Tin tức

Uớc mong giản dị của cô giáo “cắm bản”

(VOVTV) - "Mong có chiếc máy lọc nước để các con uống cho sạch, đảm bảo sức khỏe", đó là mong ước nhỏ bé, giản dị của cô giáo 20 năm “cắm bản”, nếu thành hiện thực có thể sẽ giúp những đứa trẻ nơi bản nghèo của huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng thêm niềm vui, tiếng cười.

Tác giả Hoàng Thao / VOVTV
06/12/2020 10:24

Bảo Lâm là huyện xa nhất của tỉnh Cao Bằng, 40% số hộ dân ở nơi đây thuộc diện hộ nghèo, đứng trong tốp đầu huyện nghèo của cả nước. Ở nơi đây còn rất nhiều điểm trường cô trò phải dắt tay nhau lên lưng chừng núi để tìm con chữ.

Trường Tiểu học Lý Bôn (xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm) có 13 điểm trường, điểm xa nhất cách trường chính 22km.

Pác Ruộc là một trong những điểm trường của Trường Tiểu học Lý Bôn, nằm cách trung tâm huyện khoảng 30km. Nơi đây có hơn 70 học sinh, nhiều em hàng ngày vẫn cuốc bộ hơn 5km để đến lớp.

Cô Nông Thị Hương, giáo viên đã gắn bó với điểm trường Pác Ruộc 12 năm chỉ tay lên sườn núi, nơi thấp thoáng những mái nhà lợp fibro xi măng. Cô Hương bảo: "Trên đó là nhà của các con. Ở lớp có con phải đi học xa nhất hơn 5km, toàn leo dốc đường trơn trượt và đồi núi đá. Mùa mưa các con đến lớp quần áo dính đầy bùn đất. Mỗi lần như vậy các cô phải lấy quần áo sạch của những em khác thay và giặt quần áo bẩn cho các con".

Uớc mong giản dị của cô giáo “cắm bản” - Ảnh 1.

Các em học sinh tại điểm trường Pác Ruộc mang cơm từ nhà đến lớp để ăn trưa

Mỗi sáng, học sinh Pác Ruộc một tay xách cặp, một tay cầm cặp lồng cơm đem tới lớp. Chúng tôi đến điểm trường gần 12 giờ trưa, nhìn qua ô cửa sổ, các em học sinh đang mở những chiếc cặp lồng bằng sắt, nhựa… đựng cơm ra ăn. Ngoài cơm trắng, món trứng rán là chủ yếu, có em ăn cơm trắng cùng trứng xào mỳ tôm.

Uớc mong giản dị của cô giáo “cắm bản” - Ảnh 2.

Ngoài cơm trắng, món trứng rán là chủ yếu, có em ăn cơm trắng cùng trứng xào mỳ tôm

Nhiều hôm có em đến lớp không có cơm ăn, các thầy cô giáo bỏ tiền mua mỳ tôm cho các em. 

"Cũng muốn nấu tập trung cho các em có bữa ăn đầy đủ hơn và đỡ phải mang cơm từ nhà đi vất vả nhưng chúng tôi không làm được. Đời sống kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn, vận động phụ huynh nộp 1.000-2.000 đồng còn khó, có những khoản tiền thầy cô phải nộp cho học sinh", thầy Lương Hà Lý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Bôn tâm sự.

Trò chuyện với cô giáo Lý Thị Mến, người đã có 20 năm gắn bó và hiện đang sinh sống tại điểm trường Pác Ruộc, cô Mến bảo: "Ốc đồng có thể là món ngon ở dưới xuôi, nhưng với các cô giáo nơi đây, món ăn này nhắc tới đã ngán. Nhưng nhiều lúc, không ăn ốc thì làm gì có thứ khác để ăn". Nói xong, cô Mến cười tươi.

Uớc mong giản dị của cô giáo “cắm bản” - Ảnh 3.

Cô Lý Thị Mến đã gắn bó 20 năm với điểm trường Pác Ruộc mong muốn có máy lọc nước để các con uống cho sạch, đảm bảo sức khỏe

Cũng như hầu hết các điểm trường ở huyện Bảo Lâm, điểm trường Pác Ruộc chưa có nước sạch. Sinh hoạt của cô, trò dựa vào đường ống nước xin của dân, nhưng nước nhiễm đá vôi nên rất khó dùng.

"Các cô mong có máy lọc nước để các con uống cho sạch, đảm bảo sức khỏe. Các cô đang góp tiền mua nhưng chưa mua được", cô Mến tâm sự.

Có những ước muốn tuy nhỏ bé, giản dị nhưng nếu thành sự thật có thể sẽ giúp những đứa trẻ nơi bản nghèo thêm tiếng cười, thêm niềm vui. Các thầy cô giáo "cắm bản" của vùng cao Bảo Lâm đã vượt qua rất nhiều gian khó, ấp ủ những ước mơ giản dị như thế để chăm lo, dạy dỗ cho những đứa trẻ vùng cao.

Uớc mong giản dị của cô giáo “cắm bản” - Ảnh 4.

Lốp xe máy cũ được tận dụng làm đồ chơi cho các cháu mầm non tại điểm trường Pác Ruộc

Hiện nay, việc đi lại của cô trò đã đỡ vất vả hơn vì có đường và có cầu bắc qua sông Gâm. Không như trước kia, đi một ngày đường mới đến phân trường, một ngày nữa mới đến điểm trường. "Khi lên đến đỉnh dốc thì không xuống được nữa vì đầu gối quá mỏi, bàn chân run lên như muốn rời ra. Nhiều khi đến được điểm trường, các cô ngồi ôm nhau khóc", cô Mến nhớ lại.

Giáo viên vùng cao đã khó khăn, giáo viên "cắm bản" lại còn khó khăn hơn nhiều lần. Nhưng vượt lên những khó khăn, vất vả ấy là sự yêu nghề, là nghị lực phi thường của các thầy, cô kiên trì bám trường, bám lớp, ngày đêm miệt mài gieo chữ, gieo cả ước mơ và niềm tin về một ngày mai tươi sáng cho trẻ em vùng cao.

Ý kiến của bạn