Tin tức

Anh giám đốc đặt tên "Vụn" cho doanh nghiệp, đi hết 17 phường của quận Hà Đông để chiêu mộ người khuyết tật biến "rác" thành "vàng"

Với quan niệm "người khuyết tật nhưng sản phẩm không được khuyết tật", anh Lê Việt Cường đã sáng lập hợp tác xã "Vụn Art", tạo việc làm cho nhiều người có hoàn cảnh giống mình, từ đó họ cùng nhau viết nên câu chuyện đầy cảm hứng trong cuộc sống.

13/11/2020 14:01

Tôi là một người khuyết tật bị bại liệt từ nhỏ

Tôi là Lê Việt Cường, 45 tuổi, quê Phú Thọ, hiện sinh sống tại Hà Nội. Tôi là một người khuyết tật bị bại liệt từ nhỏ. Khi sinh ra, tôi hoàn toàn bình thường. Một năm sau, toàn miền Bắc xuất hiện cơn dịch sốt bại liệt, thật không may, tôi là một trong những đứa trẻ "xấu số", bị liệt nửa người bên trái. Từ đó, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Đến lớp, thật khổ sở để leo từng bậc thang, tôi thậm chí không thể tham gia bất cứ hoạt động thể dục thể thao nào. Trải qua 10 cuộc phẫu thuật trong vòng 8 năm để 2 chân bằng nhau, tôi có thể đi được giày dép.

Học lên cao đẳng, rồi tại chức tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, 14 năm làm việc ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương giúp tôi có kinh nghiệm, trước khi mở xưởng đầu tiên tạo việc làm cho người khuyết tật vào năm 2013. 5 năm sau, xưởng thứ 2 ra đời, có tên Hợp tác xã "Vụn Art", với triết lý "Chúng tôi là người khuyết tật, nhưng sản phẩm không được phép khuyết tật".

Khát khao cống hiến ai cũng có. Đối với người khuyết tật, khát khao ấy còn lớn hơn. Khi đã tạm yên ổn cuộc sống, tôi mong muốn mang những điều xã hội đã đào tạo mình suốt bao năm qua, trả lại cho chính xã hội này.

Giúp đỡ những người khuyết tật giống mình, tôi nghĩ trong các loại phục hồi chức năng thì kiếm việc làm là quan trọng nhất, để giúp họ hòa nhập sâu hơn vào cộng đồng.

Anh giám đốc đặt tên Vụn cho doanh nghiệp, đi hết 17 phường của quận Hà Đông để chiêu mộ người khuyết tật biến rác thành vàng - Ảnh 2.

Anh Lê Việt Cường, người sáng lập Hợp tác xã Vụn Art

Tôi là một mảnh vụn, nhưng chúng tôi là một mảnh vải lớn hoàn hảo

Nhiều người tò mò với tên doanh nghiệp của tôi: Vụn. Tôi nghĩ rằng, mỗi người khuyết tật giống như một mảnh vụn nhỏ, nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng và xã hội như một "chất keo" kết dính chúng tôi thành một mảnh vải lớn, mà trên đó, chúng tôi có thể tự vẽ được ước mơ của chính mình.

Một miếng vải vụn bỏ đi, nếu biết tận dụng sẽ biến thành tác phẩm nghệ thuật. Người khuyết tật cũng vậy, nếu đặt họ đúng chỗ, phát huy hết khả năng bản thân, thì sẽ tạo nên giá trị tuyệt vời cho cuộc sống này.

Vụn chính thức thành lập năm 2018, đến nay có 20 thành viên, bao gồm cả tôi. Trước đó, tôi đã dành một năm xây dựng ý tưởng, đưa người khuyết tật đi học kĩ thuật ghép tranh vải rồi đào tạo nghề. Khi các bạn đã lành nghề, tôi mới dám mở xưởng.

Những người thầy đầu tiên tôi mời về dạy các bạn khuyết tật là họa sĩ Nguyễn Văn Trường, thầy Hoàng và họa sĩ Đặng Thị Khuê, hướng dẫn từ màu sắc, bố cục đến kĩ thuật ghép tranh. Để làm một bức tranh, cần phải chọn vải, lọc lại, là phẳng rồi ép, sau đó dán vào bìa. Trong quá trình đào tạo, tôi sẽ sàng lọc, tùy vào khả năng của từng bạn khuyết tật để bố trí công việc phù hợp, tận dụng tối đa khả năng của họ.

Chúng tôi tận dụng những mảnh vải vụn bằng lụa Vạn Phúc tưởng như không còn giá trị sử dụng, qua bàn tay cần cù, tỉ mẩn và khéo léo của những người thợ để tạo nên sản phẩm độc đáo và đầy màu sắc, mang đậm tính nghệ thuật.

Sở dĩ chúng tôi dùng những miếng lụa vụn của Vạn Phúc cũng nhằm duy trì và phát triển làng nghề truyền thống này, giúp nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến làng lụa nổi tiếng của Việt Nam đã có từ rất lâu đời.

Những miếng lụa vụn không thể sử dụng vào các sản phẩm như may áo, khăn… trước đây sẽ là rác thải, phải bỏ đi. Nhưng Vụn đã khéo léo cắt, dán trên sản phẩm của mình, giúp lượng rác thải từ lụa giảm đi đáng kể, góp phần hạn chế rác thải vào môi trường.

Anh giám đốc đặt tên Vụn cho doanh nghiệp, đi hết 17 phường của quận Hà Đông để chiêu mộ người khuyết tật biến rác thành vàng - Ảnh 3.

Vụn là không gian tập hợp 20 bạn khuyết tật, cùng làm ra những sản phẩm từ vụn lụa Vạn Phúc

Anh giám đốc đặt tên Vụn cho doanh nghiệp, đi hết 17 phường của quận Hà Đông để chiêu mộ người khuyết tật biến rác thành vàng - Ảnh 4.

Một góc nhỏ làm việc ở Hợp tác xã "Vụn"

Anh giám đốc đặt tên Vụn cho doanh nghiệp, đi hết 17 phường của quận Hà Đông để chiêu mộ người khuyết tật biến rác thành vàng - Ảnh 5.

Mọi người đều chăm chỉ, tập trung sản xuất ra những sản phẩm ưng ý nhất

Anh giám đốc đặt tên Vụn cho doanh nghiệp, đi hết 17 phường của quận Hà Đông để chiêu mộ người khuyết tật biến rác thành vàng - Ảnh 6.

Mỗi cá nhân đều tỉ mỉ, khéo léo trong từng sản phẩm của mình

Anh giám đốc đặt tên Vụn cho doanh nghiệp, đi hết 17 phường của quận Hà Đông để chiêu mộ người khuyết tật biến rác thành vàng - Ảnh 7.

Mỗi người một công đoạn, cuối cùng họ tạo nên những sản phẩm hoàn hảo

Mới đầu, Vụn tập trung làm tranh, lấy cảm hứng từ những bức tranh dân gian Việt Nam. Tuy nhiên, đầu ra của dòng sản phẩm này vô cùng hạn hẹp. Một người bạn khá thân đồng hành cùng tôi từ mô hình đầu tiên, đã đưa ra định hướng mới về in tranh lên các sản phẩm khác như áo phông, túi tote, ví và kít ghép tranh cho trẻ nhỏ.

Chúng tôi không sao chép hay ăn cắp tranh của các họa sĩ. Vì người khuyết tật hiện nay chưa thể sáng tác, chúng tôi dựa vào nguồn tranh dân gian của Việt Nam là chủ yếu, thổi hơi thở dân dã vào đời sống hàng ngày. Nhiều họa sĩ muốn tặng tranh cho Vụn, chúng tôi đều xin phép và sử dụng, trích dẫn tên tác giả.

Ngoài ra, Vụn còn tổ chức dịch vụ trải nghiệm cho khách du lịch và học sinh. Mọi người có thể tìm đến làng lụa Vạn Phúc vừa tham quan vừa học làm sản phẩm, để hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, cũng như hồi sinh làng lụa đã bị lãng quên thời gian qua.

Để những miếng lụa Vạn Phúc đính kết lên sản phẩm giữ được màu sắc tươi tắn vốn có, không bị bong tróc và có thể giặt được rất nhiều lần là cả một quá trình trải nghiệm và tìm kiếm. Mặc dù gặp nhiều thất bại nhưng qua sự giới thiệu cùng sự giúp đỡ tận tình của rất nhiều người bạn, sau gần 1 năm, cuối tháng 9/2019, tôi đã tìm được chất keo dính đặc biệt, đáp ứng được tất cả những tiêu chí trên.

Nó là chất keo làm nên chất lượng của sản phẩm cũng là chất keo tạo sự gắn kết giữa Vụn và những người bạn.

Anh giám đốc đặt tên Vụn cho doanh nghiệp, đi hết 17 phường của quận Hà Đông để chiêu mộ người khuyết tật biến rác thành vàng - Ảnh 8.

Ban đầu, Vụn tập trung sản xuất tranh ghép vải, sau đó mở rộng sang túi vải, bộ kit tranh và áo phông

Anh giám đốc đặt tên Vụn cho doanh nghiệp, đi hết 17 phường của quận Hà Đông để chiêu mộ người khuyết tật biến rác thành vàng - Ảnh 9.

Những họa tiết mang đầy tính sáng tạo

Anh giám đốc đặt tên Vụn cho doanh nghiệp, đi hết 17 phường của quận Hà Đông để chiêu mộ người khuyết tật biến rác thành vàng - Ảnh 10.

Những chiếc túi vải được sản xuất từ Hợp tác xã "Vụn"

Anh giám đốc đặt tên Vụn cho doanh nghiệp, đi hết 17 phường của quận Hà Đông để chiêu mộ người khuyết tật biến rác thành vàng - Ảnh 11.

Những hình ảnh chủ yếu lấy cảm hứng từ tranh dân gian Việt Nam

Người khuyết tật nhưng sản phẩm không được khuyết tật

Để "chiêu mộ" người khuyết tật, tôi đã đi hết 17 phường của quận Hà Đông. Đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà, vận động người lớn cho con em mình tham gia dự án. Lúc đầu, Vụn chỉ có 10 người, rồi bớt xuống 5, tôi lại nỗ lực tuyển thêm, cứ luân phiên như thế cho đến bây giờ. Nhiều gia đình chưa nhận thức rõ ràng về công việc nên vận động gặp nhiều khó khăn. Hơn thế nữa, phần lớn người khuyết tật hiện giờ đều nghĩ rằng "cộng đồng phải có trách nhiệm với mình", trong khi đó họ không có trách nhiệm ngược lại, nên có thái độ ỷ lại, không cần làm việc mà chỉ trông chờ vào khoản tiền trợ cấp ít ỏi hàng tháng.

Thuyết phục họ, tôi liệt kê những quyền lợi nếu tham gia dự án, và nếu gắn bó thì sau này phát triển sẽ được những gì. Nhiều gia đình sau đó đã đồng ý.

Nhiều tổ chức doanh nghiệp xã hội người khuyết tật kỳ vọng nhiều hơn về sự giúp đỡ, ủng hộ từ xã hội thay vì tự phát triển khả năng của bản thân. Ban đầu, Vụn cũng phải nương theo quan điểm ấy. Chúng tôi cần thời gian để thay đổi.

Sau này, tôi yêu cầu tất cả đều phải làm ra sản phẩm tốt nhất trong khả năng. Nếu chưa thể đạt 100%, thì ít nhất cũng được 70-80% so với trên thị trường để khách hàng thực sự hài lòng. Tôi xác định chúng tôi làm kinh doanh, chứ không phải mở xưởng ra để "xin tiền tài trợ". Người khuyết tật nhưng sản phẩm không được khuyết tật, để họ có thể sống được bằng chính sản phẩm của mình.

Anh giám đốc đặt tên Vụn cho doanh nghiệp, đi hết 17 phường của quận Hà Đông để chiêu mộ người khuyết tật biến rác thành vàng - Ảnh 12.

Anh Cường mong muốn thay đổi được nhận thức của người khuyết tật, giúp họ tạo ra giá trị của bản thân.

Hiếm khi người khuyết tật nghĩ đến trách nhiệm của bản thân. Họ luôn cho rằng "tôi không cần làm gì cũng có người trợ giúp", nên không chú tâm vào việc làm ra sản phẩm tốt có thể cạnh tranh. Tôi cho rằng, không có sản phẩm cạnh tranh, chúng ta không giải quyết được việc gì, không ai có thể ủng hộ, giúp đỡ chúng ta mãi mãi.

Có những người khuyết tật đến Vụn học nghề 1 năm rồi bỏ. Trước đây khi nhận họ, tôi từng nói rõ, tôi đào tạo nghề miễn phí, nhưng khi các bạn nghỉ, chỉ cần nhắn tôi một câu "tôi nghỉ", không cần "cảm ơn". Ai nghỉ cứ nghỉ, tôi không níu kéo, vì tôi muốn giáo dục ý thức trách nhiệm cho họ.

Một số bạn sau đó đến chỗ làm việc mới nhưng không hợp, muốn quay lại Vụn, tôi đều không nhận. Tôi muốn họ cảm nhận được việc làm của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào, và phải thay đổi thái độ đó thì mới có thể hòa nhập được.

Tôi cũng muốn sản phẩm của mình phải sống được, chứ không muốn mọi người có quan điểm sản phẩm của người khuyết tật thì cộng đồng và xã hội nhìn thấy sẽ nói "phải ủng hộ", "phải giúp đỡ". Như thế, chúng tôi sẽ không đi xa được.

Tôi và 19 bạn còn lại, đều coi Vụn là gia đình thứ 2

Năm 2019, sản phẩm của Vụn được TP Hà Nội thẩm định đánh giá OCOP 4 sao – hàng thủ công đạt chất lượng xuất khẩu, đại diện cho thương hiệu Quốc gia. Vụn được nhiều người biết đến hơn.

Giữa thời kỳ dịch bệnh Covid-19 khiến cả thị trường trở nên lao đao, tôi vui mừng khi nhận được tin nhắn từ Đại sứ quán Mỹ, đặt đơn hàng thứ 4 gồm 400 túi vải ghép tranh bằng lụa vụn nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt-Mỹ. Chỉ một chút giúp đỡ đó, những đơn hàng này đã giúp tôi có thêm tiền trả lương cho 19 người khuyết tật đang dựa vào Vụn mà sống.

Đến bây giờ, dù đã hoạt động được 3 năm, nhưng Vụn vẫn chưa có lợi nhuận. Tôi dùng tiền cá nhân và quỹ cộng đồng hỗ trợ để trả lương cho nhân viên, giúp các bạn trang trải cuộc sống hàng ngày.

Chúng tôi là những cá nhân nhỏ bé mới chập chững bước vào thị trường vẫn còn mới mẻ, cơ cấu nhân sự chưa bài bản. Dù vậy, tôi vẫn biết ơn, vì ở Vụn, mọi người đều thay đổi về cuộc sống lẫn tính cách. Tôi vẫn hay nói đùa ai cũng béo trắng và đẹp ra, duy mình tôi già đi và tóc bạc dần.

Tôi và 19 bạn còn lại, đều coi Vụn là gia đình thứ 2. Chúng tôi xây dựng mái nhà dựa trên tình cảm, yêu thương và sẻ chia với nhau mọi thứ trong cuộc sống. Với những bạn từ quê lên Hà Nội, nếu ốm đau, tôi sẽ đứng ra chăm sóc, để các bạn và gia đình luôn cảm thấy yên tâm khi đến với Vụn.

Tôi cũng nói với các bạn phải yêu thương và đùm bọc nhau, chỉ có như vậy cộng đồng mới nhìn nhận và chia sẻ với chúng tôi nhiều hơn.

Anh giám đốc đặt tên Vụn cho doanh nghiệp, đi hết 17 phường của quận Hà Đông để chiêu mộ người khuyết tật biến rác thành vàng - Ảnh 13.

"Vụn" là gia đình thứ 2 của tất cả mọi thành viên trong hợp tác xã

Anh giám đốc đặt tên Vụn cho doanh nghiệp, đi hết 17 phường của quận Hà Đông để chiêu mộ người khuyết tật biến rác thành vàng - Ảnh 14.

Bằng khen, giấy chứng nhận - ghi nhận những nỗ lực không biết mệt mỏi của của Hợp tác xã Vụn

Dù khiếm khuyết nhưng những người khuyết tật tại Vụn đều nỗ lực mỗi ngày để chứng minh bản thân và giúp hợp tác xã này gặt hái được khá nhiều bằng khen, giấy chứng nhận...

Cá nhân tôi chưa từng cảm thấy áp lực hay muốn bỏ cuộc từ khi thành lập Vụn, vì tôi biết rằng công việc mình làm được rất nhiều người ủng hộ. Tôi rất may mắn vì đã gặp được nhiều người tốt, có cơ hội phát triển ý tưởng của bản thân. Tôi tâm niệm rằng, dự án này được lập ra để tạo được nhiều công việc nhất cho người khuyết tật, lợi nhuận là sau cùng. Tôi chấp nhận rủi ro, đầu tư vào người khuyết tật dù biết rằng nếu người ta bỏ đi thì coi như mất trắng khoản tiền đó.

Tôi mong muốn các sản phẩm của Vụn được biết đến nhiều hơn nữa, từ đó chúng tôi có nguồn kinh phí tái đầu tư và xây dựng bộ máy hoàn chỉnh hơn, nhân rộng ra, tạo thêm nhiều việc làm cho người khuyết tật. Ở Việt Nam, tỉnh nào cũng có người khuyết tật và lợi thế nhất định về du lịch, nếu biết cách gắn kết 2 điểm này lại với nhau, cả xã hội sẽ cùng phát triển.

Những mảnh vụn

Bùi Thu Dung, 19 tuổi, ở Hà Nội, bị tai nạn xe máy năm 10 tuổi. Lúc tỉnh dậy từ giường bệnh, em cảm nhận cơ thể bình thường, như chưa từng có vụ tai nạn. Thời gian sau, toàn thân ê ẩm, tay trái không thể sử dụng, đầu bị chấn thương, chân cũng bị ảnh hưởng. Từ đó, em không đi học nữa.

Tôi đến nhà Dung động viên em đến với Vụn. Khi đó Dung nói, "em đến đấy sẽ làm được gì?".

Dung học cắt giấy. Em nói công việc hơi khó khăn vì em chỉ có một tay. Em dùng tay trái để giữ giấy, rồi tay phải cầm kéo cắt.

Dung cứ nghĩ em sẽ bỏ Vụn mà về nhà ngay từ ngày đầu tiên, nhưng em đã cố gắng làm việc để được giữ lại, đến nay đã 3 năm. Em thực sự xem Vụn là mái nhà thứ 2, nơi mỗi ngày em gửi trao yêu thương và nhận về thương yêu. Em vui và hạnh phúc.

Bố mẹ tự hào vì cô con gái sau biến cố cuộc đời đã có thể kiếm ra tiền, dù không nhiều, nhưng giúp em có thể trang trải cuộc sống tự lập. Mong muốn lớn nhất của Dung, là có thể tự tay làm một bức tranh ghép vải vụn tặng bố mẹ.

Anh giám đốc đặt tên Vụn cho doanh nghiệp, đi hết 17 phường của quận Hà Đông để chiêu mộ người khuyết tật biến rác thành vàng - Ảnh 15.

Dung với đôi tay không lành lặn, em dùng tay trái để giữ giấy, rồi tay phải cầm kéo cắt

Anh giám đốc đặt tên Vụn cho doanh nghiệp, đi hết 17 phường của quận Hà Đông để chiêu mộ người khuyết tật biến rác thành vàng - Ảnh 16.

Còn An là cô gái tràn đầy sức sống trên khuôn mặt, em hay cười và vô cùng rạng rỡ

Bùi Tuấn Minh, 27 tuổi, đã tốt nghiệp trường FPT Arena Multimedia, hiện đang làm thiết kế tại Vụn.

Cậu rất yêu thích công việc này, vừa thỏa mãn đam mê, vừa giúp bản thân cảm thấy có ích. Những hình ảnh do Minh thiết kế đều được các bạn trong Vụn và khách hàng đón nhận. Cậu muốn gắn bó thật lâu với Vụn, để cùng mọi người giúp Vụn phát triển.

Chị Hoàng Thị Hậu, 55 tuổi, teo chân từ năm 3 tuổi sau một cú ngã. Khi không còn sức lao động, chị hoạt động trong Hội người mù quận Hà Đông 7 năm. Đến năm 2015, chị được một người bạn vận động làm tranh ghép vải. Chị từng nghĩ bản thân tuổi cao, lại không được học hành nên không làm được, nhưng tôi đã động viên chị cố gắng, từng ngày xóa đi mặc cảm.

Có lương đều hàng tháng, được vui cùng các bạn trẻ, giúp chị cảm nhận cuộc sống ý nghĩa hơn. "Cảm ơn anh Cường đã giúp tôi từ con số 0 đến bây giờ đã có tay nghề vững chắc", lời cảm ơn này của chị Hậu, tôi không dám nhận.

Anh giám đốc đặt tên Vụn cho doanh nghiệp, đi hết 17 phường của quận Hà Đông để chiêu mộ người khuyết tật biến rác thành vàng - Ảnh 17.

Tuấn Minh trao đổi công việc cùng anh Cường

Lê Nguyễn Thùy An, 20 tuổi, đến từ Nghệ An là cô gái trẻ bị khuyết tật bẩm sinh. Giọng nói không được tròn vành rõ chữ, nhưng đôi tay của An khéo léo với từng sản phẩm của Vụn.

Từ quê lên Hà Nội một mình, An được người quen tìm hộ phòng trọ, ngày ngày đi xe đạp điện đến Vụn làm việc. Em nói muốn độc lập, tự kiếm sống, không phụ thuộc vào bất kì ai. Sau một năm gắn bó với Vụn, An nở nụ cười rất tươi, giờ đây đã có thể tự tin gặp gỡ mọi người, không còn ngại ngùng vì em có công việc và có thể tự chủ trong cuộc sống.

Lời cảm ơn

Hầu như ai cũng nghĩ những người khuyết tật như chúng tôi khó có thể làm việc, gia đình và xã hội sẽ phải chăm lo, bao bọc đến hết đời. Chúng tôi cũng là con người, tuy có khiếm khuyết về cơ thể nhưng cũng muốn cống hiến, muốn có công việc để tự tạo thu nhập, như thế mới chủ động trong cuộc sống.

Tôi thành lập Vụn Art cũng với mục đích đó và tâm niệm, sản phẩm chúng tôi làm ra sẽ chinh phục khách hàng bằng chính chất lượng, mẫu mã của nó chứ không phải bằng tình thương và trách nhiệm với người khuyết tật.

Anh giám đốc đặt tên Vụn cho doanh nghiệp, đi hết 17 phường của quận Hà Đông để chiêu mộ người khuyết tật biến rác thành vàng - Ảnh 18.

Những tấm vải vụn bỏ đi được tận dụng làm ra những sản phẩm sáng tạo

Anh giám đốc đặt tên Vụn cho doanh nghiệp, đi hết 17 phường của quận Hà Đông để chiêu mộ người khuyết tật biến rác thành vàng - Ảnh 19.

Mỗi ngày trôi qua, Vụn lại xuất ra thị trường những sản phẩm vừa đẹp mắt vừa chất lượng

Đối với người khuyết tật, không nên cho sẵn họ. Cái gì cho không, người ta đều coi thường và dần trở nên phụ thuộc. Đừng cho con cá, hãy cho cần câu. Hãy tạo cho người khuyết tật một giá trị nhất định và đốc thúc họ.

Các bạn khuyết tật trong Vụn thường hay nói lời cảm ơn vì tôi đã giúp họ có công việc. Nhưng tôi nghĩ, lời cảm ơn quan trọng nhất là khi các bạn tự tạo ra sản phẩm tốt để sống được bằng sản phẩm đó.

Chính sản phẩm sẽ nuôi lại các bạn, chứ không phải tôi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận