'Tiên học lễ, hậu học văn không bao giờ lạc hậu'
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, "Tiên học lễ, hậu học văn" không lạc hậu. Không nên hiểu chữ "lễ" theo nghĩa Nho giáo trong xã hội phong kiến, chữ “lễ” của giáo dục hiện đại được hiểu là đạo đức, cách ứng xử giữa con người với con người và con người với thiên nhiên.
Đề xuất của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm về việc nên bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong các nhà trường hiện nay đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận.
Nói về quan điểm bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Tôi cho rằng, “Tiên học lễ, hậu học văn” không bao giờ lạc hậu. Câu nói này nhấn mạnh về việc dạy chữ và dạy người, xưa nay đây đều là nguyên lý không chỉ ở nước ta mà cả thế giới đều hướng tới và nhất thiết phải có trong giáo dục. Trong lý thuyết giáo dục hiện đại, thông qua dạy chữ để dạy người và trong chương trình GDPT mới có nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của người học, trong đó, phẩm chất chính là dạy học sinh biết về “lễ”. Không chỉ Việt Nam và các nước khác đều hướng tới phát triển con người có tài, có đức, đức ở đây chính là phẩm chất, tài là khả năng, năng lực. Đây là 2 yếu tố bắt buộc phải có và không thể tách rời”.
GS.TS Đinh Quang Báo cũng cho rằng, không nên đem chữ “lễ” của Nho giáo đặt vào xã hội ngày nay. Chữ “lễ” của giáo dục hiện đại được hiểu là đạo đức, ứng xử trong xã hội, không chỉ là ứng xử giữa con người với con người mà còn là ứng xử của con người với thiên nhiên, môi trường xung quanh. Chương trình giáo dục phổ thông mới đưa ra 5 phẩm chất và 10 năng lực cần đạt với học sinh, những thành tố đó câu thành chữ “lễ” trong nhà trường hiện nay.
Theo nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, để giáo dục thay đổi, tạo ra những con người sáng tạo, có tư duy phản biện, độc lập, vấn đề cốt lõi không nằm ở khẩu ngữ, mà ở chính phương pháp giảng dạy: “Người thầy giáo tồi là người dạy chân lý, người thầy giáo giỏi là người dạy học sinh cách tìm ra chân lý. Giáo dục hiện đại cần hướng đến dạy học sinh tìm ra chân lý của tự nhiên, của hiện thực khách quan, chân lý trong ứng xử với các mối quan hệ giữa con người với nhau và con người với thiên nhiên. Trụ cột của trường phổ thông là dạy học sinh cách làm người. Tôi không phê phán, nhưng cách giải thích của GS Thêm tôi cho rằng chưa đúng khi đưa những quan niệm xưa vào xã hội ngày nay”.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng không đồng tình với đề xuất bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong các nhà trường. Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chữ “lễ” – đạo đức vẫn là gốc rễ, cơ bản trong gia đình, nhà trường hay toàn xã hội.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, quan niệm chữ “lễ” theo Nho giáo tức bề trên (ông bà, cha mẹ, thầy cô) nói người dưới (con cái, học trò) phải nghe răm rắp nếu áp dụng vào thực tế hiện nay không còn đúng, mà nên hiểu chữ “lễ” là đạo đức con người, không nên quy về lễ giáo phong kiến.
“Trong xã hội ngày nay, triết lý giáo dục của nhiều gia đình trước tiên vẫn dạy con biết hiếu nghĩa, sống có đạo đức, dù giỏi đến mấy nhưng thiếu đi cái đức cũng không thể chấp nhận. Bất kỳ thời đại nào, khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn hoàn toàn đúng, nên không cần loại bỏ”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, để đổi mới giáo dục, phát triển năng lực sáng tạo, tư duy phản biện của học trò trước tiên cần thay đổi phương pháp giáo dục, mỗi thầy cô cần tìm tòi, sáng tạo để tăng cường tư duy phản biện của học sinh, ngoài ra vẫn cần chú trọng giáo dục đạo đức, dạy trẻ trước hết cần biết làm người.
Trước đó, bài viết trong kỷ yếu Hội thảo giáo dục 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21/11, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm có đưa ra quan điểm nên bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong nhà trường.
Trong bài viết của mình, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng, để có xã hội phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động.
Để có con người chủ động, cần loại trừ tính thụ động ở người dưới (học trò, con cái) và tính áp đặt ở người trên (thầy cô, cha mẹ). Cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như “con ngoan trò giỏi”, ngoan theo nghĩa dễ bảo, vâng lời, giỏi theo nghĩa thuộc bài…
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cũng nói thêm rằng: “Để có con người sáng tạo, cần thực hiện dân chủ trong giáo dục, cần thay đổi quan niệm về người thầy từ truyền thụ kiến thức sang hướng dẫn người học sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về sự sáng tạo của mình. Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo, chống việc nhồi nhét kiến thức, chống việc học thuộc lòng, thay đổi quan niệm về cách biên soạn sách giáo khoa, cách ra đề thi kèm theo đáp áp, chấm dứt cách học bài theo mẫu. Chừng nào còn đề cao chữ lễ để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển”./.
Tin nổi bật
Tin Video