Tin tức

Lớp học 'thủy tinh', lớp học của yêu thương

(VOVTV) - Tuy không cầm phấn, không đứng trên bục giảng, nhưng trẻ em và người dân Ý Yên vẫn yêu mến và gọi cô gái "thủy tinh" hai tiếng cô giáo.

Tác giả Tùng Lâm / VOVTV
09/02/2021 11:32

Nỗ lực vươn lên trong cuộc sống

Khi còn nhỏ, với mọi người việc đi học là việc hết sức đơn giản, nhưng với chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm (31 tuổi, trú tại trại 4, xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), cô gái nhỏ mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh, thì đi học là cả một quá trình nỗ lực. Mắc bệnh xương thủy tinh từ khi mới lọt lòng, trải qua nhiều lần phẫu thuật, chữa trị, chân của chị Ngọc Tâm đã có thể duỗi thẳng nhưng lại không thể đi lại bình thường được. 

 Lớp học "thủy tinh", lớp học yêu thương - Ảnh 1.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm luôn nở nụ cười trên môi. Ảnh: NVCC

"Mình cũng tự tập khá nhiều, có những lần tự tập gãy cả xương nhưng kết quả không như mong đợi. Bác sĩ cũng khuyến cáo là không nên tập nữa, vì nếu tập tiếp thì chân mình không thể tải được trọng lượng cơ thể, chỉ có gãy xương thêm nhiều lần nữa thôi. Năm nay mình 31 tuổi, tuổi của mình có thể đếm được theo năm nhưng số lần gãy xương thì gấp rất nhiều lần số tuổi", chị Ngọc Tâm chia sẻ.

Nhờ sự giúp đỡ của gia đình và những người xung quanh, chị đã bắt đầu hành trình theo học lớp 1 vào năm 8 tuổi. Trong suốt quá trình học tập, chị luôn là học sinh giỏi toàn diện, đạt nhiều thành tích xuất sắc. Thế nhưng, chị Tâm chỉ có thể đến trường hết những năm cấp 2 vì sức khỏe yếu hơn mà quãng đường đến trường lại quá xa. 

Dù đi học muộn hơn các bạn đồng trang lứa và việc học cũng gian truân hơn, nhưng ước mơ và nghị lực sống chưa bao giờ thôi cháy trong trái tim chị. Cũng từ đây, chị âm thầm ươm mầm, nuôi dưỡng ước mơ một ngày trở thành cô giáo, được đứng trên bục giảng và giảng dạy những thế hệ mai sau.

Sau này khi lớn lên, chị dường như ý thức được việc mình không thể trở thành một giáo viên bình thường, không thể đứng trên bục giảng, không thể đi lại được... và chị quyết định mở lớp dạy kèm học sinh tại nhà. Cũng từ đây, một lớp học đặc biệt được ra đời.

"Không quan trọng mình sống bao lâu, quan trọng là sống ý nghĩa như thế nào?"

Tính đến nay, lớp học "Ngọc Tâm thủy tinh" đã hoạt động được 17 năm. Đây là lớp học đa độ tuổi, các học sinh giao động từ lớp 1 đến lớp 7, lớp 8; đến từ nhiều nơi trong vùng. Dường như với các em nhỏ nơi vùng quê thanh bình ấy, cứ ngày nghỉ là đến lớp học cô Tâm đã trở thành thói quen. Các em sẽ cùng nhau học tập, những khó khăn, vướng mắc trên lớp sẽ được cô giáo Ngọc Tâm tận tình giúp đỡ, tìm cách giải quyết.

 Lớp học "thủy tinh", lớp học yêu thương - Ảnh 2.

Lớp học miễn phí cho các em nhỏ hoạt động suốt 17 năm qua. Ảnh: NVCC

Lớp học nhỏ và thiếu thốn đủ thứ, chỉ đơn sơ vài bộ bàn ghế, cả cô và trò đều phải tự túc rất nhiều thứ, nhưng chẳng hề có ai phàn nàn. Cô trò cùng nhau hăng say nghiên cứu, học tập. Bên cạnh những khó khăn về vật chất, không ít lần chị Tâm đổ bệnh nặng. Những cơn đau dày vò chị từng đêm, có những hôm chị chỉ có thể ngủ trong tư thế ngồi, nhưng chị vẫn giữ một tinh thần lạc quan, một ý chí sắt đá không gục ngã trước bệnh tật

"Mình nghĩ rằng sống không quan trọng mình sống bao lâu, nhưng quan trọng mình sống sâu và ý nghĩa thế nào. Vì sống không đơn giản chỉ là tồn tại. Tồn tại không thì rất là dễ. Sống là để đem lại tình yêu thương. Đôi khi mọi người cũng hỏi mình vậy cô định dạy học sinh đến bao giờ, mình bảo khi nào học sinh còn yêu mến cô Tâm, học sinh còn tin tưởng cô Tâm và cô Tâm còn có thể nói được thì còn tiếp tục kèm cho các em học sinh", chị Tâm quan niệm.

 Lớp học "thủy tinh", lớp học yêu thương - Ảnh 3.

Kết thúc một kỳ học, chị Tâm đều có những phần quà dành cho các học sinh. Chị gọi đây là Quỹ Ngọc Tâm thủy tinh. Ảnh: NVCC

Trong tâm khảm của cô giáo nghị lực này, thấy học trò đạt thành tích tốt, tiến bộ từng ngày, những lần các em nhận được giấy khen hay những niềm vui trên lớp được các e chia sẻ cùng đều trở thành động lực để chị tiếp tục "say" với nghề. Việc dạy học là ước mơ của chị và theo một khía cạnh, một góc độ nào đó thì chị đã hoàn thành được ước mơ cao cả ấy.

 Lớp học "thủy tinh", lớp học yêu thương - Ảnh 4.

Cô giáo Ngọc Tâm được tôn vinh là 1 trong 64 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu “Toả sáng nghị lực Việt“ năm 2020, 1 trong 10 cá nhân được TƯ Đoàn, TƯ Hội LHTN Việt Nam trao Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2020. Ảnh: NVCC

Bên cạnh việc dạy học, chị Tâm còn tham gia nhiều hoạt động xã hội, dự án truyền cảm hứng do các tổ chức, các viện nghiên cứu thực hiện, các hoạt động của hội người khuyết tật, với mong muốn gửi tới nhiều thông điệp tích cực cho các bạn khuyết tật có thêm niềm tin và nghị lực trong cuộc sống. Vượt qua cả giá trị vật chất, đây là giá trị tinh thần, là tình cảm thực chất của con người. 

Câu chuyện về cô giáo "thủy tinh" Nguyễn Thị Ngọc Tâm ở Nam Định, dù mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh nhưng hàng ngày vẫn mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo đã truyền cảm hứng và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Hãy cùng lắng nghe cô giáo Ngọc Tâm chia sẻ về sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, vượt lên nghịch cảnh, quý giá hơn là tinh thần tự lực, nuôi dưỡng ước mơ, niềm tin vào bản thân trong chương trình giao lưu nghệ thuật "Đảng cho ta mùa xuân" được phát sóng trên Kênh truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 11/2/2021 (tức 30 Tết Âm lịch). Mời quý vị và các bạn đón xem.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận