Ứng dụng PC COVID đang cho kết quả râu ông nọ cắm cằm bà kia
Dù trải qua thời gian khá dài phát triển nhưng ứng dụng PC COVID vẫn đang cho kết quả "râu ông nọ cắm cằm bà kia" khiến người dùng gặp nhiều phiền toái.
PC-COVID được chính thức công bố là ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, dù đã trải qua gần 2 tháng hoạt động nhưng đến nay, ứng dụng này vẫn liên tục gặp phải những lỗi cơ bản.
Nhiều lỗi trên ứng dụng PC COVID
Một trong những tính năng quan trọng nhất của ứng dụng PC-COVID đó là hiển thị chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dùng. Tuy nhiên đây lại là tính năng khiến nhiều người phàn nàn nhất.
Ông H.H. (Hà Nội) phản ánh: “Tôi tiêm 2 mũi vaccine AstraZeneca, một ở Bệnh viện E và một ở Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, trong ứng dụng PC-COVID lại hiển thị tôi tiêm vaccine Vero Cell ở TTYT phường Thành Công. Cả 2 mũi đều ghi sai ngày".
Cũng gặp lỗi nhưng khác với ông H., anh H.T (Hà Nội) cho biết, anh đã tiêm 2 mũi vaccine AstraZeneca nhưng ứng dụng PC-COVID đến nay vẫn chỉ hiển thị anh mới tiêm 1 mũi và mũi đó cũng không có thông tin về loại thuốc và địa điểm tiêm.
“Trong khi đó, tôi cài một ứng dụng khác là thì ứng dụng này hiển thị rất chính xác loại thuốc, số mũi tiêm, ngày tháng và cả địa điểm tiêm 2 mũi.
Đặc biệt, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử cập nhật chính xác ngay sau khi tôi tiêm mũi 2 chỉ vài phút, như vậy chứng tỏ thông tin cá nhân của tôi để đồng bộ với các ứng dụng là không bị lỗi mà lỗi do ứng dụng PC-COVID”, anh T. nói.
Không chỉ gặp lỗi về chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19, anh T. cũng cho biết, ứng dụng PC-COVID có tính năng chứng nhận thông tin xét nghiệm, tuy nhiên tính năng này cũng để “cho có”.
“Do tính chất công việc nên tôi thường xuyên phải làm xét nghiệm COVID-19, cả test nhanh và PCR. Tuy nhiên, trong khi một số bạn bè đồng nghiệp cùng đi xét nghiệm như tôi (cùng khai báo trên trang Việt Nam khỏe mạnh) có hiển thị kết quả xét nghiệm trong ứng dụng PC-COVID thì tôi và một số người khác lại hiển thị “chưa có thông tin từ cơ sở xét nghiệm".
Không chỉ vậy, một số người thực hiện test PCR nhưng kết quả báo trên ứng dụng lại chỉ là test nhanh. Như vậy có thể thấy thông tin trên PC-COVID là không chính xác và không đáng tin cậy”, anh T. nói.
Một trường hợp khác là anh P.T (Nam Định) đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine AstraZeneca vào các ngày 15/6 tại Bệnh viện E và 17/8 tại Bệnh viện Bạch Mai nhưng trên ứng dụng lại chỉ hiện thị đã tiêm mũi 2 ngày 17/8.
“Điều này khiến tôi lo lắng không dám đi công tác ngoài tỉnh hoặc đi đến các sự kiện cần trình ra tích xanh 2 mũi”, anh T. nói.
Ngoài những lỗi ở trên, nhiều người dùng còn gặp phải rất nhiều những lỗi khác như sai thời gian, sai địa điểm tiêm… Đặc biệt với những người già và những người ít am hiểu công nghệ, việc tìm hiểu về lỗi và cách khắc phục là điều rất khó khăn.
Bà T.L (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi hơn 60 tuổi nên cũng không biết nhiều về công nghệ nên chỉ khi con trai tôi kiểm tra thì mới biết sau hơn 2 tháng, ứng dụng PC COVID vẫn không cập nhật đủ 2 mũi tiêm vaccine. Tôi đã liên hệ với đường dây nóng tư vấn phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế và đã được nhân viên tiếp nhận nhưng sau hơn 1 tháng, ứng dụng của tôi vẫn không cập nhật đầy đủ".
Trả lời PV VTC News, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, một ứng dụng khi mới xây dựng có thể gặp phải lỗi là chuyện bình thường, tuy nhiên, để lỗi đó kéo dài mà không khắc phục được thì cần xem lại.
"Về nguyên tắc khi đã sử dụng chỉ một ứng dụng làm ứng dụng thống nhất chung duy nhất thì phải đảm bảo chính xác, hoàn thiện", ông Nga nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, đơn vị chủ trì xây dựng ứng dụng cần phải tiếp tục hoàn thiện, sửa lỗi, nếu còn để tình trạng lỗi tiếp tục xảy ra thì chắc chắn người dân sẽ không sử dụng ứng dụng này nữa.
Ông Nga cho rằng, đây là những lỗi về mặt kỹ thuật nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chống dịch. Hiện nay ứng dụng PC-COVID đã được sử dụng ở nhiều nơi, với nhiều vai trò khác nhau, nếu thông tin trong ứng dụng sai lệch chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêm vaccine cũng như ảnh hưởng chung đến công tác chống dịch COVID-19.
"Theo tôi, đơn vị xây dựng ứng dụng cần phải tiếp thu phản ánh để sửa lỗi. Nếu không sửa lỗi được thì có thể phải có ứng dụng khác thay thế ứng dụng này", ông Nga nói.
Cơ quan chức năng nói gì?
Phóng viên liên lạc với đường dây nóng tư vấn phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế, ứng dụng PC-COVID vẫn đang được đồng bộ nên thông tin của một số người chưa được cập nhật đầy đủ, thiếu số mũi và thông tin mũi tiêm. Với những trường hợp bị cập nhật sai thông tin, người dân cần liên hệ với đơn vị tiêm chủng ở cơ sở để được sửa lỗi.
Cũng theo thông tin từ đường dây nóng của Bộ Y tế, trong thời gian chờ đợi ứng dụng PC-COVID-19 được cập nhật đầy đủ, người dân có thể sử dụng ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" để được cập nhật đầy đủ và nhanh chóng hơn.
Trả lời VTC News, ông Đỗ Lập Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ phòng chống COVID-19 Quốc gia (Bộ Thông tin Truyền thông) cho rằng khi đi tiêm vaccine COVID-19, người dân cần khai đầy đủ thông tin cá nhân, thông tin căn cước, chứng minh thư nhân dân, số điện thoại, giới tính...
"Nếu người dân khai sai sau này sẽ không đồng bộ được. Cũng có trường hợp, có thể người dân khai thông tin đúng nhưng cơ sở tiêm chủng nhập thông tin lên hệ thống phần mềm quản lý COVID-19 Quốc gia bị sai. Vì dữ liệu trên nền tảng quản lý tiêm chủng là dữ liệu gốc về mũi tiêm, PC COVID được đồng bộ từ kho dữ liệu gốc sang", ông Hiển nói.
Ông Hiển nhấn mạnh để đồng bộ được thông tin trên ứng dụng PC COVID, thông tin cung cấp của người dân cũng phải đúng. "Quan trọng là phải khớp với thông tin quản lý tiêm chủng", ông Hiển nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng dẫn chứng các trường hợp xảy ra khiến cho việc hiển thị thông tin trên ứng dụng PC COVID không chính xác.
"Trường hợp thứ nhất, khi người dân khai đúng, đủ ở trên PC COVID rồi nhưng trên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 bị sai thì không thể đồng bộ được chính xác mũi tiêm. Trường hợp thứ hai là trên nền tảng quản lý thông tin tiêm chủng COVID-19 thông tin đúng nhưng trên PC COVID người dân khai chưa đủ, khai sai hoặc nhầm thì cũng biết đồng bộ kiểu gì vì không thể nhận ra đấy là một người. Công nghệ đảm bảo là một chuyện nhưng phải đúng, đủ, khớp trăm phần trăm là có mũi tiêm chính xác", ông Hiển lý giải.
Để khắc phục tình trạng thông tin hiển thị sai trên ứng dụng PC COVID, Trung tâm Công nghệ phòng chống COVID-19 Quốc gia đang thực hiện nhiều giải pháp.
"Thứ nhất, chúng tôi đã có cổng thông tin nhận phản ánh về tiêm chủng vaccine COVID-19. Người dân có thể vào đó để phản ánh những hiện tượng bị nhầm, bị sai, bị lỗi trên nền tảng quản lý COVID-19. Hiện nay các cơ sở tiêm vẫn đang ngày đêm rà soát phản ánh lỗi của người dân để giải quyết.
Thứ hai, người dân có thể thông qua việc đi tiêm mũi vaccine thứ 2, buộc phải khai báo đầy đủ các thông tin. Thông qua đó sẽ làm đồng bộ và làm sạch luôn thông tin của mũi 1.
Thứ ba, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu được để đến trực tiếp cơ sở tiêm phản ánh, cập nhật lại.
Thứ tư, Bộ Y tế và Bộ Thông tin – Truyền thông đã thống nhất theo Ban chỉ đạo Quốc gia sẽ bổ sung thêm chức năng cho phép người dân tự khai thông tin tiêm chủng của mình ở trên PC COVID-19. Khi khai lên, các thông tin sai cũng sẽ đẩy về cơ sở tiêm để xác minh. Trong quá trình chờ xác nhận, vẫn hiện đầy đủ mũi tiêm cho bà con ở dạng tự khai", ông Hiển thông tin.
Trả lời VTC News về trách nhiệm khi xảy ra những sai sót về thông tin trên ứng dụng PC COVID, ông Hiển trần tình: "Chúng tôi phải xử lý các thông tin sai sót của người dân vì không quy trách nhiệm cho ai được. Người dân được quyền phản ánh qua tất cả các kênh, qua số điện thoại tổng đài 19009095, qua cổng tiêm chủng, qua app PC COVID…".
PC-COVID là ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế và Bộ Công an chủ trì xây dựng và được chính thức công bố là ứng dụng phòng, chống COVID-19 duy nhất.
Các tính năng chính của ứng dụng là cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; quét mã QR; khai báo y tế; khai báo di chuyển nội địa; phản ánh của người dân; thông tin tiêm vaccine, thông tin xét nghiệm, thẻ thông tin COVID và truy vết tiếp xúc gần.
Tin nổi bật
Tin Video