Giải mã bí ẩn 'Tam giác quỷ' Bermuda - bẫy tử thần của máy bay, tàu biển
Sau hàng thế kỷ xảy ra những vụ máy bay, tàu biển mất tích và tai nạn không dấu vết ở "tam giác quỷ" Bermuda, thế giới vẫn chưa thể giải mã những bí ẩn xung quanh khu vực này.
Người ta gọi nó là "tam giác quỷ" vì với nhiều người, khu vực biển nằm ở Đại Tây Dương nổi tiếng với những giả thuyết chưa thể lý giải, bao gồm khả năng "nuốt chửng" tàu biển và máy bay.
Trong hàng thế kỷ, Tam giác Bermuda trở thành một trong những bí ẩn về địa lý khó giải mã nhất trong lịch sử nhân loại vì đây là nơi đã xảy ra nhiều vụ các thủy thủ và phi công bị mất liên lạc rồi biến mất mãi mãi.
Dù chính phủ Mỹ không công nhận Tam giác Bermuda là một địa điểm hay mối đe dọa thực sự về mặt địa lý, những giả thuyết xoay quanh nó đã phác thảo nên bức tranh của sự bí ẩn, hoài nghi và cả sợ hãi.
Tam giác Bermuda là khu vực biển nằm ở Đại Tây Dương trải dài từ Puerto Rico (lãnh thổ thuộc Mỹ), Bermuda (lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh) và Miami của Mỹ. Ba điểm tạo thành 3 cạnh của một tam giác và khu vực này được xem là có liên quan tới cái chết và mất tích của hơn 8.000 người kể từ giữa thế kỷ 19.
Dù con số chính xác chưa được thống kê chính xác, nhưng theo Business Insider, ít nhất 50 tàu và 20 máy bay đã biến mất không dấu vết ở khu vực này. Sự bí ẩn này đã biến Bermuda trở thành chủ đề của những giả thuyết không có hồi kết.
Theo một số nhà nghiên cứu, những đồn đoán về Bermuda đã có trong nhiều thế kỷ. Một số tin rằng, vở kịch "The Tempest" của đại văn hào người Anh William Shakespeare dựa trên những câu chuyện bí ẩn và giả thuyết về vụ đắm tàu ở khu vực này. Theo đó, vụ đắm tàu của đô đốc Geirge Somers, người sáng lập ra vùng Bermuda, được cho đã truyền cảm hứng cho Shakespeare.
Khi Christopher Columbus, người khám phá ra châu Mỹ, đi qua khu vực Bermuda, ông được cho là nhìn thấy một ngọn lửa bùng lên trên biển và tạo nên ánh sáng kỳ lạ xuất hiện ở xa vài tuần sau đó.
Năm 1881, truyền thuyết kể lại rằng Ellen Austin, con tàu di chuyển từ Liverpool (Anh) tới New York (Mỹ), đã gặp phải một "con tàu ma" ở biển Sargasso, khu vực nằm trên Đại Tây Dương chồng lấn lên Tam giác Bermuda.
Coi đây là một cơ hội để thu về những kiện hàng có giá trị, thủy thủ đoàn của Ellen Austin đã cử vài người lên con tàu. Tuy nhiên, một cơn bão bất ngờ làm 2 tàu tách nhau ra. Ngày hôm sau, khi quay trở lại, họ không còn phát hiện ra tung tích của những thủy thủ trước đó. Thuyền trưởng của Ellen Austin cố gắng lên tàu một lần nữa để xem xét những tài sản quý giá. Nhưng khi ông này lên đến nơi, một màn sương mù dầy đặc ập tới và một lần nữa tách 2 con tàu ra. Lần này, "con tàu ma" đã biến mất hoàn toàn.
Năm 1895, Joshua Slocum, người đàn ông đầu tiên đi tàu một mình vòng quanh thế giới, mất tích khi di chuyển từ đảo Martha's Vineyard, bang Massachusetts, Mỹ tới Nam Mỹ. Trong đời mình, Slocum chưa bao giờ đi lạc trên biển và sự biến mất của ông được cho có liên quan tới Tam giác Bermuda.
Năm 1918, tàu nhiên liệu lớn nhất và nhanh nhất hải quân Mỹ lúc bấy giờ, USS Cyclops biến mất khi di chuyển từ Caribê về Baltimore, Maryland với 309 thủy thủ. Không có bất cứ một dấu vết nào còn lại của con tàu có thể mang lại manh mối về số phận thực sự của nó.
Dù được trang bị đầy đủ các thiết bị và tín hiệu cứu nạn, tàu USS Cyclops không phát đi bất cứ cảnh báo nào rằng có điều gì đó nguy hiểm đang xảy ra. Con tàu huyền thoại, từng vận chuyển hậu cần trong Thế chiến I đã biến mất không dấu vết.
Sau vụ việc này, hàng loạt giả thuyết đã được đưa ra, nhưng chưa thuyết phục. Nếu đó là một vụ đắm tàu, vậy mảnh xác ở đâu? Vì sao không có cuộc gọi cầu cứu nào? Tàu đã đi đâu, về đâu? Mọi người bắt đầu chuyển hướng sang những giả thuyết nghe có vẻ phi lý như các quái vật biển bí ẩn, ví dụ một con mực khổng lồ, đã gây ra vụ mất tích.
Tới năm 1941, tàu hải quân Mỹ USS Proteus chở 58 người và kiện hàng từ St. Thomas sang khu vực Bờ Đông. Nó đột ngột biến mất ở Tam giác Bermuda. Một tháng sau, tàu chị em với nó là USS Nereus tiếp tục biến mất với 61 người trên boong khi thực hiện hải trình tương tự.
Năm 1945, bí ẩn về Tam giác Bermuda tiếp tục được gợi lại khi 5 máy bay ném ngư lôi TBM Avenger cất cánh từ một căn cứ hải quân ở Ft. Lauderdale, Florida, Mỹ biến mất trên Đại Tây Dương trước khi hoàn thành nhiệm vụ.
"Chuyến bay 19" dự kiến sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ bay qua đảo Grand Bahama (Bahamas) rồi bay theo hướng tây nam để trở về căn cứ. Tuy nhiên, trên đường về, chỉ huy đội bay Charles C. Taylor trở nên hoang mang khi la bàn bị hỏng và quân nhân này đã chỉ đạo đội bay theo hướng đông bắc vì nghĩ rằng họ đang bay về Florida, Mỹ. Thực tế là, đội bay lại đi sâu hơn vào Đại Tây Dương.
Khi đội máy bay bắt đầu tiến gần Tam giác Bermuda, tín hiệu có họ yếu dần. Cuối cùng mọi liên lạc bị cắt đứt và các máy bay đã biến mất không dấu vết. Thông điệp cuối cùng được ghi lại là một phi công nói rằng: "Mọi thứ trông thật lạ, ngay cả đại dương phía dưới. Giống như là chúng tôi đang tiến vào một vùng nước màu trắng. Chúng tôi hoàn toàn bị lạc rồi".
Sự mất tích của "chuyến bay 19" bí ẩn và khó hiểu tới mức, một báo cáo của hải quân Mỹ nhận định rằng "cứ như là họ đã bay tới sao Hỏa vậy".
Năm 1948, một máy bay thương mại DC-3 chở theo 29 hành khách và 2 thành viên phi hành đoàn hướng về Miami, Florida. Khi chỉ còn cách vài chục km với sân bay, cơ trưởng Robert Lindquist đã thông báo để xin được chỉ dẫn hạ cánh. Tuy nhiên, tín hiệu vô tuyến đã im lặng và máy bay không bao giờ xuất hiện trở lại lần nữa.
Vào cùng năm, máy bay Anh Avro Tudor chở 25 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn biến mất không dấu vết. Không có bất cứ thông tin hay mảnh vỡ nào được tìm thấy.
Một năm sau, máy bay G0-AGRE di chuyển từ Bermuda tới Kingston, Jamaica nhưng bất ngờ mất tín hiệu liên lạc khi đi qua Tam giác Bermuda. Dù thời tiết khi đó rất tốt và chuyến bay vẫn được theo dõi, nhưng nó đã không xuất hiện trở lại lần nữa.
Năm 1963, tàu dầu SS Marine Sulphur Queen chở theo 39 người mất tích bất ngờ. Sau 2 tuần tìm kiếm, đội cứu hộ chỉ phát hiện ra vài mảnh vỡ và một vài chiếc áo phao.
Cụm từ "Tam giác Bermuda" chính thức được giới truyền thông Mỹ sử dụng năm 1964 sau khi họ nhận ra có nhiều vụ biến mất bí ẩn ở khu vực này.
Tới những năm 1967, 1978, 1984, hàng loạt các vụ mất tích tàu chở hàng, máy bay tiếp tục xảy ra và nhiều vụ việc tới nay vẫn chưa rõ tung tích.
Sự bí ẩn kéo dài hàng trăm năm của "Tam giác Bermuda" đã khiến nó trở thành chủ đề được quan tâm. Nhiều người đặt ra giả thuyết cho rằng, đây là khu vực có người ngoài hành tinh hoạt động, trong khi nhiều người tin dưới lòng đại dương kia là một thành phố và một nền văn minh khác dưới nước. Tuy nhiên, các câu chuyện này được xem là hư cấu nhiều hơn là những sự thật có bằng chứng.
"Ma trận" giả thuyết đã xuất hiện với hàng loạt các cách lý giải khác nhau. Các chuyên gia liên kết một số vụ mất tích với các hiện tượng tự nhiên diễn ra nhanh và nghiêm trọng, khu vực nước nông và các vụ phun trào khí mê-tan từ đáy biển.
Một trong những giả thuyết được đưa ra là do khí mê-tan. Nó được cho là khiến các con tàu chìm xuống "nghĩa địa" đại dương ở Tam giác Bermuda. Tại Siberia, Nga, băng cháy (Mê-tan hyđrat) - một dạng hỗn hợp dạng rắn giữa nước và khí tự nhiên, chủ yếu là khí mê tan bị nén lại trong một cấu trúc tinh thể nước - được xem là nguyên nhân gây ra các hố tử thần. Một số giả thuyết cho rằng, cơ chế ở Tam giác Bermuda cũng tương tự. Nếu lượng lớn khí mê-tan thoát ra từ đáy đại dương, nó có thể tạo ra các bong bóng lớn đủ làm nước biển biến động dẫn đến chìm tàu. Và mọi thứ diễn ra trong thời gian rất nhanh, có thể chỉ vài giây, tới mức mà những người trên các phương tiện không có đủ thời gian để phát tín hiệu cầu cứu hoặc trốn thoát khỏi tàu.
Với những người yêu thích khoa học viễn tưởng, họ đưa ra giả thuyết về "lỗ sâu" - ám chỉ một lối tắt không gian và thời gian, về mặt lý thuyết, thậm chí có thể cho phép du hành thời gian diễn ra. Giả thuyết này tới nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học.
Một giả thuyết khác được đặt ra là hiện tượng "vòi rồng nước", về cơ bản là giống như lốc xoáy trên đại dương và gây ra hiện tượng hút nước cực mạnh vào vòi rồng.
Ngoài ra, một số chuyên gia đặt ra giả thuyết về Hải lưu Gulf Stream. Đây là một hải lưu mạnh, ấm và chảy nhanh ở Đại Tây Dương xuất phát từ vịnh Mexico, chảy qua eo biển Florida tới bờ biển phía đông nước Mỹ và Newfoundland. Giả thuyết ở đây là, hải lưu này di chuyển dọc theo rìa Tam giác Bermuda và nó có thể gây ra sóng cao và làm chìm tàu thuyền. Những con sóng này có thể dâng lên không có cảnh báo và có thể cuốn tàu thuyền, hoặc hạ gục máy bay đang bay sát mặt biển.
Mặt khác, Tam giác Bermuda được xem là một trong những nơi trên trái đất này mà la bàn gặp vấn đề với việc chỉ về hướng bắc vì nhiễu loạn về mặt từ trường tại đây. Nhiều người ghi nhận các vụ việc kỳ lạ với la bàn của họ tại khu vực này trong nhiều năm. Dù nó không phải là luôn xảy ra, nhưng khi xảy ra nó có thể khiến tàu thuyền và máy bay đi chệch hướng.
Dù có hàng loạt giả thuyết về tự nhiên và các hiện tượng bí ẩn thì sai lầm của con người cũng được xem là một khả năng. Trên thực tế, hàng năm, những sơ xuất tưởng như đơn giản từng gây ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc. Ví dụ, bất cứ sai lầm nào của cơ trưởng hay thuyền trưởng đều có thể khiến những người trên các phương tiện trên trả giá bằng mạng sống. Ngay cả vụ biến mất của 5 máy bay ném ngư lôi năm 1945, nhiều người tin rằng, đó có thể là do chỉ huy của các phi cơ say rượu và từng đi lạc trước đó.
Trên thực tế, chính phủ Mỹ chưa bao giờ coi khu vực Tam giác Bermuda này là một vị trí địa lý có nguy cơ bị đe dọa và không có bằng chứng nào cho thấy rằng các vụ mất tích xảy ra ở Tam giác Bermuda có tần suất cao hơn so với các dải đại dương khác nếu so sánh tương quan với hoạt động của tàu thuyền, máy bay đi qua khu vực khá bận rộn này, theo Business Insider.
Trong một bài viết đăng tải trên tạp chí Discover, nhà khoa học Nathaniel Scharping cho rằng, thực tế là việc khu vực Tam giác Bermuda là nơi đông đúc các phương tiện tàu bè và máy bay qua lại có thể là nguyên nhân của một số vụ mất tích.
"Bất cứ khu vực nào có nhiều tàu thuyền đi ngang qua có thể ghi nhận nhiều vụ tai nạn hơn là khu vực có ít hoạt động. Thêm vào đó, sự thật là Tam giác Bermuda thường xảy ra bão và điều này có thể khiến tàu thuyền biến mất", ông Scharping giải thích.
Giả thuyết về khí mê-tan dưới đáy biển cũng bị bác bỏ bởi nhà địa chất khảo sát địa chất người Mỹ Bill Dillon. Ông Dilton cho biết, không có bất cứ bằng chứng nào về việc khí mê-tan phun lên từ đáy biển ở khu vực này trong thời gian gần đây. Lần cuối cùng một hiện tượng tương tự như vậy xảy ra là vào 15.000 năm trước.
Giả thuyết về từ trường nhiễu loạn ở Tam giác Bermuda khiến la bàn bị lệch hướng cũng bị ông Scharping phản bác là không thuyết phục. Ông cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy từ trường ở Tam giác Bermuda bất thường và điều này có thể thấy rõ khi nhìn vào bản đồ từ tính của khu vực.
Tháng 1/2020, xác tàu SS Cotopaxi, vốn biến mất vào năm 1925, bất ngờ được các nhà khoa học tìm thấy ở khu vực St. Augustine, Florida. Con tàu này từng bị xem là "nạn nhân" của Tam giác Bermuda. Tuy nhiên, sau khi nó bị phát hiện, các nhà khoa học chỉ ra nó bị chìm vì tàu khá xập xệ và phải trải qua một trận bão. Sự xuất hiện trở lại của con tàu sau gần 100 năm đã dập tắt hàng loạt giả thuyết về nguyên nhân tàu biến mất trước đó.
Nhà khoa học Scharping cho rằng, những xôn xao xoay quanh Tam giác Bermuda có thể là sản phẩm do chính con người tạo ra. Trí óc của con người thường thiên về những sự kiện kỳ lạ hoặc đáng nhớ, mà thường không quan tâm tới tính chính xác của khía cạnh thống kê. Ví dụ, chúng ta thường có xu hướng ghi nhớ các sự kiện đặc biệt, như một con tàu biến mất bí ẩn, hơn là những thứ bình thường hơn, ví dụ như một con tàu chìm trong bão.
Đây được xem là hiện tượng tâm lý Baader-Meinhof, còn được gọi là ảo giác về tần số, tức là ảo tưởng rằng khi một người khi đã biết đến một sự vật nào đó thì bỗng nhiên nó xuất hiện với tần số cao hơn, dẫn đến việc người này tin rằng sự vật đó xuất hiện thường xuyên, trong khi các thống kê về mặt khoa học thì không như vậy. Ông Scharping nhấn mạnh, Tam giác Bermuda có thể không hẳn là nguy hiểm hơn các khu vực khác như cách mọi người vẫn nghĩ về nó.