Những người phụ nữ 'có 1 không 2' trong lịch sử phong kiến Việt Nam (phần 1)
(VOVTV) - Lý Chiêu Hoàng, Dương Vân Nga, Hai Bà Trưng, Trần Thị Dung... là những người phụ nữ đặc biệt trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
1. Lý Chiêu Hoàng - Người phụ nữ đặc biệt nhất của Lịch sử Việt
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Chiêu Hoàng sinh năm 1218 (Mậu Dần), là con thứ của Lý Huệ Tông và Hoàng hậu Trần Thị Dung. Bà chính là vị nữ hoàng đầu tiên và duy nhất của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Ngoài ra, bà còn là vị Hoàng hậu được sắc lập trẻ nhất lịch sử Việt. Và điều khiến Lý Chiêu Hoàng trở thành người phụ nữ đặc biệt nhất trong lịch sử Việt Nam chính là trong suốt 60 năm cuộc đời (từ năm 1218 đến 1278) bà đã giữ 7 danh vị khác nhau.
Đầu tiên chính là Công chúa triều Lý. Đây cũng là danh vị đầu tiên trong cuộc đời của bà. Lý Chiêu Hoàng được vua cha sắc phong làm Chiêu Thánh công chúa không bao lâu sau khi sinh.
Thứ 2 là danh vị Hoàng Thái nữ nhà Lý. Năm 1224, vua Lý Huệ Tông xuống chiếu lập Chiêu Thánh là Hoàng Thái nữ khi sức khỏe của ông đang ngày càng yếu mà không có con trai nối dõi.
Danh vị thứ 3 chính là nữ hoàng nhà Lý khi Lý Chiêu Hoàng lên ngôi vào năm 1224. Và bà trở thành vị nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Lý Chiêu Hoàng lấy niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo và tôn hiệu là Chiêu Hoàng.
Sau đó không bao lâu, bà trở thành Hoàng hậu của nhà Trần. Đây cũng là danh vị thứ 4 trong cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng. Chưa đến 1 năm sau khi lên ngôi, bà nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, rồi trở thành vị Hoàng hậu đầu tiên của triều Trần và cũng là vị Hoàng hậu trẻ tuổi nhất lịch sử Việt Nam - 8 tuổi.
Lý Chiêu Hoàng do không thể hoài thai sau khi Hoàng Thái tử Trịnh, con của bà và Trần Cảnh mất vào năm 1233, đã bị phế xuống làm công chúa. Đại Việt sử ký có chép lại: "Hoàng Thái tử sinh, tất phải chép rõ ngày, tháng, năm sinh; khi mất cũng thế. Đây chỉ chép khi mất, có lẽ là vừa mới sinh đã chết ngay, nên không chép ngày tháng sinh". Và công chúa nhà Trần là danh vị thứ 5 của bà. Trần Cảnh lúc đó đã lập chị gái của Lý Chiêu Hoàng đồng thời cũng là vợ của anh trai ruột Trần Liễu, Thuận Thiên công chúa lên làm Hoàng hậu.
Sau nhiều biến cố của cuộc đời, bà từng nương nhờ của Phật để tìm chút bình an. Và ni cô là một trong những danh vị của Lý Chiêu Hoàng mà ít người biết đến.
Sau này, Lê Phụ Trần, một vị đại thần có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông đã được Trần Thái Tông ban hôn với Lý Chiêu Hoàng. Bảo Văn hầu phu nhân là danh vị cuối cùng của bà.
2. Trưng Trắc - Nữ vương đầu tiên
Lý Chiêu Hoàng không phải là vua nữ duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Trước bà, vị nữ quân chủ, nữ vương đầu tiên của nước ta là Trưng Trắc. Bà chính là nữ anh hùng, người lãnh đạo nhân dân ta đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Đông Hán.
Dưới sự cai trị vô cùng tàn ác và đặc biệt là chế độ Hán hóa của phương Bắc khiến cuộc sống của người dân nước ta lúc bấy giờ khổ cực, khó khăn. Làn sóng phẫn nộ và chống lại bùng lên mạnh mẽ, trong đó có vợ chồng Thi Sách - Trưng Trắc.
Tuy nhiên, khi biết được ý định khởi nghĩa của vợ chồng bà, Thái thú Tô Định ra tay sát hại Thi Sách như một đòn cảnh cáo, đánh gãy ý chí, tinh thần đấu tranh của nhân dân ta hồi đó. Nhưng hành động này đã khiến cho quyết tâm "Đền nợ nước, trả thù nhà" ngày càng sục sôi trong lòng Trưng Trắc.
Năm 40 sau công nguyên, Trưng Trắc cùng người em gái là Trưng Nhị (dân ta thường gọi là Hai Bà Trưng) đã giương cao ngọn cờ khởi nghĩa và nhận được sự ủng hộ của người dân cả nước, tạo nên sức mạnh vô song. Tương truyền, trước khi ra trận, Trưng Trắc lập lời thề:
Một xin rửa sạch nước thù.
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng.
Ba kẻo oan ức lòng chồng.
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này.
Với ý chí chiến đấu cùng tinh thần đoàn kết của nhân dân ta mà chỉ trong thời gian ngắn, nghĩa quân của Trưng Trắc đã chiếm được 65 huyện, thành (tức toàn bộ lãnh thổ nước ta thời đó), khiến Tô Định khiếp sợ mà bỏ chạy về nước. Nhà sử học Lê Văn Hưu nói: "Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương" (Trích Đại Việt sử ký toàn thư).
Sau khi đánh đuổi được quân xâm lược, Trưng Trắc được nhân dân ta suy tôn lên làm vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh. Bà trở thành nữ quân chủ đầu tiên và cũng là nữ vương duy nhất trong lịch sử Việt Nam.
3. Nguyễn Thị Sen - vị Hoàng hậu được tôn làm Thánh Tổ nghề may
Nguyễn Thị Sen chính là Hoàng hậu của nhà Đinh, là vợ của vua Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh). Bên cạnh đó, bà còn được tôn vinh là bà tổ nghề may, tạo nên làng nghề Trạch Xá (thuộc Hà Nội ngày nay) nổi tiếng với nghề may áo dài, áo lễ hội, cung đình.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép lại, Đinh Tiên Hoàng có tất cả 5 vị Hoàng hậu, gồm: Cồ Quốc, Đan Gia, Kiều Quốc, Ca Ông và Trinh Minh. Nguyễn Thị Sen chính là Hoàng hậu Cồ Quốc. Bà và vị vua họ Đinh gặp nhau khi ông về làng Trạch Xá (nay là thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội) chiêu mộ nhân tài. Sau đó, Nguyễn Thị Sen theo Đinh Bộ Lĩnh về kinh. Khi ở trong cung, nhờ vào tài năng, sự khéo léo cũng sức sáng tạo không ngừng, bà đã sáng tạo được nghề may cùng các cung nữ.
Tuy nhiên, sau khi vua Đinh Tiên Hoàng qua đời, hậu cung về tay Dương Vân Nga và Lê Hoàn, Nguyễn Thị Sen đã cùng công chúa Liên Hoa, bỏ lại Hoàng cung rộng lớn để với với quê nhà thân thương. Tại đây, bà đã truyền dạy nghề may cho dân làng Trạch Xá. Sau khi bà mất, dân chúng ở đây đã tôn bà là Thánh Tổ nghề may và lập đền thờ.
Hiện nay, cứ vào ngày 12 tháng Chạp, người dân làng Trạch Xá lại tổ chức Lễ giỗ tổ nghề may để thể hiện tấm lòng tri ân của hậu thế đối với công đức của vị Hoàng hậu đặc biệt này.
4. Đại Thắng Minh Hoàng hậu và Linh Từ quốc mẫu - Hai người phụ nữ làm thay đổi triều đại
Đại Minh Thắng Hoàng hậu hay còn được biết đến với cái tên Dương Vân Nga là một người phụ nữ quyền lực của 2 triều đại trong lịch sử Việt. Bà được biết đến với danh vị Hoàng hậu của 2 vị Hoàng đế lập quốc là Đinh Bộ Lĩnh (vua Đinh Tiên Hoàng), người lập lên nhà Đinh và Lê Hoàn (vua Lê Đại Hành), người lập lên nhà tiền Lê.
Vào năm 979, khi Đinh Bộ Lĩnh và Hoàng tử Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại, thì con trai của Dương Vân Nga là Vệ Vương Đinh Toàn được tôn lên làm vua khi mới chỉ 6 tuổi. Lúc này, bà trở thành Hoàng Thái Hậu và cùng với tướng quân Lê Hoàn làm nhiếp chính cho vua.
Khi này, quân Tống ở phương Bắc đang có ý định xâm lược nước ta. Đứng trước vận mệnh của đất nước, khi vua còn quá nhỏ, không đảm đương được việc triều chính, Thái hậu họ Dương đã có một quyết định quyết đoán: Khoác Long bào cho Lê Hoàn.
Hành động này của bà đã đặt dấu chấm hết cho triều Đinh và mở ra triều tiền Lê. Sau đó, Lê Hoàn lên ngôi vua, lãnh đạo nhân dân đánh tan sự xâm lược của quân Tống. Dương Vân Nga được vua Lê Đại Hành phong làm Đại Thắng Minh Hoàng hậu. Không có tài liệu chính thống nào ghi chép về các người con của bà với vua Lê, nhưng theo tương truyền, hai người có một người con gái là công chúa Phất Ngân - người sau này được gả cho Lý Công Uẩn.
Những năm tháng cuối đời, Dương Vân Nga chọn động Am Tiên để tu hành. Tại đây còn lưu giữ bài thơ về bà:
Hai vai gồng gánh hai Vua
Hai triều Hoàng hậu, tu Chùa Am Tiên
Theo chồng đánh Tống bình Chiêm
Có công với nước, vô duyên với đời
Ngoại trừ Đại Thắng Minh Hoàng hậu Dương Vân Nga thì lịch sử Việt Nam còn ghi nhận thêm một người phụ nữ đặc biệt khác, đã góp công vào việc thay đổi một triều đại, đó là Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung. Bà được biết đến là vị Hoàng hậu cuối cùng của triều Lý, vợ của vua Lý Huệ Tông và là mẹ của Chiêu Thánh Hoàng Hậu và Thuận Thiên Hoàng Hậu.
Khi nhà Lý đang lúc suy tàn, bà cùng với Trần Thủ Độ - người em họ và sau này là chồng bà mưu đồ chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần. Bà có góp công lớn để con gái mình - Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh.
Sau khi nhà Trần được thành lập, bà trở thành Thiên Cực công chúa và gả cho Trần Thủ Độ - người giữ chức Thái sư nhà Trần. Không chỉ vậy, sự kiện "Lý phế hậu" nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam cũng có sự góp công của bà. Khi Lý Chiêu Hoàng không thể hoài thai sau một lần sinh nở bất thành, bà cùng Trần Thủ Độ lên kế hoạch, đưa người con gái khác của mình, là chị gái ruột của Lý Chiêu Hoàng, vợ của anh trai Trần Thái Tông lên làm Thuận Thiên Hoàng hậu để giữ vững nhà Trần thuở đầu lập nghiệp.
Nhờ vào những đóng góp không nhỏ đối với nhà Trần, Trần Thị Dung được phong là Linh Từ Quốc mẫu.
5. Nguyễn Thị Bành - Giả trai tòng quân
Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, ta đã chứng kiến nhiều nữ tướng dũng mãnh ra chiến trường nhưng giả trai xuất chinh thì chỉ có Nguyễn Thị Bành. Bà là nữ tướng nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, góp công vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và là vợ của khai quốc công thần nhà Hậu Lê - Nguyễn Chích.
Câu chuyện giả trai đi tòng quân của Nguyễn Thị Bành bắt đầu khi quân Minh xâm lược nước ta, gây nên nhiều tội ác "đất trời khó chấp". Lúc này, nghĩa quân của Nguyễn Chích được nhiều người ủng hộ nên bà đã giả trai tới để đầu quân. Tuy nhiên, thấy dáng người nhỏ nhắn của Nguyễn Thị Bành, Nguyễn Chích đã để bà so tài với các tướng của mình trước khi thu nhận.
Kết quả là Nguyễn Thị Bành đã hạ gục hết tất cả, khiến cho tướng Nguyễn Chích thán phục. Từ đó, bà trở thành cánh tay đắc lực của ông trong suốt thời kỳ đấu tranh. Tuy nhiên, dưới con mắt tinh tường của Nguyễn Chích, thân phận gái giả trai của Nguyễn Thị Bành nhanh chóng bại lộ. Nhưng ông không đuổi bà đi mà giữ bên người bởi ý chí và tài năng của Nguyễn Thị Bành khiến ông khâm phục.
Sau những ngày tháng sát cánh, hai người nảy sinh tình cảm và đến với nhau. Nguyễn Chích cùng Nguyễn Thị Bành đã thiết lập lên đội quân bồ câu đưa tin. Sau này, nghĩa quân của hai ông bà đã gia nhập vào nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi.