Tiết lộ 7 sự thật trong lịch sử về Hoàng gia Anh
Trải qua hơn một nghìn năm trị vì, chế độ quân chủ của Anh đã hoạt động theo một loạt các quy tắc và một số quy tắc đã thay đổi theo thời gian. Trang History.com tiết lộ 7 sự thật trong lịch sử của Hoàng gia Anh.
Lịch sử Hoàng gia Anh đã chứng minh một điều rằng, quyền lực lớn đi kèm với trách nhiệm lớn và rất nhiều quy tắc. Mặc dù vai trò của người trị vì trong xã hội hiện đại phần lớn mang tính biểu tượng, nhưng dấu ấn của các truyền thống được truyền lại trong triều đại hàng nghìn năm của chế độ quân chủ Anh vẫn là những lời nhắc nhở về quá khứ.
1. Ai là vị vua đầu tiên của Anh?
Vị vua đầu tiên của Anh là Athelstan (895-939 sau Công nguyên). Ông Athelstan là cháu nội của Alfred Đại đế và người chú thứ 30 của Nữ hoàng Elizabeth II. Vua Athelstan của vương quốc Anglo-Saxon đã đánh bại những kẻ xâm lược người Viking cuối cùng và xây dựng nước Anh vững mạnh hơn, cai trị từ năm 925-939 sau Công nguyên.
2. Ai có thể trở thành vua hoặc nữ hoàng của Anh?
Bắt đầu từ triều đại của Vua William Nhà Chinh phạt (William I), chế độ quân chủ được truyền từ vua cho con trai đầu lòng của ông. Điều này đã được thay đổi vào năm 1702, khi Quốc hội Anh thông qua Đạo luật Kế vị, trong đó tuyên bố rằng sau khi Vua William III (vị vua khi đó-ND) qua đời, tước hiệu hoặc kế vị sẽ được chuyển cho Công chúa Anne và những người thừa kế của bà.
Điều này đồng nghĩa với việc một người phụ nữ có thể thừa kế ngai vàng khi không có người thừa kế nam. Nhận được sự chấp thuận của Giáo hội Anh, Đạo luật Kế vị cũng tuyên bố rằng, bất kỳ người thừa kế nào kết hôn với những tín đồ Công giáo La Mã sẽ bị loại khỏi hàng kế vị.
Các quy tắc xung quanh việc ai có thể thừa kế ngai vàng nước Anh đã không thay đổi cho đến năm 2013, khi Quốc hội Anh thông qua Đạo luật Kế vị Ngai vàng. Trong đó có quy định mới cho phép con đầu lòng của Vua/Nữ hoàng có quyền thừa kế ngai vàng dù đó là con trai hay con gái.
3. Người trị vì có quyền phủ quyết hôn nhân của thành viên trong gia đình
Đạo luật Hôn nhân Hoàng gia năm 1772 trao cho quốc vương quyền phủ quyết việc kết hôn của một thành viên trong gia đình. Đạo luật này được thông qua để hưởng ứng cơn giận dữ của Vua George III đối với cuộc hôn nhân của em trai là Hoàng tử Henry với thường dân Anne Horton.
Kể từ đó, các thành viên trong Hoàng gia Anh muốn kết hôn phải được sự đồng ý của người trị vì. Mặc dù vậy, sự xin phép này không phải lúc nào cũng được đồng ý. Nữ hoàng Elizabeth II đã không cho phép em gái mình, Công chúa Margaret kết hôn với Peter Townsend, một anh hùng chiến tranh, với lý do Townsend là một thường dân và đã ly hôn.
Đạo luật này đã được giảm nhẹ khi thông qua Đạo luật Kế vị năm 2013, cho phép những người thừa kế ngoài 6 người đầu tiên trong hàng kế vị của Hoàng gia Anh kết hôn mà không cần sự cho phép của người trị vì.
4. Vua và Nữ hoàng Anh không sử dụng tên họ cho đến Thế chiến thứ nhất
Cho đến đầu thế kỷ 20, người trị vì nước Anh được gọi bằng tên riêng đi kèm tên hiệu triều đại của mình. Chẳng hạn, Vua Henry III và các con của ông đều thuộc nhà Tudors.
Điều này đã thay đổi trong Thế chiến thứ nhất, khi nổ ra chiến tranh giữa Anh và Đức. Vua George V đã gặp khó xử trong mối quan hệ gia đình: Ông nội của Vua George V, Hoàng tử Albert, được sinh ra ở Đức, và George V được thừa kế chức danh người đứng đầu Vương tộc Saxe-Coburg-Gotha.
Để giữ khoảng cách giữa người đứng đầu nước Anh với các mối quan hệ ở nước ngoài, họ đã được thay thế bằng một tên họ tiếng Anh là Windsor. Tên Windsor được lấy cảm hứng từ lâu đài Windsor, được thành lập bởi Vua William Nhà Chinh phạt.
5. Thành viên Hoàng gia Anh có thể kết hôn với thường dân không?
Theo History, Hoàng gia Anh có thể kết hôn với thường dân ngay từ thế kỷ 15. Năm 1464, Vua Edward IV bí mật kết hôn với thường dân Elizabeth Woodville, một góa phụ. Vua James II cũng kết hôn với thường dân Anne Hyde.
Kể từ khi Đạo luật Hôn nhân Hoàng gia năm 1772 được thông qua để chấp nhận cuộc hôn nhân của Hoàng tử Henry với thường dân Anne Horton, các cuộc hôn nhân giữa thành viên Hoàng gia Anh và thường dân hầu như không diễn ra trong gần 250 năm.
Khi các quy tắc về hôn nhân, ly hôn thay đổi, các cuộc hôn nhân tại Hoàng gia Anh cũng thay đổi. Cả hai người con của Thái tử Charles và Công nương Diana đều được phép kết hôn với thường dân: Hoàng tử William kết hôn với Kate Middleton vào năm 2011 và em trai của William, Harry, kết hôn với nữ diễn viên người Mỹ Meghan Markle vào năm 2018.
6. Thành viên Hoàng gia Anh có thể ly hôn không?
Theo History, việc ly hôn đối Hoàng gia Anh là một sự đau buồn. Đến năm 2002, Giáo hội Anh mới cho phép những người ly hôn được tái hôn. Trước đó, Giáo hội Anh cho rằng người trị vì nước Anh cũng là người đứng đầu Giáo hội Anh và những người thừa kế ngai vàng bị cấm kết hôn với những người đã ly hôn hoặc không được phép ly hôn.
Năm 1820, Vua George IV đã ly hôn với Caroline với lý do vợ mình không chung thủy. Năm 1936, Vua Edward VII quyết định thoái vị để kết hôn với Wallis Simpson, người Mỹ đã ly hôn hai lần. Ông là thành viên cuối cùng trong Hoàng gia Anh bị buộc phải lựa chọn giữa tình yêu và sự kế vị.
Trước khi có phán quyết của Giáo hội Anh vào năm 2002, em gái của Nữ hoàng Elizabeth II, Công chúa Margaret, đã được phép ly hôn vào năm 1978. Vào năm 1996, Nữ hoàng Elizabeth II đã chấp thuận cuộc ly hôn giữa con trai bà là Thái tử Charles và Công nương Diana. Charles tiếp tục kết hôn với Camilla Parker Bowles, một người phụ nữ cũng từng ly hôn, vào năm 2005.
7. Vua hoặc Nữ hoàng không chỉ là người đứng đầu mỗi nước Anh
Ngoài việc là người đứng đầu Nhà thờ Anh giáo, người trị vì nước Anh còn là người đứng đầu Khối thịnh vượng chung Anh, một hiệp hội gồm 54 quốc gia độc lập, hầu hết từng là lãnh thổ của Đế quốc Anh.
Elizabeth II là Nữ hoàng của 16 quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung Anh bao gồm Antigua và Barbuda, Australia, Bahamas, Barbados, Belize, Canada, Grenada, Jamaica, New Zealand, Papua New Guinea, Saint Kitts và Nevis, Saint Lucia, Saint Vincent và Grenadines, Quần đảo Solomon, Tuvalu và Anh.