Tình báo Anh tôn vinh cha đẻ của ngành khoa học máy tính Alan Turing
(VOVTV) - Cơ quan tình báo lớn nhất của Anh GCHQ đã trưng bày một tác phẩm nghệ thuật khổng lồ nhiều màu sắc để tôn vinh Alan Turing, người đã có đóng góp to lớn trong Thế chiến thứ 2, nhưng lại bị ngược đãi do là người đồng tính.
Tác phẩm nghệ thuật - một bức tranh cỡ lớn với trung tâm là hình ảnh khuôn mặt Alan Turing, xung quanh là cỗ máy do ông thiết kế có tên "Bombe". Đây là cỗ máy giúp giải mã hệ thống Enigma, thứ vũ khí tối thượng của phát xít Đức, góp phần giúp phe Đồng minh chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Được coi là cha đẻ của máy tính hiện đại, Alan Turing cùng một đội ngũ đã giúp điệp viên Anh bẻ khóa được mật mã Enigima của hải quân Đức Quốc xã. Bước đột phá này đã được đưa vào bộ phim "The Imitation Game" (Người giải mã) năm 2014. Bộ phim đã được đề cử giải Oscar năm 2015 cho “Phim hay nhất”.
Có đóng góp lớn, nhưng năm 1952 Alan Turing lại bị xét vào tội cư xử không đúng khuôn phép, do có quan hệ với một người cùng giới, và bị buộc phải tiêm hormone. Hai năm sau, ông ăn 1 quả táo tẩm xyanua để tự sát ở tuổi 41.
Tác phẩm đặt chính giữa trụ sở Cục tình báo thông tin Anh, tòa nhà hình vòng tròn vẫn được gọi là "bánh vòng" ở Benhall, thành phố Cheltenham, được công bố nhân ngày sinh của Alan Turing 23/6/1912-23/6/2021 và kỷ niệm việc phát hành đồng 50 bảng Anh mang hình ảnh của 'bộ óc' vĩ đại của nước Anh.
Tác phẩm do nghệ sĩ 3D Joe Hill sáng tác có chứa 15 mã ẩn dành cho người xem khám phá.
Tác phẩm cũng mang 1 câu nói nổi tiếng của Alan Turing: "Đôi khi chính những người mà không ai mảy may nghĩ tới lại chính là những người làm nên những điều không ai có thể tưởng tượng."
Giám đốc GCHQ Jeremy Fleming cho biết, ông là người được yêu mến vì sự xuất chúng, nhưng lại bị ngược đãi vì là người đồng tính.
Ngày 10/9/2009, Thủ tướng Anh Gordon Brown đã thay mặt chính phủ có lời xin lỗi chính thức tới nhà giải mã từng lập công lớn thời Thế chiến thứ Hai. Miêu tả những gì Alan phải chịu đựng là “kinh khủng” và “không công bằng”, ngài Thủ tướng thừa nhận rằng đất nước mình nợ nhà toán học tài năng một món nợ to lớn. “Nếu không có đóng góp phi thường của ông, lịch sử Chiến tranh thế giới thứ Hai có lẽ sẽ rất khác biệt”, Thủ tướng Brown viết trên tờ thông báo dán trước cửa Văn phòng Chính phủ tại số 10 phố Downing.
Cho đến nay, những nghiên cứu của Turing vẫn được xem là một trong những chuẩn mực để đánh giá các máy tính và trí tuệ nhân tạo. Có thể nói, những đóng góp của Turing cho nhân loại là rất to lớn. Chỉ tiếc rằng ông không còn sống để nhìn thấy những thành quả này. Năm 1999, tạp chí Time của Mỹ đã đưa Alan Turing vào danh sách 100 nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ XX.
Tin Video