Thơ Nguyễn 'cầu vía học giỏi' trên TikTok, nhiều phụ huynh phản đối
Video dùng búp bê ''cầu vía học giỏi" của kênh TikTok Thơ Nguyễn đang gây tranh cãi vì không phù hợp với kênh cho trẻ em.
Trong 2 ngày 25 và 27/2, TikToker Thơ Nguyễn đăng 2 clip có nội dung về búp bê kumanthong.
Đáng chú ý, ở clip đăng ngày 27/2, Thơ Nguyễn cho biết do "nhận được nhiều yêu cầu của các em nhỏ" nên quay video dùng búp bê để "xin vía học giỏi".
"Xin vía học giỏi không sai trái"?
"Xin vía học giỏi là điều gì đó không sai trái nên chị sẽ xin giúp các em", Thơ Nguyễn nói. Sau đó, TikToker này cho biết kết quả cầu vía sẽ phụ thuộc việc đầu búp bê lắc ngang hay dọc.
Kế đến, nhà sáng tạo nội dung này cho kumanthong "uống" nước ngọt như một hình thức tăng hiệu quả cho lời cầu. Hình ảnh lon nước phun trào cuối clip được TikToker nhận định do "kuman mập" (tên của búp bê) uống tham "nhưng sẽ giúp các em học giỏi".
Hai clip này hiện bị nhiều phụ huynh phản ánh trên mạng xã hội vì cho rằng tuyên truyền mê tín dị đoan. "Chỉ cần dùng kumanthong cầu vía là học giỏi vậy tôi cho con mình đi học để làm gì?", chị Huỳnh Liên, phụ huynh có con 2 tuổi ngụ tại Hóc Môn, TP.HCM bày tỏ với PV.
"Đã có những cái chết thương tâm do trẻ em xem nội dung độc hại rồi bắt chước. Con trẻ suy nghĩ và nhận thức không như người lớn. Người làm nội dung vì thế phải hết sức chọn lọc. Cớ sao lại tiêm nhiễm vào đầu trẻ những loại hình mê tín dị đoan này?", chị Liên đặt câu hỏi.
Cùng chung nhận định, chị Huỳnh Huệ, phụ huynh cháu 6 tuổi ngụ tại quận Tân Bình, TP.HCM cho rằng cách nói chuyện của Thơ Nguyễn không phù hợp với trẻ em.
Hiện nay, trang TikTok Thơ Nguyễn có khoảng 939,7 nghìn lượt theo dõi với hơn 5,7 triệu lượt thích. Riêng đoạn clip về kumanthong có khoảng 477,8 nghìn lượt yêu thích, cao hơn nhiều so với các nội dung khác trên kênh.
Sau nhiều tranh cãi giữa Thơ Nguyễn và một phụ huynh trên Facebook, đến tối ngày 10/3, trang TikTok này ẩn phần lớn các video đã đăng.
Tiêu chuẩn cộng đồng do chính TikTok đề ra có điều khoản ghi rõ không đăng, tải lên, phát trực tuyến hoặc chia sẻ thông tin gây hiểu lầm.
Ngoài ra, hành vi có hại cho trẻ vị thành niên gồm các hoạt động bất hợp pháp, thử thách thể chất hoặc những hành vi có thể đe dọa đến sức khỏe của trẻ vị thành niên.
Khi tìm từ khóa "kumanthong" trên TikTok, người xem có thể tìm ra nhiều nội dung do tài khoản Việt Nam đăng tải tràn lan xoay quanh chủ đề này.
Ban lãnh đạo, cơ quan chức năng nhiều tỉnh thành từng lên tiếng về kumanthong. Tháng 4/2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên đã có công văn chỉ đạo về hiện tượng búp bê kumanthong, xác định rõ đây là hình thức mê tín dị đoan, không phù hợp với truyền thống văn hóa và pháp luật Việt Nam.
Đối tượng khán giả kênh Thơ Nguyễn hướng đến là trẻ em. Tuy nhiên, từ đây cũng cho thấy một kẻ hở khác trong chính sách của TikTok. Mạng xã hội này quy định cấm người dùng dưới 16 tuổi, song không cần đăng nhập, người dùng dưới mức tuổi cho phép vẫn có thể xem được các nội dung trên kênh Thơ Nguyễn.
Không phải lần đầu gây tranh cãi
Thơ Nguyễn là nhà sáng tạo nội dung khá nổi tiếng tại Việt Nam. Trên nền tảng YouTube, Thơ Nguyễn từng đạt nút vàng với 8,74 triệu lượt đăng ký theo dõi. Kênh này chuyên sản xuất video đánh giá các loại đồ chơi, hướng dẫn trẻ em chơi game, nấu ăn, học tập. Mỗi video của đều dao động khoảng vài triệu lượt xem.
Theo Social Blade, kể từ khi thành lập vào ngày 6/3/2016, tính đến nay kênh YouTube Thơ Nguyễn đã đạt gần 6,3 tỷ lượt xem. Mỗi tháng, kênh này có thể thu về tối đa 420,4 nghìn USD.
Đây cũng không phải lần đầu tiên những nội dung do Thơ Nguyễn đăng tải gây tranh cãi. Tháng 5/2017, đoạn video tiêu đề “làm bồn tắm thạch Gelli Baff khổng lồ” do kênh này đăng tải xuất hiện cảnh nhân vật nữ chính nằm rên rỉ bên trong bồn tắm vì “bị chuột rút”. Nội dung này khi đó cũng bị người xem phản ánh vì không phù hợp cho trẻ em.
PV đã liên hệ với đại diện TikTok nhưng vẫn chưa có phản hồi.
Thơ Nguyễn được biết đến như một YouTuber chuyên làm nội dung cho trẻ em. Nhóm người xem Thơ Nguyễn hướng tới là trẻ em. Điều này có thể thấy qua việc Thơ Nguyễn sở hữu kênh YouTube Kids với lượng người đăng ký lớn. Trong các video trên TikTok, Thơ Nguyễn cũng chủ động xưng chị, gọi em với các "bạn nhỏ".
Chính sách TikTok hiện không cho phép trẻ dưới vị thành niên sử dụng nền tảng này. Dù không chào đón người dùng dưới tuổi vị thành niên, nhưng nhóm người xem này vẫn dễ dàng tiếp cận các nội dung trên TikTok.
Theo đó, với những video độc hại hướng tới người xem trẻ em, TikTok không yêu cầu đăng nhập để có thể xem. Bất cứ ai có liên kết đến video đều tiếp cận được. Cách làm này khác hoàn toàn với cơ chế gắn nhãn độ tuổi của YouTube đang áp dụng.
Tin nổi bật
Tin Video