Tin tức

Nhiều người đang sưu tập NFT, ôm mộng kiếm lời như Bitcoin

Vài năm trở lại đây, NFT trở nên phổ biến hơn sau khi hàng loạt ảnh và ảnh động kỹ thuật số được thương mại hóa. Nhiều người sưu tập NFT mong muốn trở nên giàu có sau khi bán NFT.

25/03/2021 08:09

Trong thế giới NFT, những người đam mê sưu tập NFT được chia ra làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những người sưu tập NFT cho mục đích “lợi tức đầu tư” (Return On Investment). Nhóm thứ 2 chỉ muốn tìm kiếm "hàng độc".

Đối với nhóm thứ nhất, khác với các nhà sưu tập nghệ thuật của thế kỷ 20, họ muốn sở hữu những tài sản vốn có thể được nhân bản. Họ tìm kiếm những tấm ảnh được lan truyền rộng rãi trên mạng. Càng nhiều người biết đến tấm ảnh, các nghệ sĩ càng nổi tiếng, và càng có nhiều người muốn mua những tấm ảnh đó. Để tăng lợi tức đầu tư, họ cố gắng đưa các nghệ sĩ NFT trở thành những người có sức ảnh hưởng trong giới NFT.

Nhóm người này luôn nói về việc sưu tập NFT bằng những thuật ngữ không tưởng, về cách họ đang giúp nuôi dưỡng “phong trào nghệ thuật thuần kỹ thuật số” đầu tiên, một phong trào “dân chủ và công khai”, hoặc “không tập trung”.

Nhiều người đang sưu tập NFT, ôm mộng kiếm lời như Bitcoin - Ảnh 1.

Cô robot Sophia đang đấu giá các bức tranh NFT của mình vào ngày 16/3. Ảnh: Tyrone Siu/Reuters

Tuy nhiên, phần lớn những người này cũng đầu tư mạnh vào tiền mã hóa, và sớm trở thành những người sở hữu nhiều đồng Bitcoin hoặc đồng Ethereum. Trong tương lai, khi tiền mã hóa lên ngôi, họ sẽ trở thành những người giàu có.

Khác với nhóm người đầu tiên có sự tính toán khi đầu tư vào sàn NFT, nhóm người thứ hai có vẻ không có bất kỳ kế hoạch nào khi mua tài sản NFT. Họ chỉ cần biết tấm ảnh có liên quan đến chủ đề “dankness” (hay darkness) hay không.

Một NFT “dank” thường tự ám chỉ và mô tả những hình ảnh về công nghệ, blockchain hoặc văn hóa meme; khá màu mè và gây choáng ngợp thị giác. Những bức ảnh này thường tự do truyền tải bất kỳ nội dung nào.

Nhiều người đang sưu tập NFT, ôm mộng kiếm lời như Bitcoin - Ảnh 2.

Elon Musk bán bản nhạc EDM dưới dạng vật phẩm ảo NFT. Ảnh: Entrepreneur

Mới đây, tỷ phú Elon Musk đã đăng tải một đoạn video trên Twitter với dòng chú thích: “Tôi bán bài hát viết về NFT dưới dạng một vật phẩm ảo NFT”. Đó là hình ảnh một chiếc cúp vàng có ánh sáng neon. Nội dung bài hát trong video chỉ xoay quanh hai từ “NFT” và “vanity” (tạm dịch: tự phụ).

Thế giới sưu tập NFT luôn tràn ngập sự châm biếm và mỉa mai như cách CEO Tesla đã làm với đoạn video trên. Thật khó để phân biệt giữa các nhà sưu tập thực sự hiểu được giá trị thẩm mỹ của các tác phẩm NFT với những người chỉ nhìn thấy sự hài hước qua những tác phẩm này. Trên thực tế, có lẽ nhờ vào tính châm biếm, các tác phẩm NFT trở nên gần gũi hơn với các ý tưởng nghệ thuật hiện đại.

Một tấm ảnh gif miêu tả Elon Musk đang đeo khẩu trang được sáng tạo bởi một nghệ sĩ tên là Punky_Funky. Trong ảnh, Musk đeo chiếc khẩu trang màu xanh dùng một lần, đôi mắt đổi màu theo gam màu cầu vồng, cổ đeo dây chuyền vàng với đồng bitcoin lớn, nền ảnh là hình mặt trăng xoay tròn cùng với dòng chữ nhiều màu sắc: “I am Mask” (Tôi là Mask). Bức ảnh gif này có giá 0,0005 ETH hay 75 xu.

Các NFT có thể (hoặc không) mang lại giá trị nào đó cho người sở hữu. Tuy nhiên, NFT có thể gây tác động xấu đến môi trường. Theo thống kê của Memo Akten, một giao dịch Ethereum (ETH) tiêu thụ năng lượng trung bình khoảng 35 kWh, tương đương 4 ngày tiêu thụ điện của một khu dân cư ở châu Âu. Mỗi cú nhấp chuột để thực hiện giao dịch thải ra gần 20 kg khí CO2.

Khái niệm NFT xuất hiện từ năm 2017, nhưng mãi đến năm nay, sàn NFT mới trở thành xu hướng mới sau khi hàng loạt ảnh và ảnh động được bán với các mức giá khó hiểu.

Trong tháng 2 vừa qua, một tấm ảnh động miêu tả cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nằm úp xuống bãi cỏ của Beeple đã được bán với giá 6,6 triệu USD - mức giá cao nhất đối với một nghệ sĩ thuộc thế hệ Millennials. Cách đây 1 tháng, Beeple đã phá vỡ kỷ lục của chính mình sau khi bán một bức ảnh kỹ thuật số tại cuộc đấu giá Christie với giá 69 triệu USD.

Các cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số đôi khi bị xem là ngớ ngẩn, vô nghĩa, nhưng đây lại là cách người giàu giải trí. Họ chấp nhận bỏ ra hàng chục triệu USD để mua ảnh một chú ngựa (tác phẩm của Damien Hirst), trong khi họ có thể sở hữu một chú ngựa thực ngoài đời với mức giá tương đương.

Ý kiến của bạn