Kinh doanh

Covid-19, cô gái Tiền Giang và đặc sản mắm tôm chà Xứ Gò

(VOVTV) - Covid-19 xảy đến phũ phàng dập tắt đi nhiều mơ ước, nhưng cũng lại thúc đẩy nhiều người đến với những khát khao trong đời. Có thể nói rằng, nhờ Covid-19 "xô đẩy" mà Lê Ngọc Thảo đã cho ra đời được sản phẩm Mắm tôm chà Xứ Gò vừa đoạt giải nhì trong cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn toàn quốc.

Tác giả Lương Anh / VOVTV
04/12/2020 22:38

Gương mặt rạng rỡ, luôn tươi cười, Lê Ngọc Thảo một mình mang sản phẩm Mắm tôm chà Xứ Gò tới một hội chợ đang diễn ra ở Hà Nội. Không rạng rỡ sao được khi sản phẩm của cô cách đây hai tuần đã vượt lên trên 346 dự án của các cá nhân, tập thể từ 56 tỉnh, thành trên cả nước để giành giải Nhì tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn toàn quốc.

Covid-19, mắm chà Gò Công  - Ảnh 1.

Ngọc Thảo giới thiệu món mắm tôm chà xứ Gò do cơ sở của cô sản xuất

Sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao này đã được cô nghiên cứu sáng tạo dựa trên phương pháp ủ men tự nhiên truyền thống theo công thức gia truyền mà bà cô, mẹ cô, những người phụ nữ tảo tần của miền sông nước Tiền Giang truyền lại.

Món mắm tôm chà gắn bó với người dân Gò Công từ thời mở đất, đã đưa tên tuổi của Gò Công lên bàn tiệc ẩm thực của lịch sử khi theo người con gái xứ gò là bà Phạm Thị Hằng (Từ Dụ hoàng thái hậu) tiến cung. Từ một món ăn dân dã quê mùa, mắm chà Gò Công trở thành món tiến vua, được sử dụng thết đãi khách trong các buổi yến tiệc của triều đình nhà Nguyễn. 

Lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm mắm lên tới 70 năm, món mắm chà quê hương đã trở thành một phần trong cuộc sống của Thảo. Học nghề du lịch, làm du lịch, con đường Thảo đi có thể đã rất khác nếu như cơn bão Covid-19 không xảy đến.

Trong làn sóng thất nghiệp chung của ngành, Thảo mất việc, trở về quê nhà ở Tiền Giang. Làm gì đây để mưu sinh? Trả lời cho câu hỏi đó là hình ảnh người bà, người mẹ sớm hôm tảo tần đãi chọn, chà từng mớ tôm đất để cho ra đời món mắm chà.

Covid-19, cô gái Tiền Giang và mắm chà Gò Công  - Ảnh 2.

Sản phẩm mắm tôm chà Xứ Gò của Lê Ngọc Thảo đoạt giải Nhì cuộc thi Dự án Sáng tạo khởi nghiệp thanh niên nông thôn

Ý tưởng nâng món mắm lên thành một sản phẩm mang đậm hồn cốt quê hương, đạt tiêu chuẩn vươn ra thế giới nảy sinh từ đó. Cơ sở Khổng Tước Nguyên của cô gái trẻ được thành lập.

Cái tên Khổng Tước Nguyên cũng là một câu chuyện thú vị mà Thảo muốn chia sẻ để một mũi tên hai mục đích, vừa quảng bá được đặc sản truyền thống, vừa làm sống dậy cái tên chữ gắn với một thời lịch sử của xứ Gò Công.

Covid-19, cô gái Tiền Giang và đặc sản mắm tôm chà Xứ Gò  - Ảnh 3.

Sản phẩm mắm tôm chà xứ Gò đã xuất sắc vượt lên trên 346 dự án, giành giải nhì tại cuộc thi “Dự án Sáng tạo khởi nghiệp thanh niên nông thôn” lần thứ III năm 2020

Hướng tới phân khúc trung - cao cấp, những nỗ lực của Thảo cùng cơ sở mắm chà nhỏ bé đã thuyết phục được Ban giám khảo cuộc thi “Dự án Sáng tạo khởi nghiệp thanh niên nông thôn” lần thứ III do Ban Bí thư T.Ư Đoàn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.

Với Lê Ngọc Thảo, món mắm chà Gò Công không phải là sản phẩm duy nhất mà cô hướng đến. Cô còn mong muốn nhiều hơn nữa, như mong muốn khôi phục lại những vạt cây bần tha thướt như liễu rủ, mà vua Gia Long xưa theo truyền thuyết đã đặt cho cây cái tên mỹ miều là Thủy Liễu sau khi thưởng thức món canh cá nấu chua với trái bần.  

Covid-19, cô gái Tiền Giang và mắm chà Gò Công  - Ảnh 3.

Thảo đang trồng lại những cây bần mà thời gian qua đã dần vắng bóng để khôi phục hương vị quen thuộc của quê nhà

Dịch Covid-19 xảy đến đã khiến nhiều người, trong đó có Thảo gặp khó khăn, nhưng sự năng động của tuổi trẻ cùng những kiến thức có được và đặc biệt là niềm tự hào về những đặc sản của quê hương đã nâng bước cho những người trẻ như Thảo vượt qua khó khăn, thực hiện ước mơ của mình.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận