Hà Nội: Khu trọ nghèo căng bạt, nhét túi nilong tránh rét
Những căn nhà lụp xụp dựng bằng tôn "trống trên hở dưới" là nơi ở của xóm lao động nghèo dưới chân cầu Long Biên. Mỗi đợt gió mùa về, họ lại phải đi xin bạt cũ hoặc dùng nilong nhét vào để tránh rét.
Nằm ngay dưới chân cầu Long Biên, ngay bên cạnh khu chợ thương mại náo nhiệt và phố phường hoa lệ, khu trọ nghèo đã tồn tại lặng lẽ nhiều năm nay. Từ trên Cầu Long Biên nhìn xuống, những mái fibro xi măng cũ nát, xám xịt như một bức tranh trái ngược với sự hoa lệ của Hà thành.
Đây là nơi sinh sống của khoảng 50 người, trong đó có nhiều cụ già neo đơn, sức khỏe yếu không ai chăm sóc.
Những ngôi nhà trong khu quần cư đều không được xây dựng kiên cố, vách tường đều dựng bằng các tấm tôn cũ dằng chéo cùng những cây tre nứa mục nát từ lâu. Gọi là nhà nhưng cũng chẳng khác túp lều là bao.
Anh Lê Văn Thịnh (38 tuổi) làm bốc vác tại chợ Long Biên đã sống ở khu trọ này được gần 5 năm nay, anh cho biết: "Mùa hè ở đây thì bí bách nóng nực, ẩm thấp. Còn mùa đông thì trong nhà cũng lạnh như ngoài trời. Những ngày mưa cũng dột nát đủ chỗ chẳng ngủ nổi. Không còn lựa chọn nào khác nên tôi mới phải ở đây".
Đưa PV đi quan sát một lượt dãy trọ, anh Thịnh chỉ một vài ngôi nhà vừa được các anh cùng sửa chữa lại. "Một số nhà nằm ngoài cùng bên phía bờ sông thì phải đi xin bạt cũ để quây kín chứ gió lùa thốc vào phòng không thể chịu nổi đâu. Có người may mắn ở được những phòng bên trong thì vẫn phải lấy áo mưa người ta bỏ đi hoặc túi nilong để dặm vào những chỗ hở, nếu không ban đêm gió rít vèo vèo qua mái, qua vách lạnh buốt người", anh Thịnh tâm sự.
Những người sống trong khu trọ nghèo đều là người lao động từ nhiều tỉnh thành dồn về. Họ làm đủ thứ nghề để kiếm sống qua ngày từ lao công, nhặt ve chai, bốc vác thuê,… thu nhập mỗi ngày cũng chỉ đủ ăn. Lúc ốm đau hoạn nạn người trong khu giúp đỡ, chăm sóc lẫn nhau. Thu nhập thấp nên việc tự bỏ tiền ra để sửa chữa lại căn nhà trọ hầu như chẳng ai nghĩ tới.
Những mảnh đời lặng lẽ cứ sống tại đây, với họ việc có một chỗ để chui ra chui vào như thế này đã là quá tốt. Cụ Trần Thị Ba (74 tuổi) sống cùng người con trai khờ khạo trong khu trọ này nhiều năm nay.
Ai trong xóm cũng biết đến cụ vì hoàn cảnh khó khăn vất vả. "Tôi sống ở đây quen rồi, bao năm nay vẫn vậy. Gió lùa mặc kệ gió lùa, lạnh vài hôm trời lại ấm có sao đâu. Cả ngày đi nhặt ve chai đến tối muộn mới về. Ở tuổi của tôi có chỗ đêm hôm nghỉ ngơi không phải lang thang là tôi thấy mừng rồi đấy". Dù cười nói lạc quan là thế xong không thể che đi nỗi buồn rầu trong đôi mắt cụ bà.
Nằm ngay sát cạnh sông Hồng, từng đợt gió kéo nhau tạt vào những ngôi nhà. Những tấm tôn va vào nhau lạnh ngắt. Người già trong xóm cũng đốt bếp củi vừa để nấu nướng và sưởi ấm không khí. Không bình nóng lạnh, không bếp ga đun nấu, chỉ có bếp lửa là nguồn sưởi giúp xua đi cái lạnh giá của mùa đông.
Bao năm nay, cứ lớp người này đi rồi lớp người khác lại đến ở. Có lẽ chính bởi sự thiếu thốn khó khăn đến cơ cực đã kéo những người dân ở đây lại gần nhau hơn. Dù điều kiện sống chẳng đủ đầy nhưng họ luôn quan tâm đến nhau lúc cần. Lại một mùa đông giá buốt kéo về, họ lại cùng chia sẻ những tấm bạt, những mảnh nilong để không ai trong khu bị rét.
Tin nổi bật
Tin Video