân.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong năm 2021, các cơ quan thi hành án đã thu được trên 9.000 tỷ đồng.  Một số bản án tòa án tuyên với số tiền thu hồi đặc biệt lớn nhưng tài sản để đảm bảo thi hành án rất ít.

Điển hình, vụ Huỳnh Thị Huyền Như (cựu Phó Trưởng phòng quản lý rủi ro Vietinbank chi nhánh TPHCM) có số tiền phải thi hành hơn 11.000 tỷ đồng nhưng số tài sản kê biên ước tính chỉ hơn 500 tỷ đồng; vụ Phạm Thị Bích Lương (cựu Giám đốc Agribank Nam Hà Nội) số tiền phải thi hành hơn 2.500 tỷ đồng nhưng tài sản kê biên, xử lý chưa được 10 tỷ đồng.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn Phòng Luật Sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội), thực tiễn cho thấy, trong các vụ án hình sự mà bị cáo không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải, không nhận thức được hành vi phạm tội của mình và cũng không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì dù người thân trong gia đình có bồi thường khắc phục thay, kết quả giải quyết vụ án cũng rất khó có thể thay đổi.

Có những vụ án mặc dù cấp phúc thẩm xác định có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng xét thấy tính chất của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng thì tòa án cấp phúc thẩm vẫn có thể giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm.

"Theo quy định của pháp luật, có nhiều yếu tố tác động đến hình phạt, trong đó có yếu tố nhân thân và yếu tố hành vi. Hình phạt chỉ đặt ra khi bị cáo có tội. Do đó, trường hợp bị cáo không nhận tội và tòa án không đủ căn cứ kết tội thì có thể sẽ tuyên bố bị cáo không phạm tội và không đặt ra vấn đề hình phạt" - luật sư Cường nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận