Tin tức

Những cuộc ngã giá trước khi Taliban tiến vào Kabul

Bên cạnh quân sự, Taliban từng bước thực hiện tất cả các biện pháp ngoại giao nhằm "tìm đường" đến Kabul.

17/08/2021 08:41

Cuộc tiến công chóng vánh bước vào dinh tổng thống Afghanistan của Taliban khiến cả thế giới kinh ngạc.

Mọi việc đã không diễn ra như các bên tính toán, đặc biệt với Mỹ. Sau khi quyết định khởi động kế hoạch rút quân và dự đoán phải mất một thời gian dài hơn để Taliban chiếm quyền kiểm soát, Mỹ dường như bị động vào phút chót. Các quan chức cấp cao Mỹ thừa nhận đã tính toán sai lầm về tình hình và không ngờ đến tốc độ tiến công nhanh chóng của phiến quân.

Thế nhưng, xét một cách toàn diện. Chính Mỹ, cùng các quốc gia liên quan như Nga và Trung Quốc, đã mở rộng con đường đưa Taliban đến với thành công của ngày 15/8. Taliban đã thực hiện các biện pháp ngoại giao, ngã giá với các cường quốc để "dọn đường" cho việc nắm lấy chính quyền Kabul trong nhiều năm qua.

Những cuộc ngã giá trước khi Taliban tiến vào Kabul - Ảnh 1.

Taliban tại một cuộc đối thoại ở Doha, Qatar. Ảnh: Reuters

Mỹ

Theo BBC, 29/2/2020, Mỹ và Taliban đã ký một "thỏa thuận mang lại hòa bình" cho Afghanistan sau hơn 18 năm xung đột. Thỏa thuận được ký kết bởi đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad và người đứng đầu về chính trị của Taliban là Mullah Abdul Ghani Baradar, với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chứng kiến.

Theo đó, Mỹ và các đồng minh NATO đồng ý rút toàn bộ quân đội trong vòng 14 tháng nếu quân Taliban duy trì thỏa thuận. Trong vòng 135 ngày đầu tiên, Mỹ sẽ giảm lực lượng của mình tại Afghanistan xuống còn 8.600 người, đồng thời các nước đồng minh cũng giảm lực lượng của họ một cách tương ứng.

Các cuộc đàm phán giữa chính phủ Afghanistan và Taliban dự định sẽ diễn ra sau. Động thái này đã cho phép Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện rằng ông đã đưa quân về nước trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Những cuộc ngã giá trước khi Taliban tiến vào Kabul - Ảnh 2.

Zalmay Khalilzad, bên trái và Mullah Abdul Ghani Baradar, thủ lĩnh chính trị của Taliban, đã ký thỏa thuận mang tính bước ngoặt ngày 29/2/2020. Ảnh: AP

Theo thỏa thuận, Taliban cũng đồng ý không cho phép al-Qaeda hoặc bất kỳ nhóm cực đoan nào khác hoạt động trong các khu vực mà họ kiểm soát.

Thỏa thuận cũng bao gồm việc trao đổi tù nhân. Khoảng 5.000 tù nhân Taliban và 1.000 tù nhân từ lực lượng an ninh Afghanistan sẽ được trao đổi, khi các cuộc đàm phán giữa Taliban và chính phủ Afghanistan bắt đầu.

Mỹ cũng sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Taliban và làm việc với Liên hợp quốc để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt riêng biệt đối với lực lượng này.

Các nhà hoạt động và phân tích cho rằng thỏa thuận sẽ chỉ khiến tình hình ở Afghanistan tồi tệ hơn khi đầy rẫy những điều không chắc chắn. Tuy nhiên, với quyết tâm của Mỹ trong việc đưa quân đội về nước và một số thành viên Taliban thừa nhận rằng cuộc đàm phán là "con đường tốt nhất để quay trở lại Kabul", thỏa thuận lịch sử đã được thực hiện.

Nga

Những cuộc ngã giá trước khi Taliban tiến vào Kabul - Ảnh 3.

Đại diện Taliban tại Nga. Ảnh: AP

Dù lực lượng phiến quân chiếm Kabul và tuyên bố chiến thắng, thời điểm để công nhận Taliban là cơ quan hợp pháp của Afghanistan vẫn chưa đến, theo đặc phái viên của Tổng thống Nga tại Afghanistan hôm 15/8.

Ông Zamir Kabulov nói với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA rằng ở thời điểm hiện tại, Moskva sẵn sàng làm việc với một chính phủ lâm thời trong tương lai. Nga không lo lắng về tình hình ở Afghanistan vì nước này có quan hệ tốt với cả Taliban và chính phủ Afghanistan.

Khi các lực lượng của Mỹ rút khỏi Afghanistan, Taliban nhanh chóng lấp đầy khoảng trống. Hàng trăm người Afghanistan, bao gồm các thành viên quân đội, vượt biên sang các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là Tajikistan và Uzbekistan. Điều này làm dấy lên những đồn đoán về khả năng gây bất ổn ở Trung Á.

Nga trở thành bên liên quan trong quá trình này.

Theo Maxim Suchkov, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Viện quan hệ quốc tế Moskva, từ lâu, Nga đã lo ngại về sự hiện diện của các phần tử Hồi giáo cực đoan gần biên giới nước này hoặc ở các khu vực lân cận - một lý do khiến nước này hợp tác với Mỹ và các đồng minh ở Afghanistan vào đầu những năm 2000 và tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria vào năm 2015. Viễn cảnh Taliban trở lại nắm quyền cũng là một mối quan tâm quan trọng đối với Điện Kremlin.

Trong bối cảnh này, phái đoàn "chính trị" của Taliban đã đi từ Doha đến Moskva vào ngày 9/7 để hội đàm với các quan chức cấp cao Nga. Trên mạng xã hội Nga, chuyến thăm nhanh chóng trở thành một đề tài châm biếm chính trị. Taliban vốn đã được chỉ định là "tổ chức khủng bố" ở Nga từ đầu những năm 2000 và các nhà báo đã gây sức ép trước Bộ Ngoại giao Nga về cơ sở pháp lý khi tổ chức cuộc gặp ở Moskva.

“Chúng tôi có liên hệ với tất cả các đại diện: quyền và cựu quan chức, các tổ chức phi chính phủ và các nhóm đối lập. Điều quan trọng là chúng tôi không tổ chức các cuộc đàm phán chính thức với các đại diện không chính thức như thể họ là những người chính thức”, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, giải thích.

Các nhà báo Nga khi đưa tin về chuyến đi tập trung vào chi tiết Taliban luôn sử dụng thuật ngữ "tiểu vương quốc Hồi giáo" thay vì "nước cộng hòa Hồi giáo" như Afghanistan ngày nay. Đây được coi là một dấu hiệu rõ ràng về tầm nhìn của họ đối với Afghanistan cũng như việc lực lượng đã định vị mình là người chiến thắng ở thời điểm này.

Ông Suchkov nhận định, các chiến thuật hiện tại của Taliban dường như có hai mặt: Trong khi chiến đấu trên một số khu vực của Afghanistan với lực lượng chính phủ Afghanistan và đàm phán kiểm soát những lực lượng khác, đội quân tìm kiếm tính hợp pháp quốc tế, sự đồng tình hoặc không phản kháng của các cường quốc.

Khi khả năng Taliban trở lại nắm quyền có thể xảy ra, lãnh đạo của các quốc gia đều muốn đàm phán với Taliban để đảm bảo lợi ích của chính họ và vạch ra ranh giới đỏ. Đáng chú ý, trong cùng ngày đàm phán với người Nga, nhóm khác của Taliban cũng gặp gỡ với Iran.

Theo Zamir Kabulov, đặc phái viên của Tổng thống Vladimir Putin về Afghanistan, những mối quan tâm chính của Nga về Taliban bao gồm bốn mục chính: khả năng lan tràn bất ổn từ Afghanistan sang Trung Á; mối đe dọa của ISIS đối với Nga và các đồng minh ở Trung Á; việc buôn bán thuốc gây nghiện; và sự an toàn của các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự của Nga.

Và Taliban đã tìm cách đưa ra những lời cam đoan đối với cả 4 lĩnh vực này. Lực lượng nói rằng sẽ không “xâm phạm biên giới của các nước Trung Á” và sẽ “đảm bảo sự an toàn của các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự của nước ngoài tại Afghanistan”. Lực lượng cũng cam kết “xóa sổ nạn sản xuất ma túy ở Afghanistan” và tuyên bố rằng họ “kiên quyết ngăn chặn mối đe dọa của ISIS ở Afghanistan".

Trung Quốc

Đại sứ quán Trung Quốc tại Kabul đã phát tín hiệu vào ngày 15/8 rằng họ đã liên lạc với Taliban và sẽ ở lại hoạt động khi lực lượng nổi dậy gần hoàn toàn tiếp quản đất nước. “Đại sứ quán Trung Quốc đã yêu cầu các phe phái khác nhau ở Afghanistan đảm bảo sự an toàn của quốc gia thể chế và lợi ích của Trung Quốc", thông báo cho biết.

Những cuộc ngã giá trước khi Taliban tiến vào Kabul - Ảnh 4.

Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc

“Đại sứ quán sẽ thực hiện các bước tiếp theo để nhắc nhở công dân Trung Quốc theo dõi chặt chẽ tình hình an ninh, tăng cường các biện pháp phòng ngừa an toàn và hạn chế ra ngoài”.

Tháng 7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo cấp cao Taliban.

Một trong những mối quan tâm chính của Trung Quốc - được nêu ra trong cuộc gặp - là tương lai của phong trào Hồi giáo Đông Turkestan mà Bắc Kinh cho là do tình trạng bất ổn ở khu vực Tân Cương. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết đã đảm bảo được một cam kết từ Taliban rằng sẽ không để bất kỳ lực lượng nào “sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tham gia vào các hành vi gây bất lợi cho Trung Quốc”.

Cũng tại cuộc họp này ở thành phố Thiên Tân, miền đông Trung Quốc, ông Vương đã chỉ trích Mỹ vì “rút quân vội vàng” khỏi Afghanistan và nói rằng Taliban là một “lực lượng quân sự và chính trị quan trọng” được “kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình, hòa giải và tái thiết".

Theo SCMP, Bắc Kinh coi việc Mỹ rút khỏi Afghanistan là một lợi ích, trong khi quan hệ chặt chẽ với chính phủ tương lai ở Kabul cũng có thể mở đường cho việc mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường sang Afghanistan và thông qua các nước cộng hòa Trung Á.

Sau cuộc gặp với ông Vương Nghị, Taliban cho biết họ hy vọng Trung Quốc có thể đóng một vai trò kinh tế lớn hơn.

Zhang Li, giáo sư nghiên cứu Nam Á tại Đại học Tứ Xuyên, cho biết: “Điều này cho thấy Trung Quốc có thể đã đưa ra những lời hứa về viện trợ kinh tế và đầu tư cho Afghanistan sau chiến tranh như một củ cà rốt để khuyến khích cả hai bên ngừng giao tranh và đạt được một thỏa thuận chính trị”. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận