Bitcoin vừa lập kỷ lục mới, thách thức mọi hệ thống 'trâu cày'
Năng lực tính toán cần thiết để "đào" được một Bitcoin đã đạt mức cao nhất trong lịch sử.
Độ khó để đào Bitcoin, thể hiện thông qua tốc độ tính toán để "giải" một khối trong chuỗi khối Bitcoin, đã chạm mức kỷ lục vào ngày 2/4. Theo BTC.com, con số tỷ lệ băm (hashrate) của Bitcoin đã đạt 165,44 EH/giây, tăng gần 6% so với lần cập nhật gần nhất vào ngày 20/3.
Đào Bitcoin ngày càng khó
Để "đào" Bitcoin, những hệ thống máy tính sẽ phải thực hiện các phép tính giải thuật toán để xác nhận những giao dịch trước đó trong chuỗi khối. Về cơ bản, cỗ máy sẽ liên tục đưa ra những giá trị băm trong một quá trình thử - sai để tìm được giá trị đúng với giao dịch đang cần xác thực.
Vì các giá trị băm là hoàn toàn ngẫu nhiên, máy có thể phải đưa ra hàng triệu giá trị mới có thể tìm được giá trị đúng. Khi hoàn thành một khối, chủ sở hữu máy tính sẽ được thưởng lượng Bitcoin nhất định.
Do đây là quá trình tính toán hoàn toàn ngẫu nhiên, những cỗ máy có tốc độ đưa ra con số nhanh hơn sẽ có cơ hội cao hơn để tìm được giá trị khối và nhận về Bitcoin. Hashrate là đơn vị đo lường khả năng giải thuật toán của thiết bị đào tiền mã hóa, trong đó có Bitcoin.
Theo Coindesk, chỉ số độ khó để đào Bitcoin sẽ phụ thuộc vào tổng lượng hashrate của toàn bộ các máy đào đang nối mạng. Cứ sau 2.016 khối, tương đương khoảng 2 tuần, mạng lưới sẽ tự điều chỉnh độ khó để đảm bảo tốc độ xử lý các khối luôn được giữ ở mức trung bình, không thay đổi nhiều. Nói cách khác, khi có càng nhiều máy với hashrate cao tham gia mạng lưới, độ khó sẽ càng tăng cao.
Thời gian đầu được Satoshi Nakamoto giới thiệu, độ khó của Bitcoin là 1. Hiện nay, con số đó là hơn 23,1 nghìn tỷ. Mức tăng 6% là mức điều chỉnh cao thứ hai trong năm nay, chỉ sau lần điều chỉnh trên 10% vào đầu tháng 1.
Đây là một trong những tính năng quan trọng nhất của chuỗi khối Bitcoin, nhằm đảm bảo mạng lưới này luôn hoạt động ở tốc độ ổn định. Độ khó đào Bitcoin không phải lúc nào cũng tăng, mà phụ thuộc vào tổng năng lực tính toán của mạng lưới máy đào. Tuy nhiên, xu thế trong dài hạn là độ khó sẽ tăng. Dữ liệu của BTC.com cho thấy từ tháng 12/2020 đến nay độ khó đã điều chỉnh 9 lần, trong đó có 6 lần tăng và 3 lần giảm.
Theo ông Whit Gibbs, CEO của công ty đào Bitcoin Compass, lần điều chỉnh gần nhất đáng chú ý bởi nó cho thấy đã có thêm hàng chục nghìn máy đào kết nối với mạng lưới. Ông Gibbs cũng cho rằng độ khó sẽ còn tăng thêm trong năm 2022, khi lượng máy đào Bitcoin bán ra thị trường đạt kỷ lục.
"Mức điều chỉnh tăng độ khó vừa qua không đáng ngạc nhiên, và tôi cho rằng đó chỉ là tín hiệu cho thấy phần cuối năm và năm 2022 sẽ có diễn biến gì. Khi các đơn đặt hàng máy đào được vận chuyển và thiết lập xong, tổng năng lực tính toán tăng cao sẽ càng khiến độ khó tăng thêm, và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá Bitcoin", ông Gibbs chia sẻ với Coindesk.
Cơn sốt máy đào Bitcoin
Việc đào Bitcoin ban đầu được thực hiện bằng máy tính cá nhân. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm thì các máy chuyên dụng, được gọi là ASIC chuyên giải mã thuật toán SHA 256 đã được đưa vào mạng lưới. Năng lực tính toán vượt trội của máy ASIC khiến những chủ sở hữu máy tính cá nhân gần như không thể đào nổi Bitcoin nữa. Hiện nay, máy tính cá nhân vẫn có thể dùng để đào đồng Ethereum (ETH).
Khi giá Bitcoin tăng cao, những công ty cung cấp máy đào ASIC cũng ăn nên làm ra. Năng lực tính toán của máy ngày càng được cải thiện, và khi tổng năng lực lên cao kéo theo độ khó thì giá Bitcoin cũng có thể tăng mạnh.
Ngoài mức thưởng Bitcoin, thợ đào còn được hưởng một khoản phí xác thực giao dịch. Theo công ty nghiên cứu Arcane Research, các thợ đào Bitcoin đã thu về tổng cộng 1,5 tỷ USD từ các loại phí, thưởng Bitcoin trong tháng 3.
Số lượng Bitcoin thưởng cho mỗi khối sẽ giảm một nửa sau mỗi sau 210.000 khối, tương đương khoảng 4 năm. Ban đầu, cứ mỗi khối hoàn thành thì phần thưởng là 50 Bitcoin. Đến tháng 5/2020, lần halving thứ ba, chỉ còn 6,25 Bitcoin dành tặng cho mỗi khối. Như vậy, tốc độ tạo ra Bitcoin mới sẽ ngày càng chậm.
Theo Bitcoin News, hiện nay mỗi ngày sẽ có khoảng 900 Bitcoin được thưởng cho các thợ đào. Vì cạnh tranh trong năng lực tính toán, nhiều thợ đào có thể tham gia vào tổ chức đào coin chung (pool). Trong số 17 pool tham gia mạng lưới đào Bitcoin, 5 pool lớn nhất đều đến từ Trung Quốc.
Theo Investopedia, đến cuối tháng 12/2020 đã có khoảng 18,5 triệu Bitcoin được tạo ra, và chỉ còn khoảng gần 3 triệu Bitcoin trong tương lai. Tuy nhiên, lượng Bitcoin còn tồn tại và lưu hành là ít hơn, bởi gần 20% đã bị mất khi người dùng đánh mất khóa bí mật hoặc ổ cứng lưu trữ.
Do quy tắc Bitcoin halving, gần 3 triệu Bitcoin còn lại sẽ mất một thời gian rất dài để “đào” hết. Trong khi 18,5 triệu Bitcoin ban đầu được đào trong hơn 10 năm, thì đồng Bitcoin cuối cùng có thể tạo ra sẽ rơi vào khoảng năm 2140, tức là hơn 100 năm nữa.
Tin nổi bật
Tin Video