Tin tức

Văn hóa phân loại rác thải sinh hoạt của người Nhật

(VOVTV) - Nhật Bản được biết đến là một trong những quốc gia xử lý rác thải hiệu quả nhất thế giới, cùng với việc "phân loại rác" chi tiết và tỉ mỉ từ các hộ gia đình. Công việc này tưởng như đơn giản nhưng lại có ý nghĩa rất lớn trong chuỗi hệ thống xử lý rác.

Tác giả Hoàng Nguyễn / VOV Tokyo
12/01/2021 17:48

Hiện tại, công tác xử lý rác thải sinh hoạt tại Nhật Bản được quản lý theo cấp độ địa phương (quận/huyện). Khi đến Nhật sinh sống, điều đầu tiên bạn sẽ được phổ biến là những quy định về cách thức phân loại và thu gom rác. Những thông tin này sẽ được gửi kèm khi làm thủ tục đăng ký nơi cư trú hoặc nhiều nơi sẽ dán trực tiếp các bảng hướng dẫn có hình ảnh chi tiết ngay khu vực tập kết rác để mọi người biết và thực hiện.

Mỗi địa phương có cách phân loại rác khác nhau nhưng về cơ bản rác thải sinh hoạt tại Nhật được chia thành 4 loại chính: rác đốt được, rác không đốt được, rác nguyên liệu và rác thải cỡ lớn.

Loại rác phổ biến và được thải ra hàng ngày nhiều nhất là rác đốt được, thường là rác thải từ nhà bếp, vụn giấy, quần áo cũ, lá cây... mỗi loại này sẽ được thu gom theo từng túi nilong riêng, sau đó được buộc vào 1 túi chung. Loại rác này thường được thu gom với tần suất hai lần một tuần.

Văn hóa phân loại rác thải sinh hoạt của người Nhật - Ảnh 1.

Người Nhật phân loại rác

Rác không đốt được bao gồm kim loại, thủy tinh, gốm sứ, pin khô và các thiết bị nhỏ như máy sấy tóc... và thường không phổ biến nên tần suất thu gom thường là mỗi tháng một lần.

Rác nguyên liệu gồm các loại chai lọ thủy tinh, lon nước, báo, tạp chí và thùng carton... thường được thu gom một lần mỗi tuần. Chai lọ như sữa hoặc đồ uống, được khuyến nghị là rửa sạch trước khi vứt để tránh gây mùi khó chịu cho nhân viên tái chế.

Cuối cùng là rác thải cỡ lớn gồm các loại chăn đệm, đồ gia dụng như quạt, máy hút bụi, tivi, tủ lạnh, máy in, bàn ghế, đồ chơi trẻ em cỡ lớn… Khi đổ loại rác này người dân phải đăng ký trước và trả phí từ 3 nghìn đến 1 vạn yên (tức là hơn 600 nghìn – đến hơn 2 triệu đồng) tùy vào kích thước.

Về túi đựng rác, hầu hết các địa phương khuyến khích người dân sử dụng túi nilong trong suốt, túi bóng mờ, không dễ bị rách để có thể nhìn rõ bên trong, loại này được bán phổ biến trong các siêu thị. Một số địa phương ở khu vực Kansai hay Kyushuu còn quy định túi đựng rác chuyên dụng riêng cho từng loại rác, nhân viên sẽ không thu rác nếu không đúng loại túi chỉ định.

Khác với Việt Nam, thì tại Nhật Bản túi nilong không được phát miễn phí khi mua hàng mà khách hàng sẽ phải mang túi đựng theo hoặc mua thêm túi nilong tại quầy thu ngân, mỗi túi sẽ có giá khoảng từ 4 - 5 yên (gần 1 nghìn đồng) và những túi nilong này đủ điều kiện dùng đựng rác điều này cũng giúp Nhật Bản cũng hạn chế tối đa lượng rác thải nilong.

Văn hóa phân loại rác thải sinh hoạt của người Nhật - Ảnh 2.

Nhật Bản được biết đến là một trong những quốc gia xử lý rác thải hiệu quả nhất thế giới

Trước những quy định nghiêm ngặt về cách đổ rác tại Nhật Bản, chị Nguyễn Thị Huyền Trang, một công dân Việt Nam sinh sống tại quận Shibuya, thủ đô Tokyo chia sẻ: "Lúc mới sang đây tôi thấy bất ngờ về mức độ tỉ mỉ trong cách đổ rác của người Nhật, lúc đầu thấy hơi bất tiện nhưng sau cũng quen và thấy cách đổ rác như vậy rất là khoa học. Khác với Việt Nam là lúc nào đổ rác cũng được, rác vứt lẫn lộn trong một túi thì ở đây đổ rác có lịch cụ thể theo từng loại rác. Do thời gian rác ở trong nhà rất lâu nên rác không được vứt lẫn lộn, phải buộc kín thậm chí để ráo nước, nếu không mùi sẽ rất hôi".

Việc xử phạt khi vi phạm quy định về vứt rác tại Nhật cũng rất nghiêm khắc, vứt rác bừa bãi có thể bị phạt 5 năm tù hoặc 10 triệu yên (2,2 tỷ đồng), vứt tàn thuốc vào rãnh mương tạm giam 1-30 ngày, phạt tiền từ 1 nghìn - 1 vạn yên (200 nghìn đến 2,2 triệu đồng), vứt rác từ xe hơi phạt từ 5 vạn yên (11 triệu đồng).

Ngoài những quy định khắt khe trong luật thì việc giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ về phân loại rác tại Nhật cũng được chú trọng. Tại các nhà máy xử lý rác thải đều có khu giới thiệu các sản phẩm tái chế từ rác, đặc biệt là có khu vực để khách tham quan và các em học sinh có thể quan sát trực tiếp công nhân môi trường thực hiện phân loại rác. Qua đó Nhật Bản muốn mọi người hiểu rõ tầm quan trọng của phân loại rác và nhận thấy được rác cũng là nguồn tài nguyên quý giá nếu biết tận dụng.

Đối với thực trạng xử lý rác thải Việt Nam hiện nay, song song với việc tiếp nhận học hỏi các công nghệ hiện đại như công nghệ sử dụng lò đốt giống như Nhật Bản thì thêm vào đó VN phải đồng bộ các công tác khác để quá trình xử lý được hiệu quả, trong đó cần xác định rõ tầm quan trọng của phân loại rác ngay tại nguồn, khi đó mỗi người dân sẽ là một công nhân môi trường tham gia vào quá trình xử lý rác thải.

Hơn nữa, hệ thống pháp luật phải có mục tiêu rõ ràng, áp dụng đồng bộ, xử phạt nghiêm đối với các hành vi vi phạm về rác thải. Ngoài ra, việc thu gom rác thải nên tính phí công bằng theo hình thức vứt rác bằng túi chỉ định, tức là xả nhiều rác thì phải trả nhiều phí. Cuối cùng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục để ý thức phân loại rác của người dân được nâng cao, mang lại hiệu quả thực chất cho công tác xử lý rác.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận