Xã hội

Lạc Thuỷ: Quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(VOVTV) Huyện Lạc Thuỷ là huyện miền núi, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn với gần 50% là đồng bào dân tộc Mường, vì thế công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc luôn được huyện xác định là nhiệm vụ ưu tiên, thường xuyên được quan tâm triển khai thực hiện.

Tác giả Mùi Sơn
23/11/2023 15:26

Để chăm lo, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo lồng ghép các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình, đề án khác đã được Chính phủ phê duyệt thực hiện đối với vùng dân tộc và miền núi. Bên cạnh đó, huyện đã ban hành các chính sách và tuyên truyền, khuyến khích người dân tại cộng đồng dân cư phát huy nội lực để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cùng với đó xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Lạc Thuỷ luôn quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt là các bản giáp biên góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giúp đồng bào dân tộc yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Lạc Thuỷ: Quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Phát triển mô hình chăn nuôi gà thịt thương phẩm theo mô hình VietGap đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân

Các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện luôn quan tâm, thực hiện công tác an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số trên tất cả các mặt như: Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng; hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương. Qua đó, tạo điều kiện để người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, tạo động lực phát triển bền vững. Cùng với việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Lạc Thuỷ giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình, các tiểu ban dự án, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tăng năng suất, giá trị kinh tế, hằng năm các hộ dân thuộc xã miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được hỗ trợ giá mua các giống cây trồng có năng suất cao; giao đất, giao rừng, khoán rừng cho các hộ dân; giao các phòng, ban, ngành, UBND xã, thị trấn triển khai thực hiện các tiểu dự án thuộc CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi với tổng kinh phí 8.711 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, huyện đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc Dự án 1, Dự án 4 nguồn vốn năm 2023. Thời điểm này, có 17 công trình với tổng kinh phí phân bổ 8 tỷ đồng đã được bàn giao mặt bằng và khởi công xây dựng.

Cùng với đó, huyện chú trọng đến công tác đào tạo nghề, nhằm giảm nghèo bền vững, huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn góp phần tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Từ năm 2021 đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn đã giải ngân cho 1.216 lượt khách hàng là hộ nghèo vay với số tiền 71.982 triệu đồng; Năm 2022, đã giải ngân cho 1.114 lượt khách hàng là hộ nghèo vay với số tiền 79.058 triệu đồng; Ttrong 06 tháng đầu năm 2023, đã giải ngân cho 559 lượt khách hàng là hộ nghèo vay với số tiền 43.806 triệu đồng. Các hộ được hỗ trợ vay vốn đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở từng địa phương.

Nhờ đó, bà con phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tích cực phát triển kinh tế. Xuất hiện nhiều gương điển hình trong học tập, công tác, lao động sản xuất, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Tính đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 72,43 triệu đồng/năm, khu vực nông thôn đạt 60,11 triệu đồng/năm.

Bên cạnh việc hỗ trợ phát triển kinh tế, việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Đến nay, 100% các xã có nhà văn hóa, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 97% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 99% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, 100% người dân vùng đồng bào dân tộc được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Các giá trị văn hóa truyền thống được phục dựng và duy trì... Việc hỗ trợ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, như hỗ trợ sách, báo, tiền tết, thăm hỏi ốm đau, gia đình người có uy tín gặp hoàn cảnh khó khăn...

Cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lạc Thuỷ từng bước được cải thiện, tạo niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Ý kiến của bạn