Tin tức

Tỷ phú Trung Quốc 'méo mặt' vì đánh cược vào vaccine Mỹ

Bán thuốc trị gần như mọi bệnh, công ty của tỷ phú Trung Quốc lại "chật vật" khi đầu tư vào vaccine Mỹ vì vướng quá trình phê duyệt kéo dài không rõ nguyên nhân.

14/12/2021 09:30

Khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng ở Vũ Hán, Trung Quốc đầu năm 2020, công ty sản xuất thuốc của tỷ phú Guo Guangchang – Fosun Pharma tưởng rằng đã “chốt” được một thương vụ ngon lành.

Dưới sự chỉ đạo của Guo, Fosun Pharma nhanh chóng bắt tay với BioNTech – nhà sản xuất sau đó đã cho ra đời vaccine Pfizer, một trong những loại vaccine thành công nhất thế giới chống lại COVID-19.

Tỷ phú Trung Quốc 'méo mặt' vì đánh cược vào vaccine Mỹ - Ảnh 1.

Guo Guangchang. Ảnh: Bloomberg

30 chưa phải là Tết

Điều trớ trêu là sau gần 1 năm từ thỏa thuận trên, Pfizer vẫn chưa được phê duyệt tại Trung Quốc đại lục. Trong khi đó, gần đây, Bắc Kinh bắt đầu ủng hộ một loại vaccine mRNA “cây nhà lá vườn”, cho phép công ty Walvax Biotechnology thử nghiệm các liều tăng cường.

Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu loại vaccine Mỹ - Đức có chờ được đến ngày được sử dụng ở đại lục.

Sự mơ hồ không chắc chắn này là đòn giáng vào tham vọng của tỷ phú 54 tuổi. Trong những năm gần đây, Guo hướng công ty tập trung vào chăm sóc y tế như một lĩnh vực chủ chốt. Cổ phiếu của Fosun Pharma giờ đã giảm hơn 40% giá trị so với tháng 8. Trong khi đó, tài sản ròng của Guo, giảm từ 4,6 tỷ USD xuống còn 3,5 tỷ USD, do một loạt nguyên nhân như cổ phiếu bị bán tháo, kinh tế Trung Quốc chững lại, những đợt bùng phát dịch liên tục làm “cánh tay” du lịch và bán lẻ của tập đoàn bị tê liệt.

Trả lời Bloomberg qua email, Fosun Pharma nói việc công ty hợp tác với BioNTech “đã luôn được các cơ quan chức năng liên quan ủng hộ”. Theo công ty, quá trình thử nghiệm lâm sàng và phê duyệt giờ đang diễn ra theo luật Trung Quốc.

Trong khi đó, các mũi vaccine Pfizer đã được chấp thuận rộng rãi ở nhiều nơi khác trên thế giới. Pfizer – với quyền bán thuốc bên ngoài khu vực phân phối của Fosun - đang thu về hàng tỷ USD doanh thu từ vaccine. Các cơ quan quản lý của Trung Quốc - Cục quản lý sản phẩm y tế quốc gia và Văn phòng thông tin Quốc vụ viện chưa có bình luận về vấn đề.

Fosun được yêu cầu trả khoảng 141 triệu USD cho BioNTech trước cuối năm 2020 như một khoản thanh toán ban đầu để “đặt cọc” 100 triệu liều vaccine cho thị trường Trung Quốc đại lục vào năm 2021. Một số mũi tiêm trong số này - với nhãn hiệu bằng tiếng Trung giản thể - cuối cùng đã đến Đài Loan dưới dạng quyên góp từ các tổ chức từ thiện và một số đại gia ngành chip địa phương (những người đã mua vaccine từ Fosun).

Công ty cũng đồng ý đầu tư 100 triệu USD vào liên doanh với BioNTech để sản xuất vaccine tại Trung Quốc. Nhà máy, sau khi hoàn thành chuyển giao công nghệ và dây chuyền sản xuất từ BioNTech, được dự kiến sản xuất ra 1 tỷ liều thuốc mỗi năm. Nhưng liên doanh hiện không hoạt động và số vaccine cung cấp cho khu vực hiện đến từ nhà máy của BioNTech ở Đức.

Tỷ phú Trung Quốc 'méo mặt' vì đánh cược vào vaccine Mỹ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Bloomberg

Đến nay, hơn 1 tỷ người Trung Quốc đã tiêm các loại vaccine do các công ty nội địa phát triển như Sinovac và Sinopharm, dù một số nghiên cứu chỉ ra những loại vaccine này không hiệu quả bằng các vaccine mRNA. Hiện vẫn chưa rõ khi nào vaccine Pfizer-BioNTech mới có thể được phê duyệt tại Trung Quốc đại lục vì các nhà chức trách vẫn chưa công khai tiết lộ lý do tại sao quá trình phê duyệt bị đình trệ.

Dù vậy, theo Zhao Bing, nhà phân tích phụ trách nghiên cứu y tế tại China Renaissance Securities HK, xem xét sự cạnh tranh tại Trung Quốc, triển vọng của vaccine Pfizer tại thị trường này có thể cũng hạn chế kể cả khi đã được phê duyệt. "Fosun có thể lấy được bao nhiêu phần thị trường, tôi không biết cụ thể, nhưng chắc chắn tín hiệu không lạc quan”, ông nói.

Ông trùm bán thuốc

Theo Bloomberg, câu chuyện của tỉ phú Guo xảy ra vào thời điểm Trung Quốc đang thắt chặt việc kinh doanh của một loạt “ông trùm” quyền lực, như Jack Ma với Ant Financial và Pony Ma với Tencent Holdings. Trong lĩnh vực dược phẩm thì nước này đang khuyến khích khả năng tự sản xuất vaccine, cũng như bán vaccine nội địa ra khắp thế giới, một cách để tăng sức mạnh địa chính trị.

Fosun được Guo – một sinh viên chuyên ngành triết học và ba người bạn học kỹ thuật di truyền tại đại học Fudan, Thượng Hải - thành lập vào đầu những năm 1990. Ban đầu nó là một công ty tư vấn. Guo sau đó đã “ngửi” thấy các cơ hội kinh doanh mới và tiến hành một loạt các phi vụ mua lại trong các lĩnh vực.

Vào năm 2015, Guo im ắng một thời gian ngắn và giao dịch tại công ty mẹ Fosun International cùng cả Fosun Pharma bị đình chỉ. Công ty cho biết ông đang hỗ trợ cho các cuộc điều tra do cơ quan tư pháp Trung Quốc thực hiện. Cổ phiếu của họ tiếp tục giao dịch ba ngày sau đó, và Guo xuất hiện trở lại tại một cuộc họp thường niên của tập đoàn.

Trong những năm tiếp theo, Fosun International đã thoái vốn hàng tỷ USD tài sản.

Guo coi chăm sóc sức khỏe là một lĩnh vực quan trọng đối với tập đoàn, và đơn vị dược phẩm của họ bán một loạt các loại thuốc điều trị mọi thứ, từ bệnh tiểu đường đến rối loạn tâm thần. Họ cũng bán các sản phẩm nước ngoài như liệu pháp điều trị ung thư của Gilead Sciences và robot phẫu thuật của Intuitive Surgery.

Fosun Pharma ngày càng quan tâm đến các khoản đầu tư trong nước trong những tháng gần đây.

Vào tháng 7 năm nay, công ty đã ký một thỏa thuận với công ty công nghệ sinh học trong nước có tên là Kintor Pharmaceutical để có quyền bán loại thuốc đang được thử nghiệm để điều trị COVID. Còn nhiều nghiên cứu cần thực hiện về hiệu quả của thuốc, nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc đã quảng cáo loại thuốc này tương đương với loại thuốc do Merck&Co và Pfizer phát triển, có thể được sử dụng ở giai đoạn đầu nhiễm virus.

Trong số các khoản đầu tư khác trong nước, Fosun Pharma cũng đã mua cổ phần của một nhà sản xuất vaccine trong nước khác đang phát triển sản phẩm tương tự như Prevnar 13 của Pfizer - một loại vaccine ngừa phế cầu từng bán chạy nhất thế giới trước vaccine COVID.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận