Lạc Thủy: 'Dân vận khéo' trong giảm nghèo bền vững
(VOVTV) - Trong những năm qua công tác dân vận và phong trào thi đua "Dân vận khéo" ở cơ sở đã được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình triển khai thực hiện có hiệu quả. Phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Công tác dân vận ở cơ sở đã được chú trọng, chăm lo giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, góp phần củng cố mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân. Kịp thời điều chỉnh những cách làm không phù hợp; quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, người nghèo, người khuyết tật. Thực hiện nghiêm chế độ tiếp dân, chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những thắc mắc và đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân.
Trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo là "trở ngại" lớn nhất, vì vậy Ban Thường vụ huyện ủy đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ từng hộ dân vươn lên thoát nghèo bằng những việc làm cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế.
Để công tác giảm nghèo mang lại những hiệu quả tích cực và bền vững, huyện Lạc Thủy đã tập trung chỉ đạo, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, thị trấn; phân công rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của từng ban, ngành, cơ quan, đơn vị, từng thành viên ban chỉ đạo; đồng thời xác định, một trong những giải pháp quan trọng là phải làm tốt công tác dân vận, bởi "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Tính đến hết tháng 9/2023, toàn huyện có có 66 mô hình dân vận khéo được đăng ký xây dựng, trong đó có 64 mô hình đã được công nhận (trong đó lĩnh vực kinh tế: 10 mô hình; lĩnh vực văn hóa – xã hội: 41 mô hình; lĩnh vực an ninh quốc phòng: 8 mô hình; lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị: 5 mô hình).
Gia đình ông Quách Văn Cừ, thôn Liên Hồng, xã Thống Nhất, huyện Lạc Thuỷ là một trong những gia đình tiêu biểu trong công tác xoá đói giảm nghèo với mô hình trồng chuối tiêu hồng. Chia sẻ với chúng tôi ông Cừ cho biết: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào 3 ha đất trồng keo. Sau nhiều năm canh tác, gia đình tôi đã chuyển sang trồng cam nhưng cũng không đem lại hiệu quả kinh tế.
Năm 2021, chính quyền từ xã đến huyện đã tổ chức các buổi tập huấn chia sẻ về kinh nghiệm canh tác cũng như vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bản thân tôi cũng học hỏi thêm các mô hình trồng trọt khác nên đã quyết định trồng chuối tiêu hồng. Cây chuối cũng dễ trồng, đầu tư ít và dễ chăm sóc. Hiện trên diện tích 1ha, gia đình tôi đang trồng và chăm sóc trên 2.500 cây chuối.
Ngoài ra, gia đình tôi cũng trồng thêm 1ha cây nhãn và nuôi thêm 1.500 con gà Lạc Thuỷ. Với chất lượng và mẫu mã tốt sản phẩm gà Lạc Thuỷ được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Trừ chi phí, gia đình thu 300 triệu đồng/năm.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Duy Lành, thôn Bột, xã Phú Thành chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo trong thôn, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Sau khi cùng bà con tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do các cấp, ngành tổ chức vào năm 2000, tôi mạnh dạn vay vốn và bắt đầu gây dựng trang trại nuôi gà Lạc Thủy, trồng cam lòng vàng và bưởi Diễn. Sau nhiều năm phấn đấu, thành công nối tiếp thành công, từ trang trại với quy mô 1ha, đến nay diện tích trang trại đã phát triển lên 5ha.
Thành công từ nuôi gà Lạc Thủy, nhận thấy nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế cao, ông Lành tiếp tục đầu tư xây dựng trại lợn theo công nghệ Thái Lan với quy mô 200 con. Đến nay, trang trại của ông Lành đang nuôi khoảng 14.000 con gà Lạc Thủy; 300 con lợn nái và trên 5.000 lợn thương phẩm.
Năm 2022, ông Lành xuất 600 tấn lợn; 20 tấn gà và hàng trăm nghìn giống gà Lạc Thuỷ từ 1 - 2 ngày tuổi ra thị trường. Tổng doanh thu từ trang trại chăn nuôi đạt khoảng trên 30 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 5 tỷ đồng.
Mặt khác, ông Lành còn tham gia đóng góp trên 5 triệu đồng/năm cho hoạt động xã hội, từ thiện; Ủng hộ Quỹ đồng hành cùng con em hội viên nông dân đến trường 1.000.000đ/năm, Quỹ Chi Hội Nông dân 2.000.000đ/năm; Tết thiếu nhi 1.500.000/năm; Ủng hộ Qũy Hỗ trợ nông dân 200.000đ/năm.
Thực tế trên địa bàn huyện tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tương đối cao và các hộ cận nghèo vẫn phải đối mặt với nguy cơ tái nghèo. Nguyên nhân của tình trạng đói nghèo chủ yếu là do hộ gia đình không có sức lao động, ốm đau bệnh tật. Đối với những hộ này, để thoát nghèo thực sự rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều hộ có sức lao động nhưng không có khả năng tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất nên vẫn chịu cảnh đói nghèo.
Vì vậy, mấu chốt của vấn đề là làm sao lựa chọn được những hộ thực sự có khả năng thoát nghèo và có nguyện vọng thoát nghèo để hỗ trợ. Mặt khác, với các chính sách đảm bảo an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, hộ nghèo hiện nay được hưởng rất nhiều sự hỗ trợ để có thể phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, thực tế hiệu quả mang lại chưa như mong muốn một phần là sự đầu tư dàn trải từ các nguồn vốn của nhiều chương trình khác nhau cho nhiều đối tượng nên khó tạo nguồn lực tổng thể giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Vì vậy, mục đích của mô hình là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hỗ trợ những hộ nghèo có địa chỉ, có kế hoạch đầu tư cụ thể để thực sự thoát được nghèo và duy trì sự ổn định lâu dài.
Từ thực hiện hiệu quả phong trào "Dân vận khéo" và các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nên đời sống người dân huyện Lạc Thuỷ từng bước được nâng lên. Đường làng, ngõ xóm, nhà ở dân cư ngày càng khang trang, sạch đẹp; khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được giữ vững, lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, tạo đà cho kinh tế - xã hội trên địa bàn xã tiếp tục phát triển.
Tin Video