Cô giáo miệt mài chăm lo cho học trò nghèo Jrai vùng khó
Nhiều năm làm công tác giảng dạy ở điểm trường lẻ ở xã đặc biệt khó khăn Ia Bă, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, cô giáo Phan Thị Khánh, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân đã khắc phục khó khăn, nỗ lực duy trì sĩ số, sáng tạo trong công tác giảng dạy, đồng thời chăm lo đời sống cho học trò nghèo Jrai.
Mặc dù, lớp ghép 4 - 5 ở điểm trường Nga Yố, xã Ia Bă, huyện Ia Grai chỉ học buổi sáng, nhưng tuần 2 buổi chiều, cô giáo Phan Thị Khánh vẫn lên lớp để phụ đạo cho 13 học trò của mình. Học sinh trong lớp đều là người Jrai, điều kiện gia đình rất khó khăn. Hiện tại cũng đang là mùa thu hoạch cà phê, nhưng tuyệt nhiên không em nào nghỉ học theo gia đình lên rẫy như trước kia, mà luôn có mặt đúng giờ, đầy đủ.
Học trò dân tộc thiểu số ở Gia Lai, nhất là ở các địa bàn xa xôi, thường nhút nhát, hạn chế về năng lực tiếng Việt. Nhưng ở điểm trường Nga Yố, các em đều nói tiếng Việt rất tốt và tự tin trong giao tiếp hàng ngày. Cô Khánh tâm sự, để dạy học có hiệu quả, giáo viên vùng khó không chỉ kỳ công, chăm chú về chuyên môn, mà còn phải thật sự trở thành người thân của học sinh và gia đình các em.
Cùng với chú trọng chuyên môn, tận tình rèn cặp học sinh, cô giáo Phan Thị Khánh cũng yêu thương, chăm lo đời sống các em. Đầu năm học và đầu mùa đông, cô Khánh lại vận động khắp trong xã, ngoài huyện để có quần áo ấm, sách vở, bút thước cho học sinh. Những phần quà nhỏ, khi là bộ sách giáo khoa, lúc là chiếc áo trắng mới, hay chiếc xe đạp để học sinh Nga Yố đến trường đỡ vất vả, đều mang theo tấm lòng của cô giáo yêu thương.
Bà Nguyễn Thị Hiệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân cũng rất cảm động khi nhắc đến tấm lòng của giáo viên trong trường dành cho học sinh: "Mình đi dọc đường thấy thứ 7 cô vẫn xuống làng, hỏi cô đi đâu xuống làng, cô ấy bảo gần thi rồi, có em đọc chưa trôi chảy, cô xuống kèm. Mình cảm thấy xao xuyến trong lòng, rất là cảm động".
5 năm cố gắng, gắn bó với vùng đặc biệt khó khăn, cô giáo Phan Thị Khánh không chỉ nâng bước nhiều học sinh dân tộc Jarai lên các lớp trên mà còn dần giúp người dân nơi đây hình thành ý thức coi trọng việc học của con em mình. Những nỗ lực của cô giáo Phan Thị Khánh đã được ghi nhận bằng các danh hiệu thi đua cấp cơ sở và cấp tỉnh, được các cha mẹ học sinh nhận làn người thân của gia đình.
Những đóng góp thầm lặng và nỗ lực ấy cũng đang góp phần làm đẹp thêm hình ảnh cô giáo như mẹ hiền, đóng góp vào thắng lợi chung của ngành Giáo dục Đào tạo tỉnh Gia Lai trong nâng cao chất lượng dạy học vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Tin nổi bật
Tin Video