Thế giới

Diễn biến dịch Covid-19 tại châu Á chưa có dấu hiệu 'hạ nhiệt'

Tính đến 6h sáng 3/8, thế giới đã có 199.509.170 ca mắc Covid-19, trong đó 4.247.166 trường hợp tử vong. Tình hình dịch bệnh tại châu Á chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

03/08/2021 09:38

Châu Á

Tại Malaysia, diễn biến dịch Covid-19 vô cùng đáng ngại. Các ca mắc mới liên tục leo thang với tốc độ nhanh, trong khi số ca tử vong cũng ở mức báo động. Bộ Y tế Malaysia thông báo, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 219 ca tử vong do Covid-19, mức tử vong trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nâng tổng số ca tử vong lên 9.403 ca. Số ca mắc mới Covid-19 cũng tăng thêm 15.764 ca, hầu hết phát sinh trong cộng đồng.

Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh. Bang miền Đông Sarawak đã kéo dài tình trạng khẩn cấp cho đến tháng 2/2022, theo đó sẽ hoãn các cuộc bầu cử địa phương.

Chính phủ Indonesia đã quyết định gia hạn lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 4 ở một số tỉnh và thành phố từ ngày 3 đến 9/8 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Tổng thống Joko Widodo cho biết, quyết định trên được đưa ra khi số ca mắc và ca tử vong do Covid-19 vẫn chưa giảm nhiều dù số lượng bệnh nhân hồi phục có sự gia tăng.

Tại Singapore, Bộ Y tế thông báo thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới đối với những người đến từ Australia hoặc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) sau khi số ca mắc Covid-19 gia tăng tại những nơi này.

Kể từ 0h ngày 3/8, tất cả những người có lịch sử đi lại đến Australia trong 21 ngày qua sẽ phải thực hiện cách ly 14 ngày tại cơ sở tập trung hoặc tại nơi ở, nhiều hơn 7 ngày so với quy định trước. Những người chọn cách ly tại nơi cư trú phải ở một mình, hoặc với các thành viên trong gia đình có cùng thời hạn cách ly và lịch sử đi lại.

Những người này trước khi đến Singapore phải xuất trình kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với vi rút SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ. Ngoài ra, những người này còn phải thực hiện xét nghiệm RT-PCR khi đến và trước khi kết thúc thời gian cách ly cũng như làm các xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 3, thứ 7 và thứ 11 trong thời gian cách ly.

Diễn biến dịch Covid-19 tại châu Á chưa có dấu hiệu 'hạ nhiệt' - Ảnh 1.

Một điểm tiêm chủng ngừa Covid-19 lưu động trên đảo Bali, Indonesia

Trung Quốc đã ra "báo động đỏ" trước sự bùng phát của một đợt dịch mới. Ít nhất 18 trên tổng số 31 tỉnh và thành phố cấp tỉnh ở Trung Quốc đã báo động về đại dịch Covid-19 khi có hơn 300 ca lây nhiễm trong nước đã được phát hiện trong 10 ngày, đặt ra những thách thức lớn cho nước này khi phải đối phó với đợt dịch tồi tệ nhất trong nhiều tháng qua.

Chính quyền tỉnh Hồ Bắc, trong 24 giờ qua, đã ghi nhận 7 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tại thành phố Vũ Hán. Những người này được xác định là công nhân nhập cư tại Khu phát triển kinh tế và công nghệ Vũ Hán. Đây là những trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Vũ Hán sau hơn 1 năm thành phố từng là tâm dịch này không ghi nhận bất kỳ ca lây nhiễm nào trong cộng đồng.

Chính quyền Thủ đô Bắc Kinh cho biết, người dân, các phương tiện, hãng hàng không và tàu hỏa từ những khu vực có các ca nhiễm Covid-19 đang bị hạn chế vào Bắc Kinh. Những tỉnh, thành phố của Trung Quốc phát hiện các ca nhiễm Covid-19 cũng đã đồng loạt tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt.

Nhật Bản đã bổ sung 4 tỉnh ban bố tình trạng khẩn cấp ngoài khu vực thủ đô Tokyo và Okinawa, nhằm ứng phó với tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới trong thời gian gần đây.

Theo quyết định của Chính phủ Nhật Bản, Osaka và 3 tỉnh giáp với thủ đô Tokyo gồm Chiba, Kanagawa, Saitama đã được bổ sung vào danh sách các địa phương áp dụng tình trạng khẩn cấp kéo dài đến hết ngày 31/8.

Trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ bán đồ uống có cồn và hát karaoke tại 6 tỉnh trên hoàn toàn bị đóng cửa, nhưng sẽ nhận được tiền hỗ trợ từ chính phủ. Mọi dịch vụ không liên quan đến rượu, bia sẽ được hoạt động, song phải đóng cửa trước 20h hằng ngày.

Châu Âu

Giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu, bà Dorit Nitzan nhấn mạnh, tính đến ngày 3/8, khu vực châu Âu đã có gần 1,2 triệu ca tử vong do Covid-19...

Bà Nitzan cũng bày tỏ lo ngại về tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp tại châu Âu, đặc biệt là trong các nhóm dân số ưu tiên như: Những người trên 60 tuổi, nhân viên chăm sóc sức khỏe, những người sống trong các cơ sở chăm sóc dài hạn và những người có bệnh lý nền. 

Bà cho rằng, tình trạng này có nguy cơ dẫn đến nhiều trường hợp nhập viện và tử vong hơn.

Bà Nitzan nêu rõ, để chấm dứt đại dịch, các nước phải nhanh chóng mở rộng quy mô tiêm chủng một cách công bằng ở tất cả các quốc gia, bao gồm hỗ trợ sản xuất vắc xin và chia sẻ liều lượng để bảo vệ những người dễ bị tổn thương ở mọi quốc gia.

Thông cáo của WHO khu vực châu Âu cũng cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn khi người dân đi du lịch. Cơ quan này nêu rõ: "Việc đi du lịch và tụ tập đông người có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh và lây lan dịch Covid-19. Nếu bạn muốn đi du lịch, hãy suy nghĩ về nhu cầu và đánh giá rủi ro của mình. Quyết định của bạn sẽ góp phần chấm dứt đại dịch này".

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận